Quản lý đất đai tại xã Yên Thường vi phạm nhiều, khắc phục ít

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/12, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra thực tế và kiểm điểm tiến độ khắc phục các nội dung còn tồn tại theo Kết luận số 4683/KL-TTTP (PGS) của Thanh tra TP Hà Nội trong công tác quản lý đất đai, trât tự xây dựng trên địa bàn xã Yên Thường.

 
Chủ tịch UBND xã Yên Thường - ông Nguyễn Thọ Sáng báo cáo tiến độ xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn xã.

Theo báo cáo của UBND xã Yên Thường, đến thời điểm hiện tại, xã đã thực hiện được 7/14 nội dung của Kết luận 4683/KL-TTTP. Đối với việc cắm mốc giới theo quy hoạch, UBND xã chưa thực hiện do việc xác định mốc giới, thông tin quy hoạch phải do Viện Quy hoạch kiến trúc thực hiện, phải thuê đơn vị tư vấn, kinh phí đầu tư cao nên rất khó thực hiện.

Trong việc giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, đối với đất do UBND TP giao và cho thuê, có 3/5 đơn vị được thuê đất đã cho các đơn vị khác thuê lại khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép. Sau khi có Kết luận của Thanh tra TP, UBND xã đã tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất của các đơn vị, lập biên bản, tuy nhiên các đơn vị chưa khắc phục những sai phạm đã được nêu trong Kết luận.

Đối với đất do UBND xã Yên Thường cho thuê, về đất công ích, từ năm 2010 - 2015, UBND xã đã ký 26/28 hợp đồng cho thuê đất nhưng không tổ chức đấu thầu. Hiện 2 trường hợp đã được UBND xã tiến hành tổ chức đầu thầu, 8 trường hợp UBND xã đã thanh lý và chấm dứt hợp đồng, 13 trường hợp đã có văn bản phê duyệt giá của UBND huyện và 5 trường hợp Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đang tiến hành khảo sát và đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Từ năm 2010 - 2015, UBND xã Yên Thường tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ký 14 hợp đồng cho thuê diện tích 24.958m2. Hiện đã thanh lý, chấm dứt hợp đồng với 5 trường hợp; có văn bản phê duyệt giá của huyện cho thuê theo mục đích phi nông nghiệp 6 trường hợp; cam kết giữ nguyên hiện trạng không phát sinh công trình 2 trường hợp...

Về đất nông nghiệp khó giao, UBND xã Yên Thường đã cho thuê thực hiện 11 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và 15 hộ gia đình thuê đất (5 hộ ký thuê trước năm 2014, 9 hộ ký thuê đất từ năm 2014- 2015) nhưng không tổ chức đấu thầu thuê đất, hiện tại xã đã và đang tiến hành các bước khắc phục.

Về công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với người có quyền sử dụng đất, xã có 38 trường hợp vi phạm về đất đai chưa xử lý dứt điểm với tổng diện tích đất vi phạm 4.565m2 với các vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công...

Việc thực hiện các Kết luận Thanh tra, kiểm tra về đất đai theo Kết luận 1399/KL-UBND ngày 12/12/2014 của UBND huyện, văn bản số 931/UBND-TNMT ngày 14/6/2016 của UBND huyện, UBND xã mới tổ chức thực hiện xong 1/19 nội dung, chưa thực hiện dứt điểm 18/19 nội dung...
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Tại buổi kiểm tran, đại diện các phòng, ban, ngành của huyện Gia Lâm đã có ý kiến đối với lãnh đạo xã Yên Thường về tiến độ triển khai thực hiện các nội dung Kết luận 4683/KL-TTTP của xã còn chậm. Các vướng mắc trong quá trình xử lý những vi phạm tồn tại từ nhiều năm trước, xã chưa có văn bản báo cáo kịp thời về UBND huyện đối với các trường hợp vi phạm tại HTX Công nghiệp Thiên Đức, Tổng Công ty Thăng Long - CTCP, Công ty Cổ phần giống cây trồng và Vật tư nông nghiệp Hà Nội...
Kết luận buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng đã yêu cầu xã Yên Thường phối hợp Phòng Tài nguyên Môi trường, Thanh tra huyện lập hồ sơ các trường hợp vi phạm để tiến hành giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đối với các doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất với TP nhưng có những vi phạm khó xử lý, các phòng, ban chuyên môn của huyện khẩn trương tham mưu bằng văn bản báo cáo UBND TP giải quyết.
Đối với các vị trí đất đề xuất để đấu giá trong thời gian tới, xã cần chủ động giải quyết triệt để các vi phạm và bàn giao đất “sạch” cho Trung tâm quỹ đất huyện; các vị trí đất khác cần rà soát lại, thiết lập hồ sơ, đánh giá mức độ vi phạm để có kế hoạch xử lý triệt để. Xã cần tăng cường quản lý không để phát sinh các vị trí vi phạm mới và cần quan tâm, đổi mới cách quản lý theo hướng bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần