Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý đất nông, lâm trường: Nhiều sai phạm cần xử lý

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Do buông lỏng quản lý, nhiều diện tích đất nông, lâm trường trên địa bàn TP Hà Nội đã bị mua bán, chuyển nhượng làm đất kinh doanh, nhà ở trái phép, gây bức xúc trong dư luận. Để giải quyết tình trạng này, UBND TP đã triển khai công tác rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường trên địa bàn TP.

Trong vai người hỏi mua đất, chúng tôi được một chủ hộ tên H., vốn là công nhân của Nông trường chè Long Phú (được cổ phần hóa thành Công ty CP chè Long Phú từ năm 2009) có nhà gần khu chợ trung tâm thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai thật thà: "Bây giờ muốn mua đất nông trường giao cho hộ dân không khó lắm, chỉ cần làm hợp đồng tách với công ty là xong".

Ông H. cũng bật mí thêm, vào lúc cao điểm của 3 năm trước, giá đất trên địa bàn xã Hòa Thạch khoảng 300 - 400 triệu đồng/mét ngang, sâu 20m nhưng nay chỉ còn 250 - 260 triệu đồng/mét ngang.

Theo UBND xã Hòa Thạch, Công ty CP chè Long Phú (Bộ NN&PTNT) có diện tích 465,23ha (diện tích nằm trên địa bàn xã Hòa Thạch là 390ha). Ông Nguyễn Hồng Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch khẳng định, nhiều hộ dân được giao đất trước, giờ đã làm nhà trên đất trồng chè, có hộ chuyển nhượng đất ở cho người khác, thu hàng tỷ đồng.
 
Quản lý đất nông, lâm trường: Nhiều sai phạm cần xử lý - Ảnh 1
 
Nhà cao tầng mọc lên giữa vườn chè tại xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai.  Ảnh: Quang Thiện
 

 Hình thức sang tay rất tinh vi, hộ nào muốn bán đất chỉ cần làm đơn "xin bỏ" và người muốn mua làm đơn "xin nhận"... Không chỉ tại Nông trường Long Phú, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều hiện tượng sử dụng đất nông, lâm trường sai mục đích.

Cụ thể, Trạm Nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môn-ca-đa (Ba Vì) tuy chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất nhưng đã tự chuyển đổi mục đích, giao 20,48ha đất nông nghiệp cho 209 hộ làm nhà ở, vườn; Trạm thực nghiệm giống cây rừng Ba Vì tự giao 4,47ha cho 22 hộ ở khu vực Cẩm Quỳ (xã Cẩm Lĩnh) mượn đất làm nhà vườn, 12 hộ khu vực Đá Chông (xã Ba Trại) làm nhà ở; Công ty CP Giống gia cầm Ba Vì đã tự ý giao 20,81ha đất cho các hộ gia đình sử dụng làm đất nhà ở và đất vườn...

Nguyên nhân chính của tình trạng sử dụng đất nông, lâm trường trái phép diễn ra phổ biến và kéo dài là do chưa có sự quan tâm đúng mức của các lãnh đạo các nông trường, trạm trại. Các đơn vị này là tổ chức sử dụng đất nhưng không trực tiếp sử dụng đất mà giao khoán cho người khác nên công tác quản lý Nhà nước về đất đai gặp nhiều khó khăn.

 Ông Nguyễn Hồng Thuận cho rằng, TP cần đẩy mạnh chỉ đạo rà soát hiện trạng đất nông, lâm trường sau cổ phần hóa để có hướng quản lý chặt chẽ. Hiện nay, trên địa bàn xã Hòa Thạch đã hoàn thành triển khai Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai của UBND TP (VLAP). Do đó, ông Thuận kiến nghị TP có thể căn cứ vào kết quả đo đạc này để bàn giao đất cho địa phương quản lý.

Ông Đào Đức Tiến, Bí thư Chi bộ thôn Yên Thành, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cũng đề xuất, đối với diện tích mà các nông, lâm trường giữ lại để sản xuất, kinh doanh phải được lập bản đồ, cắm mốc ranh giới và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất. Đối với đất ở khu dân cư đã ổn định, đất có công trình công ích phục vụ cộng đồng dân cư phải sớm bàn giao lại cho địa phương.

 
Mới đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, UBND TP Hà Nội đã chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường trên địa bàn TP. UBND TP cũng giao Sở TN&MT thành lập các tổ công tác triển khai thực hiện rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp đã thực hiện cổ phần hoá và các nông, lâm trường, trạm trại trên địa bàn TP và phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, báo cáo UBND TP xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.