Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý đô thị, đất đai làm “nóng” nghị trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nợ đọng XDCB vẫn gây băn khoăn

Ngày 10/7, Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội Khóa XIV bước vào nội dung chất vấn, tái chất vấn và trả lời chất vấn, các thành viên UBND TP đã đăng đàn trả lời các câu hỏi xoay quanh nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), phát triển KHCN, quản lý đất đai, xử lý nước thải…

Khác với các phiên chất vấn trước, tại Kỳ họp này, phần tái chất vấn tình hình thực hiện các kết luận tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8 HĐND TP chiếm một thời lượng không nhỏ, trong đó, vấn đề nợ đọng XDCB và vi phạm tại các dự án đã làm "nóng" nghị trường với những băn khoăn, lo lắng của ĐB.
Quản lý đô thị, đất đai làm “nóng” nghị trường - Ảnh 1
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao của phiên chất vấn sáng 10/7. Ảnh Thanh Hải
Kinhtedothi - Nợ đọng XDCB vẫn gây băn khoăn
Theo thống kê, năm 2014, TP đã bố trí 1.927 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng XDCB, so với tổng khối lượng nợ được thống kê đến thời điểm 30/12/2013 là 3.036 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2014 đã giải ngân được 54%. Với số nợ còn lại, hết năm 2014, các địa phương phải bố trí ở nguồn ngân sách địa phương, đảm bảo hết năm 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ và không phát sinh nợ mới. Tuy TP đã có hỗ trợ, nhưng thực tế nhiều huyện vẫn có nguy cơ ôm khoản nợ lớn hơn nguồn vốn phân cấp. Điển hình như huyện Ba Vì nợ tới 156 tỷ đồng trong khi nguồn vốn phân cấp huyện chỉ được 115 tỷ đồng; huyện Phú Xuyên đang nợ 378 tỷ đồng, nguồn vốn phân cấp 115 tỷ đồng; huyện Ứng Hòa nợ 166 tỷ đồng, nguồn vốn phân cấp 104 tỷ đồng…
Chia sẻ với những khó khăn trong việc thực hiện nợ XDCB, nhưng các ĐB đều không hài lòng vì đã qua 7 tháng, các địa phương vẫn chưa tổng hợp xong kết quả thanh tra các dự án nợ để trả lời cử tri. Do đó, số nợ TP đưa ra cũng không thống nhất giữa các thời điểm (năm 2013 là hơn 3.000 tỷ đồng, năm 2014 lại là hơn 4.000 tỷ đồng). ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh (Phó trưởng Ban Kinh tế Ngân sách) tái chất vấn: Vậy việc bố trí nguồn vốn trả nợ cho XDCB tới đây sẽ ra sao và được xử lý như thế nào? Giám đốc Sở KH&ĐT Ngô Văn Quý cho biết: Hiện, cơ quan chức năng đang thanh tra toàn diện nợ XDCB, trong đó có nợ ngoài kế hoạch (hiện có 3 huyện là Đan Phượng với 39 dự án, Phúc Thọ có 9 dự án, Mỹ Đức có 1 dự án). Riêng đối với những dự án vốn nhỏ, TP đã bố trí được nguồn. Để tạo động lực cho các huyện có số nợ lớn tăng nguồn thu trả nợ, TP sẽ cho phép để lại 100% nguồn vốn từ đấu giá đất; các khoản nợ liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới cũng sẽ được rà soát và nhận hỗ trợ từ TP… Ông Quý cũng cho biết, phải tới đầu tháng 8 mới có kết luận thanh tra để báo cáo HĐND vào Kỳ họp cuối năm vì hiện vẫn đang rà soát.

Chưa hài lòng với phần trả lời này, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách Nguyễn Văn Nam cho rằng: Thông tin mà Giám đốc Sở KH&ĐT cung cấp "không có gì mới", việc theo dõi, chấp hành quy định trong đầu tư của TP đang "có vấn đề", các giải pháp đề ra cũng mới chỉ mang tính tình thế. Năm 2015, khi thực hiện phân cấp nguồn thu - chi theo ngân sách mới, đề nghị cần quan tâm nguồn thu cho các quận, huyện phải đảm bảo đáp ứng nguồn chi, đặc biệt ở các quận, huyện khó khăn.

Công khai hơn 300 dự án có dấu hiệu vi phạm

Tái chất vấn về việc công khai các dự án bị thu hồi trong 6 tháng qua, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (quận Hà Đông) đặt câu hỏi: Liệu đến hết năm nay có rà soát, thanh tra, kiểm tra không, vì dự án hoang hóa không những lãng phí mà còn gây mất mỹ quan đô thị. Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông trả lời: Trong hơn 800 dự án được rà soát, phân loại (giai đoạn 2009 -2013), có 352 dự án có dấu hiệu vi phạm, 160 trường hợp chủ đầu tư đã đưa đất vào sử dụng, thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong 20 trường hợp kiến nghị TP thu hồi đất, hiện đã có một dự án bị thu hồi (diện tích 3ha), 15 dự án khác đã cơ bản xong và chuẩn bị thu hồi. Theo ông Đông: "Nguyên nhân dự án chậm triển khai do khủng hoảng tài chính và bất động sản, Hà Nội mở rộng nên phải có thời gian rà soát lại. Bên cạnh đó là năng lực và sự điều chỉnh dự án của chủ đầu tư cho phù hợp. Qua đó, giải pháp tới đây, TP sẽ tiếp tục sàng lọc dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải đáp ứng 20% vốn chủ sở hữu". Cũng theo ông Đông, khi hoàn tất kết quả kiểm tra sẽ công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở TN&MT về toàn bộ danh mục tên hơn 300 dự án và mức độ vi phạm của từng dự án.

Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cho rằng: “Cử tri rất bức xúc trước tình trạng yếu kém trong quản lý sử dụng đất đai, nhiều nơi đất để hoang hóa, bỏ không rất lãng phí. Tôi đề nghị sau quá trình rà soát, dứt khoát phải xử lý những dự án đã cho giải pháp tháo gỡ nhưng không thực hiện, đồng thời kiên quyết thu hồi những dự án để hoang đất lâu năm". Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cũng yêu cầu Sở TN&MT đến ngày 1/8 phải công bố kết quả kiểm tra đất nông nghiệp trong nội thành đã chuyển sang đất phi nông nghiệp, công bố kết quả kiểm tra đất nông nghiệp ở ngoại thành sử dụng sai mục đích.

Nhà siêu mỏng, siêu méo - “bài học cũ tái diễn”

Không phải là vấn đề mới và đã được đưa ra chất vấn, giám sát nhiều lần, tuy nhiên, nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn làm "nóng" phần chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục khi các thành viên Ban Pháp chế HĐND TP đưa ra tình trạng tái diễn công trình xây dựng siêu mỏng, siêu méo tại đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Vành đai 1).
Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu kết luận phiên chất vấn.  	Ảnh: Thanh Hải
Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu kết luận phiên chất vấn. Ảnh: Thanh Hải
Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Hiện chỉ còn 192 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo cũ tồn tại ở 8 quận, tập trung trên 8 tuyến đường. Tại tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, có 58 trường hợp, đã giải quyết 30, còn lại 28 trường hợp, Sở đang xem xét cụ thể và thống nhất phương án: Thu hồi 8 công trình, đề nghị quận Đống Đa và Sở TN&MT thu hồi một trường hợp để xây công trình công cộng. Đối với 19 trường hợp còn lại sẽ thu hồi 4, chỉnh trang 13, hợp khối, hợp thửa một. Theo ông Dục, nguyên nhân là do khi lập chỉ giới, chủ đầu tư đã không khảo sát hiện trường, trong khi người dân chỉ mong hợp khối mà không hợp thửa và mượn nhà bên cạnh để chống siêu mỏng siêu méo nên tình trạng này kéo dài. Đây là vấn đề phải rút kinh nghiệm.

Chưa hài lòng với cách giải thích này, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề: Khi thông qua Nghị định cụ thể hóa Luật Thủ đô, Chủ tịch UBND TP đã hứa với HĐND là không để xảy ra tình trạng siêu mỏng, siêu méo và nhiều tuyến đường đã làm rất tốt. Tuy nhiên, ngay đầu năm TP thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" lại xảy ra tình trạng nhếch nhác như đường Hoàng Cầu. Không chỉ siêu mỏng, siêu méo mà còn có xây dựng trái phép. Sở cần thấy rõ trách nhiệm của mình, không thể giao khoán cho quận xử lý. Giải thích việc này, ông Lê Văn Dục cho rằng: Năm 2003 cắm xong mốc giới và sau đó rất khó sửa. Đây cũng là một thực tế và Sở Xây dựng đang rất tích cực để giải quyết. Đồng thời, cũng là bài học mà Sở phải rút kinh nghiệm, kể cả việc không điều chỉnh quy hoạch khi được phép. Còn với những tuyến đường khác, hiện, Chủ tịch UBND TP chỉ phê duyệt khi Sở khẳng định không có nhà siêu mỏng siêu méo.