Quản lý hồ Hà Nội trước nguy cơ biến đổi khí hậu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia cảnh báo, quá trình đô thị hóa gắn với sự thay đổi của tự nhiên và địa hình đã làm thay đổi cảnh quan, môi trường và diện tích mặt hồ Hà Nội.

Sáng 27/10, Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng đã tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển và quản lý quy hoạch – kiến trúc hệ thống hồ Hà Nội nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn 2050”. 
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Đề tài định hướng phát triển và quản lý quy hoạch – kiến trúc hồ Hà Nội nhằm ứng phó với BĐKH được nghiên cứu bởi PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, dự kiến trình UBND TP vào cuối năm nay. Theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, hồ Hà Nội có nhiều vai trò quan trọng như: Điều hòa vi khí hậu, tạo cảnh quan, là không gian công cộng và góp phần vào việc cấp thoát nước cho TP. 

Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội, trong nhiều năm qua, hệ thống hồ Hà Nội đã phải chịu tác động của nhiều yếu tố. Quá trình đô thị hóa gắn với sự thay đổi của tự nhiên và địa hình đã làm thay đổi cảnh quan, môi trường và diện tích mặt hồ. Đô thị hóa đã làm cho một số hồ bị biến mất, nhưng cũng hình thành nên một số hồ mới nhân tạo. Hiện toàn TP có 317 hồ, trong đó nội thành có 132 hồ với diện tích khoảng 1.924ha, ngoại thành có 185 hồ với diện tích hơn 5.198ha.

Để đối phó với nguy cơ biến đổi khí hậu như: Ngập lụt, xói lở, nhiệt độ không khí tăng và suy giảm nguồn nước, Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng đưa ra 7 giải pháp, bao gồm: Giải pháp cho các công cụ quản lý và nội dung quản lý. Giải pháp kiểm soát vấn đề tăng nhiệt độ do BĐKH. Giải pháp kiểm soát nguy cơ ngập lụt do BĐKH. Giải pháp kiểm soát nguồn nước và chất lượng nước. Giải pháp kiểm soát điều kiện đất và độ ổn định của đất. Giải pháp bảo vệ hồ nước và giải pháp tạo không gian cảnh quan đệm xung quanh hồ.

Tại hội thảo, các KTS đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về việc nên tập trung nghiên cứu kỹ hơn về các giải pháp bảo vệ và cải tạo hệ thống hồ Hà Nội. Đây cũng là cơ sở để đơn vị chủ trì tham khảo, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn đề tài nghiên cứu của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần