Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý hóa chất trong thức ăn chăn nuôi: Phải chặt từ Luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/4, UBTV Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Chăn nuôi. Nhiều ý kiến cho rằng, thức ăn chăn nuôi (TĂCN) là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng chăn nuôi. Tuy nhiên, cần quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán, sử dụng TĂCN rõ ràng và phù hợp với thực tế hơn.

Không nên đặt thủ tục, điều kiện mới

Dự Luật hướng tới việc thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, kinh tế, môi trường, VSATTP; thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu… Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, điểm mới là Dự Luật quy định tổ chức, cá nhân phải thực hiện đăng ký, kê khai khi kinh doanh giống vật nuôi, sản xuất chăn nuôi giúp các cơ quan quản lý thống kê, giám sát và là cơ sở để từng bước quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi.
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trình bày tờ trình. Ảnh: Văn Điệp
Khẳng định việc ban hành luật làm cơ sở pháp lý chắc chắn cho việc quản lý và phát triển ngành sản xuất tiềm năng của Việt Nam là cần thiết, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý: Dự Luật liên quan đến rất nhiều luật khác và “đụng” đến nhiều ngành khi điều chỉnh từ giống vật nuôi, TĂCN đến hoạt động chăn nuôi... “Chăn nuôi ở đây là chăn nuôi cái gì, con trên cạn hay cả con dưới nước? Luật có điều chỉnh thức ăn thủy sản không vì Luật Thủy sản, Luật Thú y cũng đề cập những vấn đề này. Do đó, phạm vi phải làm rất rõ” - Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nêu. Đồng thời nhận định, về điều kiện kinh doanh cần rà soát lại để vừa đảm bảo quản lý Nhà nước nhưng phải kiến tạo phát triển cho sản xuất. Nếu đặt quá nhiều điều kiện sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của DN. Nên chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” thông qua việc nếu phát hiện ra sai phạm thì thu hồi giấy phép chứ không nên kiểm tra, đặt ra quá nhiều điều kiện.

Lưu ý đến chiến lược phát triển trồng trọt

Chiều 13/4, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Trồng trọt. Đây là dự luật được xây dựng nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa...

Với nhận định Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, việc xây dựng và ban hành Luật Trồng trọt là cần thiết, các thành viên UBTV Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của luật, tránh chồng chéo, hoặc quá rộng, dẫn đến khó áp dụng trong thực tế. Đồng thời, cần có những quy định liên quan đến chiến lược phát triển trồng trọt, hướng mạnh tới phát phát triển bền vững, phát triển xanh, phát triển nông nghiệp sạch. Cùng với đó, cụ thể hơn vấn đề bảo tồn các nguồn gen, nguồn giống quý của cây trồng Việt Nam.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một số nội dung về áp dụng các tiến bộ mới của khoa học - công nghệ trong bảo quản, chế biến nông sản; việc bảo đảm nguyên liệu đầu vào đối với cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm trồng trọt. Làm rõ hơn chính sách đầu tư, hỗ trợ, ưu đãi và khuyến khích của Nhà nước đối với hoạt động trồng trọt…
Đề cập hành vi bị nghiêm cấm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh dẫn quy định ở Điều 7 về việc không được chăn nuôi trong khu đô thị, khu nội thị, không chăn nuôi tập trung trong khu dân cư. Trong khi đó, Điều 38 lại giao cho UBND trình HĐND quy định các khu vực trong khu nội thị, nội thành, khu dân cư được chăn nuôi. “Như vậy người ta hiểu rằng trong đô thị, nội thị vẫn được chăn nuôi nhỏ lẻ, không thương mại. Còn trong khu dân cư vẫn có vùng được chăn nuôi tập trung” - Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh phân tích và đề nghị quy định phải rõ ràng để tránh mâu thuẫn.

Tăng cường hậu kiểm thức ăn chăn nuôi

Liên quan tới quản lý TĂCN, theo Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng, hoạt động mua bán, bảo quản, chế biến sản phẩm chăn nuôi là một khâu quan trọng để nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi, nhưng chưa được quy định trong Dự Luật. Đề nghị cân nhắc quy định về vấn đề này nhưng tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà cho DN; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng TĂCN.

“Tồn dư kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm chăn nuôi vượt ngưỡng cho phép sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, do vậy, không khuyến khích sử dụng kháng sinh trong sản xuất TĂCN” - ông Phan Xuân Dũng phân tích. Đồng thời kiến nghị, cần quy định về quản lý kháng sinh, hóa chất trong TĂCN theo hướng quản lý ngưỡng tồn dư trong TĂCN thay cho việc quản lý bằng danh mục chất cấm, chất được phép sử dụng trong TĂCN để phù hợp với pháp luật về thú y.

Nhiều ý kiến lại cho rằng, trong quản lý kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi có những loại dứt khoát phải cấm chứ không phải nằm trong ngưỡng.