Quản lý nguồn thu từ di tích: Vẫn trông vào quy chế

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều 5/6, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh. Trong thời gian qua, vấn đề “BOT thu phí” tham quan ở danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), vấn đề minh bạch quản lý tiền công đức luôn là vấn đề “nóng”, chưa có biện pháp giải quyết.

 Trạm thu vé tại chùa Yên Tử. Ảnh: Minh Cương
Bức xúc BOT di tích, tiền lẻ chở xe tải

Đầu năm 2019, quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Đông Triều - Quảng Ninh) đã tiến hành thu phí tham quan trên đỉnh núi, đoạn cách chùa Đồng 700m. Điều đáng nói là ngay dưới chân núi Yên Tử cũng đã có một trạm bán vé thu phí và du khách đã phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí tham quan di tích trước khi lên đỉnh núi. Việc thu phí hai lần cho một chuyến hành hương về đất Phật khiến người dân hết sức bức xúc và phản đối. “BOT thu phí di tích” là cụm từ được cư dân trên mạng dùng để mỉa mai tình trạng lợi dụng danh lam thắng cảnh để thu lời từ một số DN và địa phương.

Một trong những vấn đề bức xúc bao năm chính là nguồn thu – chi tiền công đức ở các cơ sở tôn giáo. Ở chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), hàng năm, chi nhánh của một ngân hàng phải cắt cử 2 - 3 cán bộ ngân hàng vào nằm vùng trong chùa từ tháng Giêng đến hết tháng Ba sau khi hết mùa lễ hội. Những cán bộ này khi vào chỉ có nhiệm vụ chủ yếu là đếm cọc, bó tiền; còn việc phân loại tiền lẻ đã có một đội chấp tác nhà chùa lên tới 15 - 20 người lo cùng. Sau khi báo chí điều tra, không còn chuyện cán bộ ngân hàng nằm vùng thì lại rò rỉ sự việc hết mùa lễ hội, nhà chùa thuê xe tải chở vài chục bao tải tiền lẻ gửi ngân hàng. Theo tìm hiểu của phóng viên, do nhà chùa không phải là DN, cũng không phải là đơn vị có tài khoản, con dấu riêng nên hầu hết các khoản tiền công đức tại nhiều chùa chiền hiện nay sẽ được đứng tên theo tài khoản cá nhân. Và số tiền dù là giọt dầu, chủ yếu tiền lẻ nhưng không thể là ít.

Năm 2012, Bộ VHTT&DL đã ban hành Quyết định quy định mỗi di tích đặt không quá 3 hòm công đức tại 3 ban thờ chính. Nhưng thực tế, hầu như không một di tích nào thực hiện quy định này. Về chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội) vào đầu tháng 6/2019, trong không gian chỉ vài chục mét ở chùa Hạ, chùa Trung hoặc chùa Cao có đến hơn 10 hòm công đức ở mỗi nơi thờ tự.

Chờ cái “bắt tay” của nhiều ngành

Vẫn biết việc thu phí danh lam thắng cảnh, quản lý nguồn tiền công đức không chỉ phụ thuộc vào Bộ VHTT&DL, mà còn Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh, TP. Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VHTT&DL Nguyễn Thái Bình từng trả lời báo chí rằng, việc thu phí và lệ phí lĩnh vực văn hóa thể thao du lịch đã có quy định rất rõ. Nếu công trình đó thuộc sự quản lý cấp T.Ư thì do Bộ Tài chính quy định, còn công trình cấp địa phương quản lý thì do HĐND tỉnh, TP quyết định. Ở cấp Sở, cũng gặp vướng mắc tương tự. Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Sở VH&TT là cơ quan chịu trách nhiệm chính về di tích, bên cạnh đó có sự tham gia của Sở Tài chính Hà Nội, chính quyền các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cũng như ban quản lý di tích và ban quản lý lễ hội.

Thế nhưng, nếu cứ vòng vo trách nhiệm sẽ rất khó để công khai minh bạch cách thu và các nguồn thu. Vấn đề nằm ở chỗ các đơn vị cấp bộ, hoặc trực thuộc cấp tỉnh, TP, có quyết tâm minh bạch nguồn tiền này? Ví như đầu năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND về tiếp nhận, sử dụng nguồn công đức tại các di tích. Câu chuyện “thay quản lý” di tích ông Hoàng Mười khiến tiền công đức tăng gấp 10 lần khi đó đã gây xôn xao dư luận. Hoặc tại Khu di tích lịch sử đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng từng có cuộc lột xác nguồn thu công đức từ chưa đầy 10 tỷ đồng/năm thành hơn 30 tỷ đồng/năm; dù lượng khách không tăng là mấy.

Sau bao năm kêu khó, giậm chân tại chỗ, nhiều đơn vị hy vọng trong phiên chất vấn lần này sẽ là cách gợi mở để Bộ VHTT&DL kết hợp với các Bộ khác đưa ra quy chế quản lý rõ ràng, thống nhất cho việc thu phí tham quan di tích và danh lam thắng cảnh, cũng như việc quản lý nguồn tiền công đức.