Quản lý nước thải khu công nghiệp: Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện cả nước có 283 khu công nghiệp (KCN). Điều đáng nói, trong tổng số 180 KCN đã đi vào hoạt động, vẫn còn hơn 60 KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải, đang ngày đêm xả thải ra môi trường.

Quản lý nước thải khu công nghiệp: Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động - Ảnh 1

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với TS. Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) (ảnh bên) về vấn đề này.

Ông có thể cho biết vì sao Luật Môi trường đã có hiệu lực từ lâu, nhưng đến nay vẫn còn hơn 60 KCN đã đi vào hoạt động nhưng không có hệ thống xử lý nước thải?

- Qua số liệu kiểm tra của Tổng cục Môi trường, hầu hết các KCN đã đi vào hoạt động hiện nay được cấp phép trước khi Luật Bảo vệ môi trường 2005 ra đời. Đặc biệt, Luật Môi trường cũng chỉ quy định nếu doanh nghiệp có khả năng tài chính sẽ tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa bắt buộc. Đây chính là kẽ hở để hầu hết các doanh nghiệp đều viện lý do thiếu kinh phí. Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ TN&MT đã có quy định đối với các KCN mới thành lập, trước khi xây dựng phải có đánh giá tác động môi trường mới được cấp phép. Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TN&MT báo cáo chi tiết về công tác quản lý hệ thống xử lý nước thải, khí thải, rác thải rắn tại các KCN vào cuối năm 2012. Nếu doanh nghiệp nào chưa có hệ thống xử lý nước thải sẽ bị xử phạt nặng, thậm chí yêu cầu tạm ngừng hoạt động sản xuất.

Tại nhiều KCN dù đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng một số doanh nghiệp vẫn lén lút xả nước thải chưa xử lý ra môi trường. Phải chăng, do mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe, thưa ông?

- Trong thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Cục Cảnh sát Môi trường kiểm tra tại các KCN và nhận thấy, có một số doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống nước thải nhưng do công suất nhỏ, không xử lý mà bơm thẳng ra sông. Tôi có thể khẳng định, bất kỳ hành vi nào vi phạm Luật Môi trường đều bị xử phạt nặng. Cụ thể, theo Nghị định 117/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mỗi hành vi có thể phạt đến 500 triệu đồng. Thậm chí, nếu vi phạm có tính chất nghiêm trọng có thể bị phạt tới 2 tỷ đồng và bắt buộc đóng cửa doanh nghiệp vi phạm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, khi vi phạm bị phát hiện, hàng hóa của chính doanh nghiệp đó bị tẩy chay như Vedan, Tung Kuang… 

Vậy, Bộ TN&MT sẽ làm gì khắc phục tình trạng này?

- Công nghệ xử lý nước thải rất nhiều chủng loại từ hiếm khí, hiếu khí, hồ điều hòa… từ đắt tiền đến rẻ tiền. Công nghệ là do chủ đầu tư mua, lắp đặt tùy theo công suất nước thải của KCN đó. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng trạm xử lý nước thải trong KCN có công suất nhỏ nên không xử lý được triệt để nước thải. Để khắc phục tình trạng này, Bộ TN&MT đang có kế hoạch tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận nguồn vốn để xây mới hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các KCN khi xây dựng hệ thống nước thải phải có hệ thống quan trắc, từ đó gửi báo cáo cho cơ quan quản lý thường xuyên. Dự kiến, trong 1 - 2 năm tới, 100% KCN sẽ có hệ thống nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.

Ông có thể nói rõ hơn về hệ thống quan trắc theo dõi chất lượng nước thải tại các KCN?

- Theo Thông tư 48/2011/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, KCN quy định, các KCN phải lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi chất lượng nước thải để công bố cho nhân dân, cho cộng đồng. Do đó, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ trang bị hệ thống giám sát quan trắc nước thải tự động 5 phút một lần tại tất cả các KCN. Tất cả các số liệu từ các trạm quan trắc sẽ truyền về trụ sở của Bộ TN&MT và hệ thống tại đây sẽ tự động cập nhật các thông số kỹ thuật và chất lượng nước thải đã được xử lý, nếu thấy không đạt chuẩn Bộ sẽ nhắc nhở ngay. Hiện một số KCN ở Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM đã có hệ thống này. Bộ đang gấp rút chuẩn bị cơ sở pháp lý để hệ thống đi vào hoạt động. Và dự kiến đến cuối năm 2012, toàn bộ hệ thống quan trắc tự động nước thải tại KCN sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần