Quản lý quy hoạch, xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của Hà Nội: Còn lúng túng khi phát triển đô thị nóng

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình đô thị hóa nhanh tại các huyện ngoại thành của Hà Nội đã tác động mạnh mẽ tới cấu trúc không gian kiến trúc cảnh quan, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Cùng đó, sự thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh ở những vùng ngoại thành đòi hỏi sự chuyển đổi không gian sinh hoạt của người dân diễn ra nhanh. Thế nhưng, công tác quản lý quy hoạch kiến trúc tại khu vực này lâu nay hầu như đang bị bỏ ngỏ.

Nhiều nơi bị đô thị hóa một cách khiên cưỡng

Tại Hội thảo “Thực trạng quản ký quy hoạch, xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của Hà Nội”, do Sở QH - KT Hà Nội tổ chức sáng 30/11, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan từ các hội nghề nghiệp của Trung ương và TP Hà Nội đều đánh giá, trong quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa tại Hà Nội, nhiều làng xã tại các huyện ven đô đã và đang mất bản sắc truyên thống vốn có.
Nhiều kiến trúc, cảnh quan, di sản văn hóa làng quê đã bị mai một do phát triển đô thị. Nhiều làng xã trở thành “phố làng”, nhiều khu đô thị mini trong lòng nông thôn khiến nhiều nơi bị đô thị hóa một cách khiên cưỡng…
 Toàn cảnh buổi hội thảo.
Theo Nguyên Phó viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn, TS. KTS Lê Thị Bích Thuận, khu vực ven đô của Hà Nội có quy mô và mật độ dân cư tương đương tiêu chuẩn đô thị. Là khu vực giao thoa của nông thôn và thành thị, có mối quan hệ mật thiết với đô thị lõi.
Tuy nhiên, hiện nay, do một số bất cập trong quy hoạch cũng như các tiêu chí nhận diện, quản lý khu vực này đang phải đối diện với nguy cơ thiếu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Cùng đó, ô nhiễm môi trường, không gian cảnh quan tự nhiên bị xâm lấn, nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ thất truyền, nhiều di sản du lịch bị bỏ quên…
Về góc độ quy hoạch, KTS Lã Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng kiến trúc II (Sở QH - KT Hà Nội) cho rằng, thực tiễn 10 năm thực hiện cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và thực hiện Chương trình số 02-Ctr/TU, Thành ủy và UBND TP đã quan tâm chỉ đạo các huyện tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng huyện, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và triển khai quy hoạch chi tiết trung tâm xã và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ 1/500 với 727 đồ án.
Các quy hoạch xây dựng này đều đã xác định khá cụ thể về tổ chức không gian khu chức năng để phục vụ yêu cầu quản lý, song trên thực tiễn vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập. Cụ thể, công tác quy hoạch xây dựng tại 17 huyện của TP còn dàn trải. Đối với khu vực nằm trong khu vực dự kiến phát triển đô thị và có tốc độ đô thị hóa cao là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức chưa có các giải pháp hợp lý về xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa. Tổ chức bộ máy quản lý quy hoạch xây dựng tại các huyện chưa được quan tâm đúng mức.
Về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nhất là mạng lưới đường trong các khu dân cư làng xóm trong quá trình đô thị hóa nhanh được xây dựng một cách tùy tiện, thiếu tính khoa học và thực tiễn. Nơi cần đường tại các làng xóm đô thị hóa thì thiếu, nơi cần tiết kiệm đất xây dựng như tại khu vực phát triển mới phía Đông vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng thì mật độ đường lại quá cao và hiệu quả sử dụng đất thấp.
TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay, mỗi xã, huyện ngoại thành Hà Nội đều lưu giữ chuỗi các công trình di sản có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và tinh thần đối với cộng đồng dân cư. Các công trình này đóng vai trò trung tâm của xã trong thời gian dài khi gắn với phát triển nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại đang làm mờ dần đi vai trò của những công trình này, không gian cảnh quan bị lấn chiếm, thậm chí bị bỏ quên và xuống cấp nghiêm trọng.  
Nhiều giải pháp cụ thể
Theo các chuyên gia, trước những tồn tại từ thực tế, việc đánh giá đúng thực trạng, dự báo trước sự phát triển để đưa ra những giải pháp quy hoạch và định hướng cho tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tại các huyện của TP Hà Nội là hết sức cần thiết.
Việc này nhằm để tránh mất đi những giá trị di sản, bản sắc kiến trúc cảnh quan hiện có, kế thừa và phát huy giá trị bản sắc đó trong cả quá trình phát triển khi xã nông thôn mới trở thành đô thị sau này. Bên cạnh đó còn đề xuất nội dung mới, tham mưu cho các cấp chính quyền TP nghiên cứu hoàn thiện quy định về công tác quản lý quy hoạch và quản lý kiến trúc cảnh quan vùng nông thôn.
 Các đại biểu tham dự buổi hội thảo.
Về giải pháp quản lý các xã nông thôn mới ven đô, TS. KTS Lê Thị Bích Thuận đã đưa ra khuyến nghị, các làng, xã theo quy hoạch sẽ trở thành quận, phường đang diễn ra quá trình đô thị hoá mạnh mẽ đang quản lý thuần tuý như nông thôn cần có định hướng thay đổi cách quản lý sao cho đáp ứng nhu cầu đô thị hoá trong thời gian gần.
Các làng, xã theo quy hoạch không trở thành quận, phường nhưng là vùng hậu phương cung cấp những dịch vụ hậu cần nhất định cho đô thị, những khu vực này chưa biến thành đô thị trong thời gian gần, nhưng cũng không phải là nông thôn thuần tuý mà là một vùng nông thôn nhưng đan xen nhiều dịch vụ cho khu đô thị cần phải có hình thức quản lý đặc thù.
Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới ở các xã ven đô cần được định hướng rõ ngay từ quá trình quy hoạch, định hướng rõ xã thuần nông nào sẽ trở thành xã ven đô. Hay xã ven đô nào sẽ trờ thành phường đô thị nhằm tránh bị lúng túng khi phát triển đô thị nóng không kịp với phát triển kinh tế.
Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn, đô thị hóa là quá trình tất yếu tại các vùng ngoại ô Hà Nội. Quá trình này làm thay đối cấu trúc không gian cảnh quan tại vùng nông thôn của TP là không thể tránh khỏi. Giải pháp là cần biến các di sản tại xã, huyện trở thành hạt nhân quan trọng và là động lực thúc đẩy công tác bao tồn cảnh quan và giá trị văn hoá truyền thống đẹp tại các làng ven đô của Hà Nội. Cần coi đây là động lực chứ không phải là rào cản của quá trình phát triển.
Về giải pháp thiết kế cảnh quan tại khu vực nông thôn Hà Nội, cần dựa trên nguyên tắc khai thác các giá trị đặc trưng của mỗi vùng, biến không gian sản xuất thành những không gian cảnh quan hấp dẫn. Hạ tầng kỹ thuật được xây dựng theo hướng tích hợp và lồng ghép yếu tố sinh thái sẽ góp phần không nhỏ cho sự phát triển bền vững và phát huy giá trị bản địa của mỗi khu vực.
"Đây là nền tảng hình thành chuỗi giá trị cảnh quan vùng ngoại thành Hà Nội và trở thành những nhân tố quan trọng cho sự phát triển của hệ sinh thái đô thị toàn TP” - TS.KTS Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thực tế cần nhìn nhận trong thời gian qua mảng quy hoạch và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan khu vực nông thôn của Hà Nội còn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, thông qua đề tài khoa học “Quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan các huyện của TP Hà Nội - Thực trạng và giải pháp” mà Sở QH - KT đang thực hiện, những cơ sở khoa học và thực tiễn của công tác quản lý vừa qua sẽ được tổng hợp, báo cáo không chỉ với các cấp lãnh đạo TP Hà Nội mà còn báo cáo cơ quan Trung ương, nếu cần sẽ cập nhật vào trong các khung của luật, đặc biệt là Luật Xây dựng tới đây.
Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần