Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nước ngầm là nguồn cung cấp nước quan trọng cho sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp. Nguồn nước ngầm hiện chiếm khoảng 35 - 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho các đô thị trên toàn quốc, tuy nhiên, đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và suy giảm trữ lượng.

Giảm trữ lượng, nguy cơ nhiễm asen lan rộng

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, trong bối cảnh gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hoá ngày càng cao khiến nguồn nước (kể cả nước mặt lẫn nước ngầm) tại nhiều nơi, đặc biệt là các TP lớn bị ô nhiễm và suy giảm trữ lượng. Tại Hà Nội, kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, nguồn nước ngầm tự nhiên bị nhiễm asen ở cả hai tầng Holocene và Pleistocene (nông và sâu), nghiêm trọng nhất là ở khu vực phía Nam của TP.

Cụ thể, các chuyên gia đã kiểm tra, lấy mẫu định kỳ về ô nhiễm asen tại 34 điểm là các hộ dân sống gần 13 nhà máy nước chính và 4 trạm cấp nước đang hoạt động trên địa bàn TP. Kết quả cho thấy, 46% các địa điểm lấy mẫu có hàm lượng asen liên tục vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tiêu chuẩn Việt Nam. Hầu hết các điểm phát hiện giàu asen đều nằm gần các nhà máy nước: Nam Dư, Yên Phụ, Lương Yên, Gia Lâm, Pháp Vân và Linh Đàm. Sự biến động lớn của nồng độ asen theo thời gian cũng được các chuyên gia ghi nhận. Theo đó, tại các thời điểm giàu asen, nồng độ cao nhất xảy ra vào các quý II và IV, thấp nhất vào quý I và quý III trong một năm.

 
Các chuyên gia khoan thăm dò nguồn nước ngầm tại Hà Nội. 	Ảnh: Ngọc Thanh
Các chuyên gia khoan thăm dò nguồn nước ngầm tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thanh

Cùng với việc ô nhiễm nguồn nước ngầm, các sông hồ ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, nơi có các khu công nghiệp lớn và đông dân cư đều bị ô nhiễm. Phần lớn lượng nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn. "Tại một số đô thị, việc khai thác nước dưới đất đã và đang có những biểu hiện suy thoái cả về chất và lượng: Cạn kiệt nguồn nước; suy giảm chất lượng nguồn nước do nhiễm bẩn, xâm nhập mặn và xáo trộn mực nước" - ông Triệu Đức Huy - Trung tâm Quy hoạch & Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia phân tích.

Sử dụng bền vững nguồn nước

Nguồn nước ngầm ô nhiễm chủ yếu do tác động của sự phát triển công nghiệp, làng nghề cũng như sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Ông Lê Kế Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho rằng, việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước ngày càng khó khăn khi các nhà máy, khu công nghiệp vẫn mọc lên với mật độ dày đặc, trong khi việc xử lý nguồn nước thải hầu như không được chú trọng. Để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước ngầm, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức cộng đồng, kêu gọi sự trợ giúp khoa học, công nghệ từ các tổ chức quốc tế. Qua đó, việc quy hoạch, quản lý tổng hợp tài nguyên nước được lồng ghép trong các kế hoạch phát triển đô thị và kinh tế - xã hội. Cần phải lập hành lang bảo vệ nước, gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi; hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa…

Bộ TN&MT đã đưa ra kế hoạch hành động quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên nước, trong đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm để quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước. Đồng thời, hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước; tăng cường các biện pháp kiểm soát các tác động tiêu cực đối với tài nguyên nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức và quản lý, bảo vệ tài nguyên nước…

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 của ngành tài nguyên môi trường là đẩy mạnh thực thi pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành. Một trong những lĩnh vực quan trọng được tập trung thanh, kiểm tra là việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông.