Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý taxi công nghệ như thế nào?

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bài toán quản lý xe ứng dụng hợp đồng điện tử (Uber, Grab) vẫn đang khiến nhiều cơ quan chức năng bối rối trong bối cảnh mập mờ, thiếu minh bạch như hiện nay.

Vẫn mập mờ

Ngày 15/1 vừa qua, nhiều tài xế tham gia ứng dụng Grab taxi và Uber taxi đã đình công, tắt ứng dụng, tụ tập tại văn phòng đại diện của các hãng này trên địa bàn Hà Nội để phản đối chính sách nâng chiết khấu ăn chia. Vụ việc dù nhanh chóng được cơ quan chức năng kiểm soát nhưng cũng đã gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực trong nhiều tiếng đồng hồ.

Lái xe Uber đình công yêu cầu giảm chiết khấu ngày 15/1. Ảnh: Công Hùng

Một tài xế cho biết, họ phản đối việc Grab nâng mức chiết khấu từ 20% lên hơn 23%. Bên cạnh đó, các hãng taxi truyền thống cũng tiếp tục có những phản ứng dữ dội, cho rằng taxi công nghệ đang bị buông lỏng quản lý, cạnh tranh không lành mạnh và gây thất thu thuế cho Nhà nước. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng đặt vấn đề: “Đây thực chất là loại hình kinh doanh vận tải có ứng dụng công nghệ. Ngay cả Liên minh châu Âu cũng đã ra phán quyết như thế. Vậy tại sao Bộ GTVT vẫn không đưa taxi công nghệ vào diện quản lý bằng những quy định dành cho kinh doanh vận tải bằng taxi?”. Cũng theo ông Hùng, thực tế taxi công nghệ vẫn tồn tại, phát triển trong bối cảnh mập mờ, thiếu minh bạch. Trong khi đó, Bộ GTVT vẫn theo đuổi cách nhìn nhận, đánh giá thiếu minh bạch về Uber, Grab.

Mới đây, Bộ GTVT cũng đã tổng kết kết quả thí điểm taxi công nghệ, thừa nhận một số hạn chế trong quản lý và những hệ lụy đáng kể đối với giao thông của các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thêm, không gia tăng lượng phương tiện tham gia. Theo đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội, cả Uber và Grab đều không đồng ý chia sẻ dữ liệu, cung cấp danh sách phương tiện, người lái cùng các thông tin hoạt động cho cơ quan chức năng, trong đó có cả Bộ GTVT. “Ngay cả Thứ trưởng Bộ GTVT cũng không biết Uber, Grab có bao nhiêu xe thì làm cách nào để khống chế sự gia tăng phương tiện tham gia 2 ứng dụng này?” - ông Nguyễn Công Hùng băn khoăn.

Hà Nội siết chặt quản lý

Trong nhiều phát biểu của mình, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đều nhất quán quan điểm, Uber, Grab thực chất là xe taxi có ứng dụng công nghệ và phải được quản lý như taxi truyền thống. HĐND TP Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết 04/2017/NQ - HĐND về tăng cường quản lý phương tiện giao thông, trong đó có quy định xe hợp đồng dưới 9 chỗ, ứng dụng hợp đồng điện tử sẽ được quản lý như xe taxi.

Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, để cụ thể hóa các giải pháp quản lý nhằm hạn chế phương tiện giao thông, giảm UTGT trên địa bàn TP, 11 tuyến phố cấm taxi truyền thống cũng đã cấm taxi công nghệ. Theo quy định của pháp luật, xe vận tải hành khách theo hợp đồng phải niêm yết phù hiệu “Xe hợp đồng”, biểu ngữ “Tính mạng con người là trên hết” trên kính xe; thông tin DN trên cửa xe. “Sở đã gửi văn bản, yêu cầu tất cả các DN, trong đó có cả DN tham gia thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử phải tuân thủ chặt chẽ quy định này” - ông Long cho hay.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, hầu hết xe taxi công nghệ đều không tuân thủ các quy định này, cố tình không niêm yết các thông tin, phù hiệu. Nhiều trường hợp khi bị Thanh tra Sở GTVT hay CSGT kiểm tra đều chống chế rằng xe đang chở người nhà, không chở khách thu tiền nên không niêm yết. Tuy nhiên, ông Đào Việt Long khẳng định, xe đã đăng ký kinh doanh vận tải thì phải niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, kể cả khi đang lưu thông mà không có hành khách. Còn nếu đã không kinh doanh vận tải nữa, chủ phương tiện phải nộp trả phù hiệu “Xe hợp đồng” về cho Sở GTVT chứ không thể đem cất đi, khi bị kiểm tra mới xuất trình ra.

Taxi công nghệ là một dịch vụ rất văn minh, thực tế đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Chúng ta không ngăn cấm, thậm chí còn rất khuyến khích các hãng taxi truyền thống học tập mô hình này. Tuy nhiên cũng cần phải đưa taxi công nghệ vào khuôn khổ pháp luật, quản lý chặt chẽ nhằm hạn chế sự gia tăng phương tiện, đảm bảo an toàn, lợi ích cho người dân và chống thất thu thuế.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà

Việc yêu cầu Uber, Grab không nhận khách tại các tuyến phố cấm, giờ cấm là khó khả thi. Bởi vì các hãng này cho đến bây giờ vẫn từ chối chia sẻ dữ liệu với cơ quan quản lý Nhà nước. Nghĩa là họ có thực hiện yêu cầu đó hay không chẳng ai làm gì được.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng