Quản lý thuế TMĐT là một trong những nhiệm vụ được Cục Thuế TP Hà Nội đặt mục tiêu thực hiện quyết liệt và hiệu quả trong năm 2022. Xin ông cho biết, thời gian qua, công tác quản lý thế với hoạt động này đã được cơ quan thuế Hà Nội thực hiện như thế nào, kết quả ra sao?
Theo dữ liệu tại Cục Thuế TP Hà Nội, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số đã đóng góp cho thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 khoảng 14.000 tỷ, chiếm khoảng 6% tổng thu và 10% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cục Thuế TP Hà Nội quản lý chặt chẽ, đầy đủ đối tượng nộp thuế và góp phần tăng thu ngân sách (khoảng 110 tỷ) với kết quả cụ thể ở 5 nhóm hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số như sau:
Nhóm có thu thập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook,…): Cục Thuế đã đưa vào quản lý 465 cá nhân có doanh thu phát sinh từ nhà thầu nước với số thuế đã nộp năm 2021 là 56 tỷ. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai rà soát 503 người nộp thuế có doanh thu 498 tỷ với dự kiến số thu 35 tỷ.
Nhóm kinh doanh bán hàng trực tuyến (online): Cục Thuế đang quản lý dữ liệu của 32.085 địa chỉ bán hàng online qua thu thập thông tin từ trung gian vận chuyển, trong đó 3.388 cơ sở có doanh thu trên 100 triệu/năm. Cục thuế đã tiến hành rà soát đưa vào quản lý 1.332 người nộp thuế với số nộp 12 tỷ. Đang tiếp tục triển khai rà soát 2.056 cơ sở bán hàng online còn lại.
Nhóm kinh doanh cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng: Cục Thuế đang quản lý dữ liệu của 756 chủ cơ sở với 2.307 địa chỉ cho thuê nhà qua ứng dụng thu thập từ trung gian cho thuê nhà, trong đó có 49 chủ cơ sở có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, doanh thu ước tính 10 tỷ, dự kiến số thu 1 tỷ.
Nhóm tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài: Cục Thuế đã thu thập và quản lý dữ liệu phát sinh chi trả cho các nhà thầu nước ngoài của 1.447 cá nhân, tổ chức với số tiền chi trả khoảng 46 tỷ, dự kiến số thuế phải nộp là 4,6 tỷ đồng.
Nhóm doanh nghiệp điều hành sàn giao dịch TMĐT.
Được biết, năm 2021, Cục đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với một số trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT trọng điểm lớn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành như Sở công thương, Phòng cảnh sát kinh tế Hà Nội, Thanh tra giám sát ngân hàng để triển khai các công tác quản lý thuế trên địa bàn. Ông có thể thông tin thêm một chút về vấn đề này?
Như đã nói ở trên, cơ quan thuế chia làm 5 nhóm để quản lý thuế lĩnh vực TMĐT.
Đơn cử, ở nhóm doanh nghiệp điều hành sàn giao dịch TMĐT (Sendo, Lazada, Shoppe..), điều hành các App trung gian thanh toán, App trung gian vận chuyển, Cục Thuế TP Hà Nội đã hoàn thành thanh kiểm tra tại 6 doanh nghiệp, với tổng số tiền truy thu, phạt 1,9 tỷ; giảm lỗ 66 tỷ đồng.
Có thể thấy, số thu từ nhóm cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức có thu thập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple…) có doanh thu và mức đóng thuế cao. Vậy, Cục Thuế Hà Nội đã tiếp cận, nắm được thông tin và hướng dẫn nhóm này tự giác kê khai hay phải nhắc nhở, xử phạt?
- Đối với doanh nghiệp, tổ chức có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài, cơ quan thuế đã quản lý theo luật và doanh nghiệp cũng đã tự giác thực hiện. Hiện tại, Cục Thuế Hà Nội tập trung hướng dẫn nhóm các cá nhân, hộ kinh doanh - đối tượng khó quản lý hơn. Tuy nhiên, cơ quan thuế cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế có hoạt động TMĐT và có đầy đủ thông tin để kiểm soát, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích các cá nhân, hộ kinh doanh tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.
Hoạt động TMĐT sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Cục Thuế Hà Nội có những giải pháp gì để thu thuế tích cực từ lĩnh vực này, tránh thất thu thuế?
Trên địa bàn Hà Nội, bài toán quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đã được đặt ra và đến thời điểm này có thể khẳng định Cục Thuế Hà Nội đã chủ động từng bước kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình đối với hoạt động thương mại điện tử.
Cục Thuế Hà Nội luôn tập trung vào công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế để người nộp thuế tự giác thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế. Bên cạnh đó, Cục Thuế Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các đề án hiện đại hóa của ngành trong công tác quản lý thuế như: Khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử; đồng thời phối hợp với các ngân hàng thương mại đa dạng hóa các hình thức thu nộp thuế không dùng tiền mặt; phối hợp với kho bạc, tài chính hiện đại hóa trong công tác truyền nhận dữ liệu thu nộp ngân sách nhà nước. Song song với các hình thức hỗ trợ, Cục Thuế Hà Nội cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh TMĐT.
Xin cảm ơn ông!