Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý thương mại điện tử: Không mạnh tay sẽ “nhờn” luật

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian cách ly xã hội vì Covid-19, hoạt động mua bán online thông quan thương mại điện tử (TMĐT) và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Lợi dụng sự phát triển của loại hình kinh doanh này, nhiều đối tượng đã buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, gây bức xúc trong dư luận.

 Người tiêu dùng mua hàng online.

Lợi dụng kênh online để tiêu thụ hàng giả
Chiều 7/7, Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động kiểm tra 1 kho hàng hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn giày dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm... nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu LV, Gucci, Chanel, Adidas... Theo khai nhận ban đầu của các nhân viên, họ được chủ kho thuê livestream bán hàng trên các tài khoản Facebook như: Thảo Trần, Giầy đồng giá..., mỗi ngày chốt được 100 - 200 đơn mua hàng. Sau 3 ngày kiểm đếm, phân loại trong kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện gần 160.000 sản phẩm với 237 mặt hàng có dấu hiệu nhập lậu.
Nếu không tăng nặng hình thức xử phạt sẽ xảy ra hiện tượng “nhờn” luật, vì mức độ xử phạt quá thấp so với lợi nhuận đạt được dù sai phạm.
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh
Trước đó, ngày 22/5, sau một thời gian theo dõi hai trang Facebook YuMe Fashion và Taga (407/1 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP Hồ Chí Minh) bán hàng theo hình thức livestream, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng chục nghìn mặt hàng thời trang, giầy, ví da, túi xách làm nhái các thương hiệu lớn Gucci, D&G, LV… Chủ các cơ sở này thừa nhận lợi dụng mạng xã hội Facebook để livestream bán hàng cho người tiêu dùng.
Đây chỉ là 2 vụ việc điển hình mà lực lượng chức năng phát hiện. Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS), Bộ Công Thương, trong thời gian diễn ra cách ly xã hội do dịch Covid-19, lực lượng chức năng qua kiểm tra đã yêu cầu các sàn TMĐT như: Sendo.vn, Shopee.vn, Chotot.com, Lazada.vn, Tiki.vn... xử lý khoảng 16.200 gian hàng và 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.
Lấp lỗ hổng về chính sách
Lý giải về vấn đề lợi dụng TMĐT, mạng xã hội để bán online hàng lậu, hàng giả, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, hoạt động kinh doanh này không khó triển khai bởi việc đầu tư các trang thiết bị livestream rất rẻ tiền, thô sơ nhưng được thúc đẩy bởi mạng xã hội nên mang lại hiệu quả chốt đơn hàng rất cao. Bên cạnh đó, do tính chất của bán hàng online là người mua và người bán không gặp nhau, dẫn đến người tiêu dùng không hay biết mình đang mua hàng lậu, hàng giả. Đặc biệt, nhiều địa điểm hoạt động kinh doanh online nằm lẫn trong nhà dân, khu chung cư nên lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, kiểm tra, xử lý. Ngay cả khi kiểm tra, xác minh được kho hàng cũng khó xác minh chủ kho hàng là ai.
Đồng tình với phản ánh này, Phó Cục trưởng Cục TMĐT&KTS Lại Việt Anh nêu rõ, xử lý các vụ vi phạm phải có chứng cứ cụ thể nhưng hiện nay 99% các giao dịch trên mạng không có hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, kinh doanh qua mạng xã hội như Facebook, Zalo chưa được kiểm soát hiệu quả, nhất là đối với các mạng xã hội chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam.
Nhằm tạo hành lang pháp lý quản lý TMĐT, bán hàng online, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP nhưng công nghệ thông tin thay đổi liên tục đã đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một số nội dung phù hợp thực tế. Để khắc phục những bất cập này, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nâng cấp, sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP theo hướng đặt ra các điều kiện thiết lập các website và ứng dụng TMĐT để kinh doanh, minh bạch hóa thông tin sản phẩm, nhất là quy định về ghi nhãn hàng hóa, thông tin cụ thể về người bán…
Hiện tại, Tổng cục QLTT và Cục TMĐT&KTS cũng đang hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng hóa theo hướng tăng nặng xử phạt vi phạm hành chính.
Kiến nghị của lực lượng chức năng cho thấy, cơ quan xây dựng luật pháp cần khắc phục lỗ hổng về chính sách nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả lợi dụng TMĐT để tiêu thụ, vận chuyển.