Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý xe điện ở chung cư: Cần thiết nhưng không gây hoang mang

Phạm Công - Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không ít nhà trọ, chung cư đang có những biện pháp hạn chế người dân sạc xe máy, xe đạp điện khiến nhiều người rơi vào tình thế dở khóc, dở cười. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nguy cơ cháy, nổ từ xe điện cao hay thấp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Loay hoay sạc xe điện

Bà Đỗ Thị Liên, trú tại chung cư mini trên đường Phạm Thận Duật, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Từ sau khi vụ cháy lớn khiến nhiều người thương vong tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân, chủ đầu tư cùng với Ban Quản trị chung cư mini chúng tôi không cho sạc xe điện dưới khu vực để xe tại tầng 1 tòa nhà. Tôi và nhiều người khác sử dụng xe điện để đi lại đang loay hoay, không biết phải làm thế nào khi tất cả các ổ điện để sạc xe trước đây đã bị dừng hoạt động”.

Theo bà Đỗ Thị Liên, việc không cho sạc xe dưới tầng hầm gây nhiều khó khăn cho người dân. Thang máy bé cũng chẳng thể đem xe lên tận nhà để sạc được. Nhiều người phải đi sạc nhờ hoặc mang đến tận nơi làm việc để sạc.

Một chung cư mini thông báo việc không được để xe điện tại khu vực để xe tòa nhà.
Một chung cư mini thông báo việc không được để xe điện tại khu vực để xe tòa nhà.

“Chúng tôi đang đề nghị Ban Quản trị tòa nhà tổ chức cuộc họp với người dân để cùng nhau tìm giải pháp. Chúng tôi đang có những đề xuất việc xắp xếp khu riêng để sạc xe điện, đồng thời có bảo vệ trông trong thời gian sạc xe” - bà Đỗ Thị Liên chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, chị Hoàng Thị Loan đang thuê nhà trọ tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì chia sẻ: “Nhà trọ chỗ tôi ở đa số là sinh viên nên sử dụng rất nhiều xe điện. Tuy nhiên, sáng ngày 14/6, chủ nhà bỗng phát đi thông báo sẽ cấm việc sạc xe điện trong khu vực để xe của khu nhà trọ. Chúng tôi đang không biết phải làm thế nào khi mà sinh viên thì không thể chuyển đổi phương tiện ngay được”.

Những ngày này, chị Loan phải đi xe điện sang nhà người bạn để sạc nhờ. Chị Loan cho rằng, đây cũng chỉ là giải pháp nhất thời chứ không thể đi sạc nhờ xe mãi được. Về lâu dài, chị Loan cho biết, sẽ tìm một nhà trọ khách có đủ điều kiện để có thể sạc xe điện và chuyển đến.

Không cấm hẳn việc sạc xe điện, nhiều chung cư thắt chặt công tác đảm bảo phòng cháy, chữa cháy bằng các chỉ cho người dân sạc theo giờ. Đơn cử tại tòa nhà Đại Kim Builing, phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội đã dừng hoạt động sạc xe điện vào ban đêm.

Nhiều người dân loay hoay trước việc hạn chế sạc xe điện tại một số tòa nhà.
Nhiều người dân loay hoay trước việc hạn chế sạc xe điện tại một số tòa nhà.

Theo ông  Hoàng Minh Hải - Phó Trưởng Ban Quản trị chung cư Đại Kim Builing: “Chúng tôi lắp một bộ cảm biến đối với khu vực sạc xe điện. Đến 23 giờ, hệ thống này sẽ tự ngắt nguồn điện vào khu vực sạc xe, như vậy, người dân không thể sạc xe điện trong tầng hầm của tòa nhà vào ban đêm để phòng chống cháy nổ. Ngoài ra, chúng tôi cũng bố trí khu vực sạc xe gần chỗ bảo vệ túc trực và chuẩn bị cát để dập tắt đám cháy do pin hay bình ắc quy xe điện gây ra”.

Ông Hoàng Minh Hải cho biết, lúc Ban Quản trị tòa nhà ban hành quy định cũng nhận được phản ứng của một số người dân. Họ cho rằng sạc ban ngày bất tiện và không đủ thời gian sạc điện để di chuyển. Ban Quản lý tòa nhà đã khuyến cáo người dân có thể sạc thêm lúc ở chỗ làm việc hay bất cứ đâu lúc di chuyển đến để tránh việc sạc xe qua đêm tại khu vực hầm để xe của tòa nhà gây cháy nổ ảnh hưởng đến cư dân.

Đồng bộ các giải pháp

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguy cơ cháy nổ từ việc sạc xe máy, xe đạp điện là hiện hữu. Tuy nhiên, nguy cơ cao hay thấp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn điện, thiết bị dây sạc, tình trạng pin của xe,... chứ không phải cứ sạc pin xe điện là thiếu an toàn.

Các chuyên gia cho rằng, cần đồng bộ các giải pháp để việc sử dụng xe điện được an toàn. 
Các chuyên gia cho rằng, cần đồng bộ các giải pháp để việc sử dụng xe điện được an toàn. 

Liên quan đến vấn đề này, TS Trần Trọng Tuấn - Giảng viên trường đại học Công nghệ giao thông vận tải cho rằng, có 4 nhóm nguyên nhân chính gây nên cháy xe điện là hệ thống truyền tải điện không đảm bảo; bộ sạc, dây sạc; pin và ắc quy và phương tiện không đảm bảo kỹ thuật.

Về việc cấm sạc cũng như hạn chế theo giờ sạc xe điện, theo TS Trần Trong Tuấn là hoàn toàn không phù hợp. Xe điện đang là xu hướng của thế giới và cả Việt Nam. Thay vì cấm, hạn chế thì nên khắc phục những khó khăn, tính toán, thiết kế nguồn cấp điện phù hợp với số lượng xe, đảm bảo kỹ thuật. Cần bố trí đường dây sử dụng sạc xe điện riêng, nhất là đối với các chung cư cũ. Nên sử dụng sạc, cáp sạc đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Tuân thủ đúng loại pin, do nhà sản xuất cung cấp, đồng thời sửa chữa, thay thế pin, ắc uy và phương tiện theo như khuyến cáo của nhà sản xất hoặc khi có dấu hiệu bất thường.

 

Chung cư mini có địa chỉ tại số 26 ngách 59 ngõ 87 Yên Xá, Thanh Trì, Hà Nội, thuộc quản lý của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển VNFI. Ngày 13/9/2023, quản lý của chung cư mini này đã có thông báo sau 5 ngày sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng xe sạc điện và để xe sạc điện trong tòa nhà. Nếu muốn tiếp tục ở lại người sẽ phải đổi sang phương tiện khác. Trong trường hợp không thực hiện được quy định đó sẽ thanh lý hợp đồng ngay trong tháng này.

“Xe điện đều sử dụng bộ sạc chậm, thời gian sạc từ 4 đến 8 giờ đồng hồ, việc cấm sạc qua đêm còn gây khó khăn cho người sử dụng. Các hãng xe điện đều có hệ thống tự ngắt trong quá trình sạc hoặc khi pin, ắc quy vượt quá nhiệt độ cho phép nếu tuân thủ đúng quy định của nhà sản xuất cũng như đảm bảo được nguồn điện, việc sạc xe điện qua đêm không ảnh hưởng gì đến việc cháy nổ” - TS Trần Trọng Tuấn chia sẻ.

Theo anh Đỗ Thế Thành, chủ cửa hàng xe điện trên đường Phạm Văn Đồng: “Khuyến cáo của nhà sản xuất các hãng xe máy, xe đạp điện, đối với pin, ắc quy còn dưới 30%, thì thời gian sạc từ 4 đến 8 giờ đồng hồ. Như vậy, việc không cho sạc xe qua đêm chỉ là để hạn chế việc xảy ra cháy lúc mọi người đang ngủ chứ không có tác dụng bảo vệ pin”.

“Người sử dụng xe điện nên lưu ý, chỉ sạc xe sau 30 phút dừng xe và sử dụng xe sau 30 phút rút sạc. Người dùng xe điện nên thường xuyên kiểm tra pin, ắc quy và cục sạc, nếu có dấu hiệu bất thường phải thay thế ngay. Ngoài ra cũng nên sạc đầy bình. Không nên chia nhỏ những lần sạc để đảm bảo độ bền của pin, ắc quy” - anh Đỗ Thế Thành chia sẻ.

Ngoài ra, anh Đỗ Thế Thành  khuyến cáo người dân không tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của xe, thay thế các thiết bị, linh kiện, bình điện, bộ sạc… không đúng chủng loại, không rõ nguồn gốc hoặc không đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Việc lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe có thể dẫn tới sự chênh lệch, gây cháy nổ ắc quy, pin.

“Tại các cửa hàng, chúng tôi yêu cầu nhân viên ngắt toàn bộ nguồn điện cũng như sử dụng bình chữa cháy, cát để phòng trừ trường hợp xấu xảy ra. Ngoài ra công tác bảo quản pin, ắc quy được đặc biệt lưu tâm khi để nguyên trong trùng, dóng gói cẩn thận tránh trường hợp chập hai cực gây cháy nổ” – anh Đỗ Thế  Thành chia sẻ. 

 

“Hiện nay, chưa có kết quả so sánh nào giữa việc cháy nổ giữa xe điện và xe xăng. Đối với cả hai loại xe này nếu duy trì, bảo dưỡng đúng tiêu chuẩn thì sẽ đảm bảo an toàn như nhau. Pin xe điện có đặc thù cháy trong môi trường nghèo ô xi, nên dập lửa bằng phương pháp bình thường sẽ không đem lại hiệu quả cao. Thông thường việc dập tắt đám cháy pin xe điện sẽ phải dùng cát hoặc bọt chữa cháy chuyên dụng” -  TS Trần Trọng Tuấn – Giảng viên trường đại học Công nghệ giao thông vận tải