70 năm giải phóng Thủ đô

Quận Nam Từ Liêm: nhiều điểm ngập, sẵn sàng phương án sơ tán dân

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng của mưa bão, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã ghi nhận nhiều điểm úng ngập. Để đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân, quận đã khẩn trương lên phương án sơ tán dân.

Bố trí các điểm tạm cư an toàn, di dời hàng trăm hộ dân

Theo cập nhật của Ban Chỉ huy phòng thủ quân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận Nam Từ Liêm, tính đến 6h30 ngày 11/9, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã có nhiều điểm ngập lụt sâu.

Cụ thể, tại phường Tây Mỗ điểm ngập úng gồm các khu dân cư trũng thấp ở các tổ dân phố (TDP) như, TDP Dưới, TDP Phượng, TDP Miêu Nha 2, TDP Miêu Nha 3; Đường sắt Bắc Hồng Văn Điển chạy qua địa phận phường Tây Mỗ ngập khoảng hơn 1km.

Quận Nam Từ Liêm: nhiều điểm ngập, sẵn sàng phương án sơ tán dân - Ảnh 1
Tính đến 6h30, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã xuất hiện nhiều điểm ngập sâu.

Ngoài ra, mưa to trên diện rộng, nước từ khu vực Hoài Đức tràn về qua kênh liên tỉnh thoát xuống Sông Ngà, khiến cho nước sông dâng lên rất nhanh. Mặt đê sông Cầu Ngà đã tràn tại 2 điểm Cầu Mới và Đồng Dậu khoảng trên 20m.

Bờ sông Cầu Ngà phía Tây Mỗ, mực nước đo hiện tại cao 7m, dự báo mực  nước lên tới 7,2m sẽ tràn đê sông Ngà nước dâng cách mặt đê 10cm, có nguy cơ ngập tổ máy bơm trạm bơm Cầu Ngà. Dự báo mưa to vẫn còn tiếp diễn, nước sông Ngà dâng cao nguy cơ tràn toàn bộ đê sông Cầu Ngà. Hiện tại phường tiếp tục huy động lực lượng gia cố mặt đê để chống nước tràn vào khu dân cư.

Tại phường Phương Canh cũng ghi nhận 3 điểm ngập úng, gồm: khu vực tái định cư 1,6ha và tái định cư mở rộng thuộc TDP số 8 Tu Hoàng bị úng ngập hoàn toàn; đầu ngõ 80 đường Xuân Phương bị ngập đoạn dài 200m; phố Hòe Thị giao ngõ 143 Xuân Phương và trục đường Trịnh Văn Bộ bị ngập đoạn dài 30m. Các điểm ngập có độ sâu từ 30 đến 50cm.

Để đảm bảo an toàn, tính mạng của người dân, quận Nam Từ Liêm đã di dời hàng trăm hộ dân về điểm tạm cư.
Để đảm bảo an toàn, tính mạng của người dân, quận Nam Từ Liêm đã di dời hàng trăm hộ dân về điểm tạm cư.

Phường Phú Đô ghi nhận 1 điểm ngập tại khu vực gầm cầu chui Đại lộ Thăng Long và khu vực chợ Phú Đô.

Trong khi đó, phường Trung Văn ghi nhận 2 điểm ngập tại ngõ 67 Phùng Khoang; khu vực Đình và nhà thờ Phùng Khoang ngập khoảng 20-30m. Nước sông Nhuệ hiện tràn đến mép đường Đại Linh, UBND phường Trung Văn đã xây dựng phương án di dời dân khu vực ngập úng về nhà văn hóa TDP 17, 18, đã thành lập 4 đoàn để vận động 250 hộ dân, với khoảng 600 người khu vực đường Đại Linh sơ tán đến nơi an toàn. Đến 15h00 ngày 10/9/2024, đã có 15 hộ tự nguyện di dời khỏi nơi cư trú.

Phường Mễ Trì ngập tại đường Đỗ Đức Dục đoạn đối diện UBND phường Mễ Trì. Phường Mỹ Đình 1 ngập 2 điểm tại đường Đỗ Xuân Hợp và ngõ 12 Tân Mỹ. Phường Cầu Diễn ngập tại ngõ 384, TDP 15 ngập do nước sông Nhuệ đang dâng.

Đến 11h00 ngày 10/9/2024, UBND phường Cầu Diễn đã vận động khoảng 30 hộ dân với khoảng 100 người dân tại ngõ 384, TDP 15 ra khu vực ngập. Phường đã bố trí 2 điểm để người dân di dời, gồm: Nhà văn hóa tổ 15 và Trạm Rada 26. Đến nay, 100% các hộ đã di dời.

Nhiều đoạn ngập sâu gần 1m.
Nhiều đoạn ngập sâu gần 1m.

Phường Đại Mỗ là địa phương ghi nhận tình hình ngập nặng nhất trên địa bàn quận, với 65 điểm ngập. Nhiều điểm ngập sâu tới 50cm. Một số hộ dân khu vực Xóm La, TDP Giao Quang nước tràn vào nhà; nước tràn bờ đê khu vực TDP số 1 Đình. Ngoài ra, khu vực trồng hoa đào của TDP số 1, số 2 Ngọc Trục, TDP Chợ, TDP Ngang, TDP Tháp nước ngập không thoát được, diện tích khoảng 49ha.

Để đảm bảo an toán tính mạng, tài sản của người dân, quận đã khẩn trương lên phương án di dời dân, chuẩn bị các điểm tạm cư tránh ngập úng. Các điểm tạm cư có điều kiện thiết yếu như điện, nước sạch sinh hoạt đủ; mỳ tôm, cơm suất, trứng…

Nhiều nơi trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, nước đã tràn vào nhà dân.
Nhiều nơi trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, nước đã tràn vào nhà dân.

Duy trì trực ban 24/4 giờ, chủ động xử lý nhanh với tình huống xấu

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Phùng Ngọc Sơn cho biết, nhiệm vụ cấp bách quận đang tập trung triển khai hiện nay đó là theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, dự báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, bám sát cơ sở và chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, nắm bắt tốt và kịp thời tình hình bão, mưa, lũ, úng ngập để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời và xử lý nhanh với ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra.

Duy trì nghiêm túc trực ban 24/24 giờ để cập nhật và phản ánh tình hình bão, mưa, lũ, ngập úng, kịp thời tổng hợp các thiệt hại do thiên tai (nếu có) trên địa bàn.

Người di dời đến các điểm tạm cư do quận bố trí.
Người di dời đến các điểm tạm cư do quận bố trí.

Mặt khác, quận cũng tiếp tục triển khai công tác xử lý thu dọn cây đổ, cành gãy do bão số 3 gây ra, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh, thu hồi củi gỗ. Chỉ đạo Ban Quản lý các chợ trên địa bàn thực hiện duy trì hoạt động các chợ bình thường, bình ổn giá và tuyên truyền các tiểu thương không găm hàng, tăng giá các mặt hàng thiết yếu.

Phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các phòng, ban, ngành, đoàn thể thuộc quận tiếp tục thực hiện rà soát các đối tượng người có công, chính sách, các đối tượng yếu thế, các hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các hộ gia đình bị thiệt hai do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ báo cáo về UBND quận để có phương án khắc phục, hỗ trợ kịp thời.

Các đoàn công tác của quận Nam Từ Liêm tiếp tục ra quân khảo sát tình hình, rà soát các điểm ngập úng để có phương án kịp thời.
Các đoàn công tác của quận Nam Từ Liêm tiếp tục ra quân khảo sát tình hình, rà soát các điểm ngập úng để có phương án kịp thời.

Đặc biệt, quận tiếp tục rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm; lên danh sách các hộ dân cần sơ tán; chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực; nước uống, thuốc men cho người dân;

Hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối vớị người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.