Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Nam Từ Liêm: Trạm y tế phường khó thu hút người dân đến khám bệnh

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Theo Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, các trạm y tế phường trên địa bàn chỉ có thiết bị, máy móc, dụng cụ y tế cơ bản phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh thông thường, mà nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, nhất là kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị bệnh.

Ngoài ra, rất ít người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế một phần do có nhiều bệnh viện tuyến T.Ư, tuyến TP đóng trên địa bàn quận, theo quy định đều được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Ngày 21/8, Tổ Đại biểu số 12 HĐND TP Hà Nội ứng cử tại quận Nam Từ Liêm đã có buổi khảo sát công tác quản lý, sử dụng cơ sở vật chất (CSVC) các trạm y tế phường trên địa bàn quận.
 Quang cảnh buổi làm việc
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Thu Trang, đến năm 2018, Trung tâm Y tế quận được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dân số-KHHGĐ quận trực thuộc UBND quận và Trung tâm Y tế quận trực thuộc Sở Y tế, trong đó gồm 10 trạm y tế phường.
Khó khăn nhất hiện nay là theo quy định hiện hành, 1 trạm y tế có không quá 10 cán bộ y tế, trong khi cán bộ phải thực hiện 31 chương trình y tế tại cộng đồng và tham gia các hoạt động khác tại địa phương, nên phải kiêm nhiệm rất nhiều, nhất là gần đây diễn biến dịch ngày càng phức tạp.
Mỗi trạm lại chỉ có 1 bác sỹ vừa thực hiện chức năng quản lý chỉ đạo điều hành trạm vừa tham gia các hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn phường và chỉ đạo các hoạt động y tế dự phòng, khám chữa bệnh, khiến hạn chế thời gian tập trung thực hiện công tác khám chữa bệnh tại trạm. Hơn nữa, các bác sỹ của trạm chủ yếu là bác sỹ đa khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng, nên không có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn khám chữa bệnh chuyên khoa.
Về CSVC, trạm chỉ có các thiết bị, máy móc, dụng cụ y tế cơ bản phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh thông thường, mà nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, nhất là kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị bệnh.
Ngoài ra, rất ít người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế một phần do có nhiều bệnh viện tuyến T.Ư, tuyến TP đóng trên địa bàn quận, theo quy định đều được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Do đó, Trung tâm đề xuất cần đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cấp CSVC tại các trạm y tế phường đáp ứng yêu cầu về mô hình trạm y tế điểm của Bộ Y tế. Cũng cần có chính sách thu hút cán bộ cơ sở về làm việc tại trạm y tế, triển khai dịch vụ xã hội hóa kêu gọi đầu tư trang thiết bị, kết nối trạm y tế phường với các bác sỹ ở bệnh viện tuyến trên trong chẩn đoàn điều trị bệnh nhân...
Trạm Trưởng Trạm Y tế phường Phú Đô Nguyễn Thị Thu đề nghị cho Trạm được đầu tư mở các phòng chuyên khoa tai mũi họng, mắt... để thu hút nhiều người dân đến khám chữa bệnh hơn. 
 Tổ trưởng Tổ đại biểu - Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải 
Qua khảo sát thực tế và lắng nghe các ý kiến, Tổ đại biểu số 12 HĐND TP ghi nhận, cơ bản các trạm y tế phường được khảo sát đều đều có CSVC đáp ứng quy định và nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu. Nhân lực theo quy định cũng đáp ứng, nhưng quy định này được ban hành trước kia khi dân số ít, mà hiện nhiều phường như Cổ Nhuế 40-50 nghìn người, nên nếu chỉ có 10 cán bộ y tế phường thì không thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu. Về hiệu quả sử dụng, với khám chữa bệnh dự phòng thì CSVC và nhân lực đủ đáp ứng, nhưng với điều trị thì chưa đáp ứng được.
Từ thực tế này, Tổ sẽ đề xuất những giải pháp tháo gỡ, có chính sách tốt hơn nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng CSVC, chất lượng hoạt động của y tế phường cũng như công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân quận Nam Từ Liêm. Để phát huy hiệu quả sử dụng CSVC các trạm y tế phường trong khám chữa bệnh, Tổ cũng đề nghị quận, phường đẩy mạnh xã hội hóa, với những cán bộ thuộc Hội Đông y quận đã có chứng chỉ hành nghề thì có thể mời về trạm làm việc; đồng thời có thể cho thuê CSVC...
Thay mặt Tổ đại biểu số 12, Tổ trưởng - Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải khẳng định: Tổ tiếp thu toàn bộ ý kiến và sẽ chuyển tải đến TP và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy CSVC chung của các trạm y tế, một số phòng, ban chưa đảm bảo; bố trí dây chuyền hoạt động của các phòng chức năng cũng cần được xem xét lại cho phù hợp, nhất là các áp phích cần được bố trí ngay ngắn hơn; hệ thống xử lý chất thải lỏng cần được xử lý ngay từ gốc... Đặc biệt, mô hình kết nối trực tiếp giữa các trạm y tế với bệnh viện tuyến trên, giáo sư, bác sỹ chuyên khoa là mô hình hay, quận cần đề xuất cụ thể.