Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn nước dưới đất khu vực Nam sông Hậu” diễn ra ngày 17/3 tại tỉnh Sóc Trăng.
Ông Nguyễn Thanh Bình (đại diện Công ty CP Cấp nước Cà Mau) cho hay, đơn vị hiện có một xí nghiệp cấp nước tại TP Cà Mau và 7 chi nhánh tại các huyện, với tổng số 63 giếng, độ sâu từ 180-240m. Năm ngoái đã ghi nhận có sự sụt giảm về trữ lượng cũng như biến động lớn về chất lượng nước. Riêng tại TP Cà Mau, chiều sâu mực nước động khi bơm giếng khoan đang ở mức 32-35m, rất tiệm cận với mức cho phép của Bộ TN&MT (gần 36m).
Còn theo đại diện Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang, hiện nay độ mặn và hàm lượng sắt trong nước ngầm tăng khiến chất lượng nguồn nước trên địa bàn bị sa sút. Tương tự, ở Hậu Giang, 4 giếng khoan tại TP Vị Thanh sau thời gian khai thác khoảng nửa năm thì xảy ra tình trạng nguồn nước nhiễm mặn và vượt qua tiêu chuẩn cho phép.
Đại diện Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhiều giếng khoan phục vụ dân sinh, sản xuất... khi không còn sử dụng lại không được xử lý, trám lấp đúng quy định cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng…
Theo Tiến sĩ Anke Steinel (chuyên gia địa chất, thủy văn, thuộc Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức), nhu cầu về tài nguyên nước không ngừng tăng cao kéo theo việc khai thác càng lớn, cộng với những tác động to lớn từ nước biển dâng, biến đổi khí hậu đã khiến nguồn nước ngầm tại ĐBSCL đang phải đối diện với nhiều thách thức.
Tình trạng suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng nước, sụp lún mặt đất… đang là những vấn đề cấp bách, sống còn đối với công tác bảo vệ, quản lý, khai thác nước ngầm tại đây.