Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch thiết kế hành lang sông giữa lòng đô thị

Quan tâm ba chiều cạnh cốt lõi

TS. KTS Tô Kiên - Tập đoàn Tư vấn phát triển hạ tầng Eight - Japan (EJEC), Nhật Bản; giảng viên cao cấp Đại học UEH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rất nhiều TP lớn trên thế giới gắn với con sông mẹ. Sông không chỉ cung cấp nguồn nước, là tuyến đường thủy phục vụ đi lại và vận tải hàng hóa mà còn mang giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử; là trục tổ chức không gian các chức năng quan trọng của đô thị.

Do vậy, hành lang sông giữa lòng đô thị đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển và tạo nên sức hấp dẫn cũng như tính cạnh tranh cho đô thị đó.

Từ bài học sông Hàn - Seoul

Sông Hàn dài 514km, một viên ngọc sinh thái giữa lòng Thủ đô của Hàn Quốc. Đây là hành lang sông quan trọng bậc nhất của đất nước này, nơi tập trung rất nhiều các chức năng đô thị như hành lang xanh, mảnh xanh, không gian công cộng (KGCC), các công trình thương mại, quần cư nhà ở, tiện ích đô thị.... dọc đôi bờ.

Bản thân sông Hàn là Di sản thiên nhiên Quốc gia của Hàn Quốc. Con sông là kho tài nguyên thiên nhiên phong phú nơi có nhiều hệ động thực vật phong phú. Trong phạm vi khoảng 40km dọc đôi bờ sông Hàn có hơn 30 cây cầu bắc ngang chia con sông thành nhiều đoạn với nhiều "cá tính" khác nhau.

Trong quá khứ, Seoul đã từng phạm sai lầm do không có tính toán chiến lược nên đã biến sông Hàn thành một trụ cột giao thông vận tải và cho chất thải công nghiệp và đô thị trong thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao độ nửa sau thế kỷ 20. Đến thập niên 1980, sông Hàn bị ô nhiễm nặng các bãi cát trắng biến mất và môi trường sinh thái bị hủy hoại.

Cảnh quan bên bờ sông Hàn - Seoul.
Cảnh quan bên bờ sông Hàn - Seoul.

Để sửa sai, từ những thập niên 1990 và trong vòng hơn 30 năm, Seoul liên tục thực hiện các dự án lớn về cải tạo cấu trúc đô thị, phát triển KGCC và cung cấp cơ sở hạ tầng theo hướng tăng cường cây xanh, biến dòng sông trở thành “nguồn tài nguyên sinh thái" cho TP.

Các chiến lược và thủ pháp quy hoạch thiết kế đô thị hành lang sông giữa lòng TP được phân chia theo 3 chiều cạnh cơ bản gồm hạ tầng xanh - sinh thái; không gian, tiện ích công cộng và khả năng chống chịu thiên tai. Trong đó về hạ tầng xanh - sinh thái đã chú trọng đến hệ thống công viên chủ đề ven sông.

Như đã nói trên, để sửa sai lầm trong quá khứ, Seoul liên tục thực hiện các dự án lớn về cải tạo hành lang sông theo hướng tăng cường hạ tầng xanh. Dự án “phục hưng Hangang” (phục hưng Hàn Giang) và việc thành lập Seoul Forest (Rừng Seoul), tạo ra những vành đai xanh đã giúp tăng cường không khí trong lành và chất lượng sống cho TP. Khoảng sông dài chừng 40km chảy qua Seoul có 12 công viên ven sông được tái sinh thành những không gian văn hóa hàng đầu với các chủ đề khác nhau.

Dự án cũng đã dỡ bỏ bờ kè bê tông của sông Hàn (vốn là một sản phẩm tất yếu sinh ra của quá trình đô thị hóa nóng trước kia) chuyển đổi thành bờ kè và dòng chảy kiểu tự nhiên dài 21km, được hoàn thành vào năm 2009.

Hầu hết các bờ kè (trừ những cái rất hẹp) sẽ được xây dưới dạng dốc thoải, nhờ đó, môi trường sống cho các loài cá và thực vật thủy sinh sẽ được cải thiện. Và bản thân các bờ kè cũng sẽ biến thành các không gian ven sông thân thiện cho mọi người có thể thư giãn, tận hưởng và trải nghiệm.

Giao thông đôi bờ sông Hàn được quy hoạch và thiết kế theo đúng tiêu chí thân thiện với môi trường. Đường xe đạp và dạo bộ (giao thông xanh) là một điểm sáng quan trọng bậc nhất của quy hoạch và thiết kế đô thị bờ sông Hàn. Nhiều điểm nhìn ngắm cảnh đa dạng được thiết kế dọc hành trình. Xe đạp cho thuê cũng sẵn tại các công viên và gần với các ga, trạm giao thông công cộng.

Về không gian và tiện ích công cộng, quá trình khảo sát thực địa cho thấy có rất nhiều kiểu không gian đa dạng được quy hoạch thiết kế phục vụ việc thể dục thể thao cho người dân.

Ở các gầm cầu hay cầu vượt vốn là các “góc chết” nhưng lại được che mưa nắng, TP đã khéo léo tận dụng để bố trí các không gian cho các máy tập công cộng như một phòng gym ngoài trời...

Đặc biệt, ở quy mô lớn, công trình có tính biểu tượng là đài phun nước Banpo với biệt danh Cầu vồng ánh trăng, xây dựng từ năm 2009, được ghi danh vào kỷ lục guiness là đài phun nước dài nhất thế giới. Bên cạnh đó, dọc bờ sông còn được bố trí các điểm dịch vụ như cửa hàng tiện ích, trạm ATM, vệ sinh công cộng, vòi nước công cộng, các biển chỉ dẫn…

Về khía cạnh chống chịu thiên tai, bài học đắt giá là thất bại của Seoul trong việc trị thủy sông Hàn. Sở dĩ nói thất bại vì trong vòng hơn 10 năm trở lại đây đã có những trận lũ lụt lịch sử gây hệ quả nghiêm trọng và "phơi" ra những yếu kém dẫn tới "thất thủ" của hệ thống thoát nước đô thị quanh lưu vực sông Hàn, nhất là từ dấu mốc trận lũ lịch sử tháng 8/2022.

Coi việc kiểm soát lũ quy mô lớn thượng nguồn là đủ an tâm, TP Seoul tập trung phát triển mạnh ven sông, biến sông Hàn trở thành biểu tượng của hiện đại hóa và thịnh vượng, với rừng condo cao tầng rải rác dọc hành lang sông.

Thậm chí một sai lầm lớn trong quy hoạch là việc tận dụng mọi quỹ đất, kể cả các vùng đất thấp đô thị ở hạ lưu vốn có thể trở thành “rốn lũ” để phát triển dân cư và thương mại tập trung. Tuy nhiên, điều khó lường chính là ở sự khốc liệt và khó tiên đoán của biến đổi khí hậu. Và hệ quả là những trận lũ lụt lịch sử đã phơi bày sự thất bại của hệ thống.

Đến hướng đi cho sông Hồng - Hà Nội

Tổng kết nhiều năm nghiên cứu các xu hướng mới về phát triển đô thị bền vững cũng như tính đáng sống đô thị cho thấy: khi lập chiến lược quy hoạch thiết kế hành lang sông giữa lòng đô thị cần nghiên cứu thấu đáo 3 cụm từ khóa quan trọng: hạ tầng xanh - sinh thái; không gian và tiện ích công cộng và khả năng chống chịu thiên tai. Đây là những chiều cạnh có tính cốt yếu, và không thể thiếu bất cứ chiều cạnh nào.

Hà Nội được thiên nhiên ưu đãi địa thế trước sông - sau núi. Ước vọng về việc biến nó trở thành một dòng sông biểu tượng giữa lòng Hà Nội với cả đôi bờ được quy hoạch hài hòa như con sông Seine của Paris, sông Thames của London hay sông Hoàng Phố của Thượng Hải thì vẫn có từ lâu. Tuy nhiên, do sông Hồng rộng và điều kiện thủy văn rất phức tạp, nên bao đời nay vẫn chịu cảnh TP quay lưng vào.

Trong các quy hoạch lớn của Thủ đô Hà Nội đang được nghiên cứu, sông Hồng sẽ trở thành trục không gian kết nối văn hóa, nghệ thuật sáng tạo, đồng thời là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho kinh tế đô thị. Việc sông Hồng đang đứng trước vận hội chuyển mình, trở thành điểm nhấn và hình ảnh tiêu biểu cho sự phát triển của Hà Nội, với “đôi bờ” đẹp sánh ngang với các TP nổi tiếng là một tham vọng chính trị đáng khích lệ.

Hai TP Seoul (Hàn Quốc) và Hà Nội (Việt Nam) đều là các TP thủ đô lớn ở châu Á, có tốc độ phát triển nhanh và tính năng động cao. Xét về tính chất địa lý và điều kiện thủy văn thì sông Hồng ở Hà Nội và sông Hàn ở Seoul cũng có những nét tương đồng. Vì thế, các bài học kinh nghiệm quy hoạch thiết kế hành lang sông Hàn ở Seoul, được phân tích dưới 3 chiều cạnh cốt lõi là hạ tầng xanh sinh thái, không gian và tiện ích công cộng, và khả năng chống chịu thiên tai, được kỳ vọng sẽ có tính tham khảo cao cho sông Hồng.

Đặc biệt, bài học thất bại của sông Hàn trong quan điểm quy hoạch không gian lưu vực sông liên quan tới vấn đề trị thủy trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt và khó lường cho thấy chiều cạnh khả năng chống chịu thiên tai là yếu tố sống còn để chúng ta nghiên cứu và tìm ra hướng đi khác, hiệu quả hơn cho sông Hồng, tránh được các tổn thất kinh tế - xã hội và môi trường.

Hy vọng rằng, dù đi theo chiến lược quy hoạch thiết kế nào, thì chiến lược bao trùm về phát triển bền vững, khả năng chống chịu cao, đặt trọng tâm vào hạ tầng xanh có tính linh hoạt thích ứng cao, đưa chất lượng sống và các vấn đề dân sinh lên ưu tiên hàng đầu so với kinh tế, cần trở thành kim chỉ nam khi giải bài toán sông Hồng.