Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự, chủ trì Hội nghị. Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng Bộ TN&MT: Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành cùng dự hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì hội nghị |
Tập trung tháo gỡ các rào cản
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, ngay từ năm đầu tiên bước vào thực hiện kế hoạch 2016 - 2021, mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng ngành TN&MT cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức to lớn.
Nhiều vấn đề tồn tại tích tụ từ trước đây như cơ chế chính sách, mô hình tăng trưởng thiếu bền vững dựa vào tài nguyên, nhân lực giá rẻ, thâm dụng vào môi trường, suy thoái, lãng phí trong sử dụng tài nguyên, khiếu kiện liên quan đến đất đai diễn biến phức tạp. Sự cố môi trường biển gây hậu quả nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung, đặt ra những thách thức to lớn về an ninh môi trường. Hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có ở ĐBSCL.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các địa phương, toàn ngành đã bám sát phương châm chỉ đạo “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ, chủ động ứng phó, giải quyết một cách bài bản, khoa học với tinh thần trách nhiệm cao để từng bước chuyển hóa thách thức thành cơ hội, tập trung tháo gỡ các rào cản, giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực.
Toàn ngành đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản đặt ra. Tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội tăng nguồn thu ngân sách. Hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhiều chỉ tiêu khác về môi trường đều có chuyển biến tích cực; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành, đóng góp cho tăng trưởng. Nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, giảm đáng kể thiệt hại về người và vật chất do thiên tai so với năm 2017.
Các chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân, chỉ số cải cách hành chính,… đều tăng; công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ứng phó với biến đổi khí hậu đã huy động được toàn xã hội vào cuộc.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng công tác quản lý TN&MT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và những thách thức cần phải vượt qua. Trong đó nổi lên là: Nhu cầu khai thác, sử dụng các nguồn lực tài nguyên ngày càng tăng, đòi hỏi cần phải có các giải pháp sử dụng hợp lý, tránh xung đột; khiếu kiện về đất đai đã giảm nhưng vẫn còn phức tạp ở một số địa phương;
Trong quản lý tài nguyên nước chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp; ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài; biến đổi khí hậu ngày càng khó lường trong khi nguồn kinh phí đầu tư cho ứng phó còn hạn chế; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của ngành còn chậm; mạng lưới quan trắc, công nghệ dự báo, cảnh báo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao;...
Xe gắn máy đang là nguồn phát thải chất gây ô nhiễm lớn nhất
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ sự thống nhất cao với “Báo cáo tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của ngành TN&MT” do Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị |
Chủ tịch UBND TP cho biết, năm 2018, Hà Nội đã xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bước đầu đạt được kết quả tích cực, đóng góp vào kết quả chung của cả nước. Tất cả 20 chỉ tiêu Hà Nội đều đạt và vượt kế hoạch. Thu ngân sách vượt dự toán và 9 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch. GRDP tăng 7,61% (cách tính cũ 8,73%).
Trong lĩnh vực đất đai, Hà Nội đã thực hiện cấp giấy chứng nhận (GCN) và đăng ký kê khai đất đai lần đầu 1.545.686 thửa (đạt 99,6%); Cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở 182.405 căn (đạt 95,79%); cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp là 617.531 Giấy chứng nhận (đạt 99,14%).
Trong lĩnh vực môi trường, 3 năm 2016 -2018, Hà Nội đã phê duyệt hơn 1.100 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 520 Đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; đã điều tra, khảo sát tình hình bảo vệ môi trường tại 300 cơ sở hoạt động tại 8 khu công nghiệp, 500 cơ sở hoạt động tại 42 cụm công nghiệp; đã xử lý triệt để 25/25 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; di dời 67 cơ sở nghiệp không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị.
Đã tập trung xử lý ô nhiễm môi trường nước tại 129 hồ; công tác thu gom rác, vệ sinh môi trường theo hướng cơ giới hóa; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 98% ở khu vực các quận nội thành và 87% ở khu vực ngoại thành. Tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được thu gom và xử lý đạt 100%; đưa vào vận hành thí điểm công nghệ nghiền phế thải xây dựng;…
Theo Chủ tịch UBND TP, hiện Hà Nội đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động; 1 xe quan trắc lưu động, 6 trạm quan trắc nước mặt; xây dựng trung tâm điều hành và quản lý dữ liệu tài nguyên môi trường và nhiều phương tiện, công nghệ, thiết bị quan trắc môi trường hiện đại khác; số liệu quan trắc môi trường không khí được cập nhật liên tục 24/24h, được công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin khác nhau… góp phần giúp người dân nắm được chất lượng không khí theo từng khu vực và cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Bởi lẽ hiện nay, trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị thì khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chiếm vị trí hàng đầu. Trong các loại phương tiện giao thông thì xe mô tô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ lớn nhất đồng thời cũng là nguồn phát thải chất gây ô nhiễm lớn nhất. Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ mong muốn Chính phủ, Bộ TN&MT có những quyết sách với khí thải của phương tiện tham gia giao thông với chế tài phù hợp để ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Phấn đấu trở thành ngọn cờ đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Bộ TN&MT trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt.
Cụ thể, Bộ đã tích cực đổi mới phương thức quản lý môi trường từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa. Bộ đã bãi bỏ, sửa đổi gần 63% điều kiện kinh doanh; hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 97,2% diện tích cần cấp. Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương một số địa phương làm tốt trong lĩnh vực này như: Hà Nội, Quảng Ninh, An Giang, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Bình Dương, Quảng Nam…
Về các mặt tồn tại, hạn chế của ngành TN&MT, Thủ tướng dẫn thông tin từ một cuộc khảo sát xã hội, trong đó có câu hỏi “vấn đề lo lắng nhất trong cuộc sống hiện nay là gì?”; kết quả là có 4/14 điều liên quan đến ngành TN&MT. “Tôi nói điều này để thấy chúng ta còn nhiều vấn đề khiến người dân lo lắng”, Thủ tướng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra tình trạng quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn lãng phí, sai phạm; mặc dù đã chỉ đạo quyết liệt nhưng nhiều địa phương buông lỏng quản lý, còn xảy ra tình trạng khai thác đá, cát sỏi trái pháp luật... Thủ tướng cũng đề nghị phải xem xét thận trọng việc cho phép mở rộng các nhà máy xi măng trước tình trạng nhiều núi đá vôi bị khai thác triệt để.
Tại một số đô thị, nội đô ngập nặng, “đường biến thành sông” khi gặp mưa lớn. Một số cán bộ trong hệ thống TN&MT chưa gương mẫu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, thậm chí có cán bộ tham nhũng, tiêu cực, gây khó khăn....
Nêu rõ phương châm hành động năm 2019 của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “bứt phá” và đề nghị phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật về môi trường, “làm sao giảm tình trạng xin - cho, công khai minh bạch, có chế tài xử lý nghiêm vi phạm, nhanh chóng, thuận lợi, phân cấp mạnh mẽ...”.
Thủ tướng đồng tình với mục tiêu mà Bộ TN&MT đặt ra trong năm 2019 là phải rà soát để hoàn thiện tất cả các quy chuẩn về môi trường tiệm cận với quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực để thiết lập hàng rào kỹ thuật bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Bộ TN&MT cần ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố.
Nhấn mạnh yêu cầu làm tốt công tác quy hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý, Thủ tướng đề nghị ngành cần khẩn trương xây dựng và hoàn thành 4 quy hoạch trong 2 năm tới: Quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch môi trường quốc gia.
Bày tỏ quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất đai, Thủ tướng lưu ý bất cập trong định giá quyền sử dụng đất. Cần đổi mới công tác định giá đất theo các chuẩn mực quốc tế, chống thất thoát, lãng phí.
Hiện nay, còn khoảng 1,9 triệu ha đất chưa sử dụng, Thủ tướng yêu cầu rà soát, xác định quỹ đất này để đưa vào sử dụng hiệu quả, trong đó phải phủ xanh diện tích đất trống, đồi núi trọc.
Cần chú trọng các nguy cơ liên quan đến sạt lở, lún sụt, động đất cũng như khám phá các giá trị địa chất Việt Nam để bảo vệ, phát triển du lịch. Phải tiếp tục quản lý tốt hơn việc khai thác cát lòng sông. Có phương án phục hồi các dòng sông “chết”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngày càng tăng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải ngang tầm nhiệm vụ. Bộ TN&MT cần phấn đấu trở thành ngọn cờ đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử. Ngành TN&MT cần đi đầu trong phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm.
Các chỉ tiêu chính ngành TN&MT đề ra trong năm 2019 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; 80% tỷ lệ chất thải rắn nguy hại từ hoạt động sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý; 2% thu ngân sách nội địa là từ đất đai, có cơ chế giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài; hoàn thành sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp; 62% hồ chứa quan trọng trên các lưu vực sông vận hành theo cơ chế phối hợp liên hồ; 55% số trạm quan trắc khí tượng thủy văn được tự động hóa; xây dựng Trung tâm dữ liệu ĐBSCL kết nối liên vùng; 28% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản với tỷ lệ bản đồ 1:500.000; 70% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản với tỷ lệ 1:50.000. |