Những chuyện buồn trong cuộc sống gia đình cũng nảy sinh bởi chính sự chu toàn quá mức của nhiều phụ nữ.
Ngay từ khi chuẩn bị lấy chồng, chị đã lên kế hoạch để làm một người vợ đảm. Và khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân, chị thực thi kế hoạch của mình. Còn anh, khi nghe chị trình bày kế hoạch rất chi tiết ấy, cũng tặc lưỡi “à, nghe vui vui”. Nhưng năm tháng trôi qua, những dịu ngọt của cuộc sống hôn nhân mới mẻ nhanh chóng biến mất, anh thấy cuộc sống vợ chồng của họ cứ có gì đó không ổn. Không chỉ là những dự định to lớn cho tương lai, chuyện công việc, con cái, mà cả những tủn mủn của cuộc sống hàng ngày cũng được chị lên kế hoạch chi tiết. Như việc ăn uống của anh, mỗi ngày anh phải uống 2 ly sữa, ăn ít nhất 2 quả trứng gà và 3 bữa cơm. Nếu sáng vội đi làm, anh không muốn uống, chị cố nài ép bằng được. Tối, anh quên uống, chị mang sữa lên tận phòng đứng chờ. Không chỉ thế, chị luôn nhắc anh đủ việc như: "Anh đi xe cẩn thận đó, nhất là khi qua đường", "Anh ăn trưa ở cơ quan nhớ ăn cho đủ chất"... Lúc nào chị cũng quá ân cần, làm thay anh mọi việc, như lục tìm chìa khóa để quên, chọn quần áo đi làm mỗi sáng… Bất kể việc lớn, việc bé gì chị cũng luôn nhắc anh như chính với đứa con trai nhỏ. Chị chỉ không biết rằng, chính việc đó khiến anh ngày càng hay bực dọc vô cớ. Có hôm, anh bảo: "Việc gì em cứ nhắc đi nhắc lại, anh bực không muốn làm. Em càng ngày càng giống mẹ anh hơn là vợ".Trong cuộc sống vợ chồng, ranh giới giữa quan tâm và kiểm soát rất mỏng manh. Tuy đều bắt nguồn từ tình yêu thương nhưng chỉ cần “lệch nhịp” đôi chút, sự quan tâm chu đáo có thể ngay lập tức biến thành sự kiểm soát khó chịu. Nhiều người đàn ông than thở, họ cảm thấy “yếu ớt” trước vợ. Những việc lặt vặt như lấy mũ, đánh giày, đến ăn cơm, uống nước…, ai mà chẳng làm được, nhưng vợ cứ nhắc nhở, dặn dò mãi. Và họ cảm thấy mình đang mất dần vai trò của người đàn ông già dặn và mạnh mẽ, trở thành một đứa trẻ trong mắt vợ.Có những người đàn ông luôn được bạn bè khen là có số sướng, được vợ “cưng như trứng mỏng”, nhưng chính họ lại “cười như mếu”. Có người tâm sự: “Sướng đâu không thấy, chỉ thêm nhức đầu mà thôi. Trong một ngày mà nhận được gần 10 tin nhắn. Nào là: “Anh ơi, chiều nay nhớ về đúng giờ nhé!”, rồi thì “Anh đừng đi đâu đấy, em chờ cơm ở nhà” hoặc “Em đã để sẵn quần áo cho anh, anh nhớ mặc đúng bộ đó nhé!”… Chỉ nghĩ đến thôi cũng rùng mình bởi sự chăm sóc thái quá ấy”. Nhiều người phụ nữ luôn trong tâm thế lo lắng cho chồng, nên nếu khi gọi điện, không thấy chồng nghe máy hoặc trả lời tin nhắn ngay lập tức, có thể lúc đó chồng họ đang bận họp, điện thoại tắt chuông, hết pin… Nhưng họ sẽ “phát điên” lên vì lo lắng, rồi suy nghĩ linh tinh cả lên và liên tục gọi đến hàng trăm cuộc cho chồng tới khi nào anh ấy nghe máy thì mới thôi. Hoặc chồng về nhà muộn chỉ vài phút mà cứ như “ngồi trên đống lửa” bởi lo, khiến chính người chồng cũng không hiểu họ đang là gì trong mắt vợ.Có nhiều người phụ nữ sau một thời gian toàn tâm toàn ý lo cho chồng, “chăm bẵm” cho anh từ miếng ăn giấc ngủ chợt bật khóc bởi phát hiện ra chồng ngoại tình, mà cái nguyên cớ rất đơn giản “vì anh cảm thấy mình là đàn ông trước người phụ nữ khác”. Những giọt nước mắt chứa đầy sự ấm ức, hờn trách và pha lẫn tuyệt vọng của những người phụ nữ ấy vừa đáng thương vừa đáng giận. Bởi họ chỉ tâm niệm một điều rằng, người chồng phải biết ơn người vợ tần tảo biết chăm sóc gia đình và hy sinh cho chồng con. Nhưng họ đã quên đi rằng, ai cũng cần có một khoảng trời riêng cả. Thực tế, việc quan tâm chăm sóc nhau là việc tình nghĩa vợ chồng và là diễm phúc của mọi người đàn ông. Nhưng nếu cứ thể hiện sự quan tâm chăm sóc quá mức ngay cả những điều cỏn con, vụn vặt sẽ khiến người chồng nghĩ rằng họ như đứa trẻ. Và nếu sự chăm bẵm giống “đứa trẻ” ấy cứ kéo dài người đàn ông sẽ cảm thấy đấy không hẳn là hạnh phúc mà ít nhiều cả sự khó chịu.Nhiều người đã trải qua những đổ vỡ của hôn nhân bắt nguồn chính từ sự quan tâm thái quá ấy đã đúc rút rằng, những người vợ dù đảm đang đi nữa, cũng nên để chồng có cơ hội thể hiện mình, đặc biệt là trong cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, người vợ cũng nên coi chồng như một người đáng tin cậy và có đầy đủ năng lực lo cho bản thân, cho vợ, cho con. Người vợ cũng nên tránh nói chuyện với chồng bằng giọng điệu của người mẹ, la mắng một cách bừa bãi mỗi khi chồng làm sai hay gây ra một lỗi nhỏ. Bởi thế, thay vì quan tâm quá mức đến những cái nhỏ nhặt, tỉ mẩn, nên biết quan tâm và chia sẻ với chồng mình những vấn đề về phương diện tinh thần, chẳng hạn như khi chồng gặp khó khăn trong công việc, có chuyện không vui trong gia đình… Với tâm lý thoải mái, người đàn ông sẽ cảm nhận được sự quan tâm của vợ mình một cách đúng nghĩa.