Quan tâm hơn chính sách an sinh của người cao tuổi

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu không có gì thay đổi, 20 năm nữa ở Việt Nam, số người trẻ tuổi sẽ bằng người cao tuổi (NCT).

Vì  thế, Chính phủ sẽ có chương trình nghị sự bàn về chất lượng dân số, tỷ lệ sinh…, đặc biệt là chăm sóc, phát huy tốt hơn vai trò của NCT.
Quan tâm đời sống, tinh thần
Thông tin trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ tại hội thảo khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Những tác động kinh tế của già hóa dân số vừa được tổ chức tại Hà Nội. Theo Phó Thủ tướng, chúng ta chăm lo cho NCT từ sức khỏe y tế, lương thực, văn hóa và tổ chức những ngành sản xuất đưa phương thức và công nghệ mới phù hợp để người lao động mặc dù nhiều tuổi nhưng vẫn sản xuất đạt năng suất cao.
Những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của NCT được cải thiện. Đến nay, cả nước đã có 1.585.677 NCT được hưởng chính sách bảo trợ xã hội (BTXH) hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Hàng triệu NCT được hưởng các chính sách miễn giảm  giá vé, giá dịch vụ tham quan du lịch. Có 2,9 triệu NCT được tổ chức khám chữa bệnh định kỳ và lập hồ sơ theo dõi từ cơ sở. Từ năm 2010 đến nay, trung bình hàng năm có hơn 1 triệu NCT được chúc, mừng thọ; hơn 900.000 người được thăm hỏi khi ốm đau, bệnh tật cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương tặng quà dịp lễ, Tết cổ truyền của dân tộc. Đặc biệt, độ tuổi NCT hưởng chính sách BTXH được giảm từ 90 tuổi xuống 80, đồng thời nâng mức trợ cấp 60.000 đồng lên 270.000 đồng/người/tháng.
Để NCT vui tuổi già và mang lại lợi ích, cả nước đã hình thành khoảng 70.000 câu lạc bộ (CLB) NCT các loại. Mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau được triển khai từ năm 2006 tại Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hóa, nay lan tỏa ra 14 tỉnh với 1.004 CLB với nhiều hoạt động như chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập giảm nghèo... Theo Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Đàm Hữu Đắc, mô hình CLB này hoạt động rất thiết thực. Chẳng hạn, định kỳ các hội viên được thăm khám và theo dõi sức khỏe, hướng dẫn các kỹ năng tự chăm sóc bản thân để có cơ thể khỏe mạnh... Ngoài ra còn có CLB Sức khỏe ngoài trời phát triển mạnh ở Thủ đô lan tỏa đến 17 tỉnh, thành với hàng trăm ngàn hội viên...
Tuổi cao nhưng chưa hết… giá trị
Thực tế cho thấy, vẫn còn 65% trong tổng số 9.400.000 NCT tham gia lao động sản xuất góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Hiện, 1.240.000 NCT tham gia công tác Đảng ở chi bộ, làm trưởng thôn, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng chi hội khuyến học, tổ hòa giải… 100.000 NCT đang là chủ DN, trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh, không chỉ tạo việc làm thu nhập cho con cháu trong gia đình, dòng họ mà góp phần giải quyết thất nghiệp cho cộng đồng cũng như đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương chúc thọ, tặng quà cụ bà Lê Thị Bàng. Ảnh: Linh Nguyễn

Tuy hình thái gia đình có sự biến đổi theo thời gian nhưng NCT vẫn còn có những vị trí, vai trò tiềm năng, thế mạnh trong gia đình. Tuổi cao nhưng họ vẫn là chủ gia đình, có kinh nghiệm  giáo dục con cháu giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dòng họ, dân tộc. Nhiều NCT vẫn tham gia các hoạt động văn hóa tại cộng đồng. Những lễ hội ở đình, chùa có đa số NCT tham gia. Việc khôi phục những ngành nghề truyền thống như thủ công mỹ nghệ, dệt lụa, múa hát cổ… đều do NCT đảm nhiệm và truyền lại cho con cháu. NCT cũng là tấm gương sáng trong việc xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học…
Còn những khó khăn
Thông tin từ Hội NCT Việt Nam, đến nay vẫn còn khoảng 17 - 18% NCT phải sống ở mức từ cận nghèo trở xuống. Làm sao để những NCT thoát khỏi cuộc sống đói nghèo là trăn trở không chỉ của những người làm công tác NCT. Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Đàm Hữu Đắc cho biết: “Mặc dù Nhà nước đã quy định và trong Luật NCT nêu rõ việc NCT được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, giảm nghèo. Thế nhưng, Ngân hàng Chính sách xã hội không cho NCT vay vốn vì sợ gặp rủi ro không trả được gốc và lãi. Thực tế, một phần những NCT trong các CLB được vay vốn sản xuất đã trả đủ 100%”...
Trước thực tế cơ chế thị trường, các gia đình vệ tinh đang tách khỏi mô hình truyền thống. Cho nên một gia đình giờ chỉ còn có ông, bà; con cái trưởng thành chuyển ra ngoài sinh sống. Để giúp NCT bớt cô đơn, trên nhiều diễn đàn, lãnh đạo Hội NCT Việt Nam đều kiến nghị Nhà nước chỉ đạo các bộ, ban, ngành sớm có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích xã hội hóa xây dựng cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng NCT. Cụ thể, những tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng mô hình này sẽ được cấp đất đai, giảm thuế thu nhập DN, vốn vay ưu đãi. Có như thế, bình quân mức phí/người giảm xuống còn 3 – 4 triệu đồng/tháng thì NCT mới có khả năng chi trả. “Dự báo, đến năm 2032, nước ta có khoảng 20 triệu NCT, nếu chỉ có các cơ sở của Nhà nước chăm sóc NCT như hiện nay thì không thể đáp ứng nổi. Vì thế, đây là vấn đề cấp bách mà Nhà nước cần quan tâm” - ông Đắc nhấn mạnh. Hội NCT Việt Nam đang kiến nghị Nhà nước giảm độ tuổi NCT được hưởng chính sách BTXH giảm xuống từ đủ 75 - 80. Bởi đa số NCT từ 75 tuổi trở lên tham gia 2 cuộc kháng chiến, không có điều kiện tích lũy vật chất hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Với việc 55% NCT có thẻ BHYT, hy vọng đến năm 2020, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 95% người dân có thẻ BHYT thì sẽ bao phủ đến 100% những người bước vào độ tuổi về hưu.
Với thông điệp của Liên Hợp quốc kỷ niệm 34 năm Ngày Quốc tế NCT “Đấu tranh chống phân biệt tuổi tác”, ông Đắc cho rằng: “Thông điệp này rất cần thiết đối với nước ta. Bởi trên thực tế, nơi này nơi kia vẫn còn phân biệt đối xử với NCT. Vẫn còn tình trạng từ mái ấm đến cộng đồng chưa thật sự tôn kính NCT. Đâu đó, chính quyền cơ sở chưa thật sự lắng nghe những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của NCT…”.
Thăm hỏi, tặng quà cụ bà cao tuổi nhất tại Hà Nội
Kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10) và nhân “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”, chiều 30/9, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương cùng lãnh đạo Sở LĐTB&XH, lãnh đạo Huyện ủy Mỹ Đức đã đến nhà riêng thăm hỏi, chúc thọ và tặng quà cụ bà Lê Thị Bàng (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức). Cụ Bàng (SN 1902), là người cao tuổi nhất hiện nay trên địa bàn TP và là 1 trong 4 cụ có tuổi thọ trên 100 tuổi tại xã Tuy Lai. Cụ có 5 người con (trong đó 2 người đã mất), hiện cụ sống cùng con dâu. Ân cần hỏi thăm sức khỏe, tặng quà cụ Bàng, Trưởng ban Dân vận Thành ủy kính chúc cụ trường thọ để được chứng kiến sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ của Thủ đô, của huyện Mỹ Đức và xã Tuy Lai, tiếp tục là chỗ dựa tinh thần rất quan trọng của con cháu; đồng thời đề nghị Đảng, chính quyền địa phương, Nhân dân và người thân thường xuyên quan tâm tạo mọi điều kiện để Hội Người cao tuổi của địa phương tổ chức những phong trào cho các cụ hoạt động thật hiệu quả, nhất là phong trào “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”…, mọi bậc cao niên sống vui khỏe bên con cháu, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. (Linh Nguyễn)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần