Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Tây Hồ dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu từ 12 giờ ngày 26/12

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến vừa ký ban hành văn bản số 2510/UBND-YT về việc điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn quận trong tuần qua có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện các khu vực dân cư có số ca mắc tăng nhanh tại các phường Yên Phụ, Quảng An, Bưởi, Xuân La… Căn cứ Thông báo số 851/TB-UBND ngày 24/12/2021 của UBND TP Hà Nội và Thông báo số 06/TB-BCĐ ngày 25/12/2021 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận Tây Hồ về việc triển khai công tác phòng chống dịch trên địa bàn quận thuộc cấp độ 3.
 Quận Tây Hồ dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu từ 12 giờ ngày 26/12.
Để kịp thời triển khai các biện pháp an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn quận, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng trong cộng đồng, UBND quận Tây Hồ yêu cầu các phòng, ban, đơn vị thuộc quận, UBND 8 phường, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 của dịch Covid-19 được quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covd-19”; Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 29/10/2021 của UBND TP Hà Nội thực hiện quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn.
Theo đó, từ 12 giờ ngày 26/12/2021, không tổ chức các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21h00 hàng ngày. Cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm. Các cơ sở lưu trú hoạt động được phép hoạt động không quá 50% công suất.
Tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu, có nguy cơ lây nhiễm cao như: cơ sở làm đẹp (trừ dịch vụ cắt tóc, uốn tóc); khu vui chơi, giải trí; quán bar; karaoke (kể cả karaoke loa kéo, quán hát cho nhau nghe); game; massage; phố đi bộ.
Các trường Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp theo Văn bản số 4156/SGDĐT-CTTT ngày 3/12/2021 của Sở GD&ĐT Hà Nội, chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, quản lý đi lại của người dân: Phòng Văn hoá - Thông tin quận chủ trì, phối hợp với Sở Y tế Văn hoá- Truyền thông, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương cập nhật thông tin về tiêm chủng vắc xin, kết quả xét nghiệm Covid-19, kết quả điều trị Covid-19 lên nền tảng dữ liệu quốc gia.
UBND quận Tây Hồ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh… trên địa bàn hạn chế tiếp khách làm việc trực tiếp tại đơn vị, tăng cường hoạt động làm việc trực tuyến. Quán triệt tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người đến giao dịch, khách hàng… thực hiện khai báo y tế điện tử thông qua mã QR, sử dụng phần mềm PC-Covid (khai báo y tế, check in).
Sử dụng mã QRCode cho cơ quan, đơn vị. Kịp thời thông báo ngay đến cơ quan y tế địa phương khi có trường hợp nghi mắc Covid-19: sốt, ho, đau họng, cảm cúm, ốm mệt, viêm đường hô hấp… để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Cùng với đó, UBND quận Tây Hồ giao UBND 8 phường duy trì chế độ ứng trực thường xuyên, tăng cường hoạt động của các Tổ Covid cộng đồng. Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch: bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người, thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở... phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời.
Tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý đến các khu vực có nguy cơ cao: khu chung cư, cơ sở khám chữa bệnh, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở giao nhận hàng hóa, nơi tập trung đông người…; chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cơ sở thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Thực hiện rà soát, thống kê danh sách những người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, người chống chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid-19, người chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 để tổ chức tiêm ngay, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho các đối tượng nêu trên. Quan tâm chăm lo kịp thời đời sống, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, khu vực cách ly y tế...