Quận Thanh Xuân: Đảm bảo công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tại quận Thanh Xuân, việc thực hiện các thủ tục hành chính thiết yếu qua dịch vụ công đã giúp giảm thời gian, chi phí đi lại của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính...

Công dân thực hiện thủ tục tại bộ phận "một cửa" của phường Thanh Xuân Trung
Công dân thực hiện thủ tục tại bộ phận "một cửa" của phường Thanh Xuân Trung

Giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân và các tổ chức

Theo báo cáo, UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo các phòng chuyên môn thuộc quận và UBND các phường bố trí công chức tại Bộ phận Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính quận và phường để tổ chức triển khai thực hiện thí điểm cung cấp 2 nhóm dịch vụ công liên thông đảm bảo đúng quy trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, giá trị của việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông được phổ biến đến từng cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn quận tại các cuộc họp, thông qua hệ thống loa truyền thanh phường, trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của quận, phường… Vận động người dân tham gia thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính dịch vụ công liên thông “(1) Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi; (2) Đăng ký khai tử - Xoá đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí”.

Được sự quan tâm của Ban Chỉ đạo Đề án 06 quận Thanh Xuân, chỉ đạo quyết liệt, các phòng, ban chuyên môn và các đơn vị chức năng nhận thức nghiêm túc, sâu sắc, triển khai thực đồng bộ các biện pháp, giải pháp để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06/CP đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng tiến độ. Việc thực hiện các thủ tục hành chính thiết yếu qua dịch vụ công giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân và các tổ chức gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính. Kết nối các dữ liệu, khai thác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan Nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Còn tình trạng chậm cấp mã định danh, cấp trùng mã định danh

Tuy nhiên, theo Công an quận Thanh Xuân, vẫn còn đó các tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đối với khó khăn, vướng mắc đối với người dân khi thực hiện trực tuyến liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính: Việc đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công chưa thuận tiện, giao diện trên Cổng dịch vụ công còn phức tạp, khó hiểu, chưa thân thiện với người dùng; việc kết nối giữa Cổng dịch vụ công (vùng ngoài) với Phần mềm tiếp nhận hồ sơ (vùng trong) chưa thông suốt, kịp thời. Phần mềm còn tình trạng lỗi file đính kèm hồ sơ; Cổng dịch vụ công thường xuyên quá tải, báo lỗi hệ thống trong khung giờ hành chính; đường truyền không ổn định, cán bộ không truy cập được Phần mềm xử lý hồ sơ; một số quy trình thực hiện chưa thực sự khoa học và tối ưu; chưa kết nối các dữ liệu giữa các ngành đầy đủ…) dẫn đến tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên một số lĩnh vực còn hạn chế.  

Công dân thực hiện thủ tục tại bộ phận "một cửa" của phường Thượng Đình
Công dân thực hiện thủ tục tại bộ phận "một cửa" của phường Thượng Đình

Việc liên kết và cung cấp, trao đổi thông tin giữa các hệ thống còn gặp tình trạng chậm, chưa kịp thời (vẫn còn tình trạng chậm cấp mã định danh; thậm chí cấp trùng mã định danh). Sự đồng bộ trạng thái dữ liệu giữa các phần mềm (Tư pháp – Công an – Bảo hiểm  với phần mềm liên thông và Cổng DVC trong 2 nhóm DVC liên thông) chậm, lỗi ảnh hưởng tới thời gian giải quyết thủ tục hành chính và chưa hoàn chỉnh các tính năng.

Bên cạnh đó là các khó khăn, vướng mắc của cơ quan tiếp nhận giải quyết các hồ sơ dịch vụ công liên thông (Tư pháp phường, Công an Phường, Bảo hiểm xã hội quận, Lao động, thương binh xã hội quận). Trong đó, Tư pháp phường khi thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông công dân cần phải có tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Điều kiện để có tài khoản là thông tin số CMND/CCCD phải đúng với số điện thoại (hay gọi là sim chính chủ). Do đó, nếu thông tin số điện thoại không khớp với thông tin cá nhân thì công dân không thể đăng ký tài khoản để thực hiện thủ tục.

Hồ sơ 2 nhóm thủ tục liên thông không qua phần mềm 1 cửa mà chỉ hiển thị tại phần mềm hộ tịch điện tử của công chức tư pháp hộ tịch, chưa đảm bảo quy trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả theo quy trình ISO (hồ sơ liên thông vào thẳng bộ phận hộ tịch không qua một cửa. Do đó, không có phiếu tiếp nhận và kiểm soát hồ sơ). Hồ sơ đính kèm tập hợp tại 1 trường thông tin, không tách được các thông tin nhân thân, cư trú,… nên khi kiểm tra giấy tờ còn phải xem thủ công từng ảnh.

Hiện tại hồ sơ được tiếp nhận qua phần mềm hộ tịch điện tử nên không có phần in biên lai thu lệ phí, phiếu kiểm soát và phiếu tiếp nhận hồ sơ. Dữ liệu dân cư trên dịch vụ công quốc gia bị sai hoặc trùng lặp nên khi chuyển sang phần mềm hộ tịch điện tử, cán bộ không thể sửa được thông tin của công dân, do vậy mặc dù hồ sơ của công dân nộp đầy đủ thành phần nhưng UBND phường vẫn phải trả lại hồ sơ cho công dân.

Khi công dân kê khai thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng gặp khó khăn: Thủ tục này cần giải quyết ngay để đi làm thủ tục hỏa táng và chôn cất, mặt khác người dân đi làm khai tử thường có tâm lý đau xót cộng thêm không có tài khoản Dịch vụ công quốc gia nên công dân không có nhu cầu thực hiện thủ tục liên thông này. Cùng đó, phải kê khai mã số sổ bảo hiểm xã hội của người chết, trong khi gia đình đang tang gia bối rối khó cung cấp ngay được mà lại cần giải quyết kết quả đăng ký khai tử luôn cho người dân. Khi chọn chi trả qua tài khoản thì không chọn được ngân hàng trong danh sách ngân hàng được cung cấp (không thấy có các ngân hàng phổ biến như Vietcombank, Techcombank, Agribank...)

Đối với Công an phường, do theo quy định thực hiện liên thông thời hạn quy định trong vòng 2 ngày phải giải quyết hồ sơ mà theo Luật Cư trú 2020 quy định việc xác minh sinh sống ổn định lâu dài là 3 ngày gây khó khăn trong quá trình giải quyết. Khi công dân kê khai hồ sơ liên thông tại bộ phận 1 cửa của UBND phường: Cán bộ tư pháp chưa hướng dẫn đầy đủ các quy định và điều kiện để kê khai tờ khai thay đổi thông tin về cư trú dẫn đến hồ sơ thiếu sót gây khó khăn cho việc tiếp nhận hồ sơ. Chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc thực hiện hồ sơ liên thông dẫn đến việc hồ sơ giấy của liên thông hầu hết đều thiếu sót trong hồ sơ kê khai, tài liệu lưu trữ. Hồ sơ đính kèm tập hợp tại 1 trường thông tin, không tách được các thông tin nhân thân, cư trú,… nên khi cán bộ kiểm tra giấy tờ còn phải xem thủ công từng ảnh gây mất thời gian.

Đối với Bộ phận Lao động - thương binh và xã hội: Hiện nay, trên thực tế, tại các phường khi tiếp nhận hồ sơ khai tử chưa kết hợp được việc khai tử và chế độ mai táng phí với những trường hợp được hưởng chế độ mai táng phí. Chủ yếu vẫn thực hiện công tác khai tử và sau đó công dân làm chế độ mai táng phí. Thủ tục đăng ký khai tử thường là thủ tục cần gấp, nhanh để đi làm thủ tục mai táng, hỏa táng, khi hướng dẫn công dân nhập thủ tục mai táng phí sẽ mất thêm thời gian nên công dân khó thực hiện ngay khi khai tử.

+ Nhiều trường hợp đi khai tử không phải là thân nhân của người mất; có trường hợp lại chưa tích hợp số CCCD với số thuê bao di động; Thủ tục cần giải quyết ngay nên tâm lý người đi khai tử bối rối, thông tin không đủ nên khó thực hiện được thủ tục liên thông.

Vướng mắc về quy phạm pháp pháp luật

Theo Công an quận Thanh Xuân, hiện vẫn còn các khó khăn, vướng mắc về quy phạm pháp pháp luật, quy trình thực hiện dịch vụ công liên thông. Hiện chưa có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể để thực hiện việc làm hồ sơ liên thông: Hiện nay quy trình giải quyết hồ sơ liên thông và quy giải quyết hồ sơ cư trú của Luật Cư trú 2020 đang mâu thuẫn về thời hạn.

Cùng với đó là các tồn tại, hạn chế trong quá trình thao tác, vận hành phần mềm dịch vụ công liên thông: Cán bộ làm công tác tư pháp chỉ nắm được quy định thủ tục liên quan đến hộ tịch cũng như không có chức năng tra cứu hay vào hệ thống phần mềm của cư trú do đó công tác phối hợp còn nhiều bất cập chưa thực sự liên thông. Khi thực hiện kê khai đính kèm hồ sơ chỉ cho gửi từng ảnh một nên công dân thường xuyên làm thiếu hồ sơ, cán bộ yêu cầu xử lý phải đề nghị công dân bổ sung gây mất thời gian. Phần kê khai thường trú nên bổ sung mục nơi ở hiện tại để xác định công dân có đủ điều kiện thường trú hay không. Khi đính kèm biểu thông tin cư trú ghi là bắt buộc nhưng phần tải biểu mẫu đã có đủ thông tin vậy có bắt buộc công dân phải in ra và ký hay không. Phần mềm chưa có thống kê số hồ sơ được giải quyết cả 3 thủ tục; số lượng hồ sơ được giải quyết 2 thủ tục, 1 thủ tục không được tiếp nhận giải quyết gây khó khăn trong công tác thống kê, báo cáo.

Ngoài ra, khó khăn về nguồn nhân lực thực hiện, trạng thiết bị và hạ tầng cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Hiện tại trụ sở Công an phường chưa được cung cấp máy tính có kết nối intemet nên việc thực hiện DVC trực tuyến hướng dẫn công dân đều thực hiện bằng điện thoại, tuy nhiên thực hiện qua điện thoại còn rất nhiều bất cập do hệ thống mạng DVC hay bị trục trặc không vào đăng nhập được.

Những nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai phần mềm: Phần giao diện của dịch vụ công thực hiện các thủ tục hành chính khó thao tác. Do đang thực hiện thí điểm nên nhiều khi không đăng nhập được vào tài khoản…

Từ các khó khăn, vướng mắc đó, Công an quận Thanh Xuân cũng kiến nghị UBND quận báo cáo UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cũng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần