Giám đốc Ngân hàng CSXH Thanh Xuân Lô Văn Thường cho biết, công tác cho vay giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách Quận tăng dần theo mỗi năm. Do thực hiện đúng quy trình cho vay và luôn sát sao với các hộ nên các hộ kinh doanh có lãi và không có nợ quá hạn phát sinh.
Thưa ông, 5 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" trên địa bàn quận Thanh Xuân, đã mang lại hiệu quả trong sử dụng vốn vay thế nào?
- Tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng qua Ngân hàng CSXH Quận trong giai đoạn 2015 - 2019 là 316,555 tỷ đồng với trên 9.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính khác được vay vốn. Tính đến nay, tổng dư nợ trên toàn Quận đạt gần 150 tỷ đồng với hơn 4.000 khách hàng đang vay vốn.
Tôi muốn nhấn mạnh đến việc, thông qua 7 chương trình tín dụng chính sách, trong số trên 9.000 lượt hộ được vay vốn có gần 2.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; 7.000 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút trên 7.000 lao động.
Các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng CSXH Thanh Xuân đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của quận. Và là công cụ, giải pháp đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định tình hình chính trị. Và đặc biệt, đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen trên địa bàn quận.
Được biết, trong các nguồn vốn chuyển về ủy thác qua Ngân hàng CSXH, có ngân sách quận Thanh Xuân?
- Nguồn ngân sách từ Quận chuyển sang Ngân hàng CSXH Thanh Xuân tăng dần trong 2 năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2017 Quận chuyển sang Ngân hàng CSXH Thanh Xuân 5 tỷ đồng, năm 2018 là 5 tỷ đồng và năm 2019 là 10 tỷ đồng cho 250 hộ vay và giải quyết việc làm cho gần 400 NLĐ.
Trong 5 năm, ngân sách Quận đã chuyển 22 tỷ đồng sang Ngân hàng CSXH quận để bổ sung nguồn vay đáp ứng nhu cầu hộ nghèo và các đối tượng khác trên địa bàn kịp thời.
Qua đó, nâng tổng nguồn vốn ủy thác đầu tư tại địa phương thông qua Ngân hàng CSXH quận đến nay là trên 30 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ.
Nguồn vốn từ quận Thanh Xuân ủy thác qua Ngân hàng CSXH quận đã góp phần giúp người dân phát triển kinh tế gia đình ra sao, thưa ông?
- Ngay từ đầu năm, khi nhận được nguồn ngân sách Quận chuyển tiền sang, Ngân hàng CSXH giải quyết ngay cho bà con có nhu cầu về vốn sản xuất, kinh doanh. Phải nói rằng, nguồn vốn từ Quận rất kịp thời, tạo ra nhiều việc làm, nhất là khi các nguồn từ Trung ương và TP chưa chuyển về đầu năm.
Từ đó, bà con phấn khởi làm ăn, thực hiện trả lãi, vốn vay đúng thời hạn và do đó lại có nhiều hộ khác được tiếp tục vay.
Nguồn vốn từ Quận, được chúng tôi chuyển đến các phường thông qua ủy thác Hội Phụ nữ và Cựu chiến binh. Kết quả cho thấy, phường nào cũng sử dụng đồng vốn hiệu quả, không có nợ ủy thác quá hạn.
Đơn cử như phường Thanh Xuân Bắc, đến nay có tổng dự nợ hơn 12 tỷ đồng từ các nguồn, cho khoảng 260 hộ vay, chủ yếu là chương trình giải quyết việc làm và nhà ở xã hội.
Đa phần các hộ vay đều được tạo điều kiện để sản xuất kinh doanh (mở quán giải khát, quần áo, giày dép, hàng tươi sống trong chợ...), cho thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng/người. Từ 3 nguồn vốn ủy thác (Trung ương, TP, quận) đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình mở rộng cửa hàng, nâng cao mức sống gia đình.
Với nhu cầu vay vốn của người dân rất nhiều, sang năm 2020 chúng tôi sẽ đề xuất với quận Thanh Xuân chuyển sang Ngân hàng CSXH quận 10 - 15 tỷ đồng ngân sách để góp phần giúp người dân tạo ra nhiều việc làm bền vững.
Xin cảm ơn ông!