Quận Thanh Xuân: Quan tâm công tác tư vấn tâm lý học đường

Thái Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, ngành GD&ĐT quận Thanh Xuân đã đẩy mạnh hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các nhà trường.

Từ đó, phòng ngừa và hỗ trợ đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.

Sáng tạo trong hoạt động tư vấn tâm lý học sinh

Cô giáo tư vấn tâm lý cho học sinh tại Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân. Ảnh: Thái San
Cô giáo tư vấn tâm lý cho học sinh tại Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân. Ảnh: Thái San

Học sinh hạnh phúc mỗi khi đến trường - đó là mục tiêu hướng đến của các nhà trường trên địa bàn quận Thanh Xuân. Cùng với truyền đạt kiến thức thì trang bị các kỹ năng, giúp học sinh vượt qua những bất ổn về tâm lý cũng vô cùng cần thiết. Tư vấn tâm lý không chỉ giải quyết được những vấn đề học sinh đang mắc phải mà còn giúp cải thiện mối quan hệ giữa học trò với thầy cô, giữa con cái và cha mẹ, giữa bạn bè với nhau, từ đó giúp các học sinh vui vẻ, học tập hiệu quả hơn.

Từ đầu năm học đến nay, tuần nào cô Trần Thị Kim Dung - giáo viên chủ nhiệm lớp 5A5 Trường Tiểu học Khương Đình (quận Thanh Xuân) luôn có vài cuộc trò chuyện riêng với các học sinh. Coi cô giáo như người mẹ thứ hai nên có điều gì khúc mắc với bạn bè, áp lực trong học tập hay những điều khó nói với bố mẹ, các học sinh đều tâm sự với cô.

Em Nguyễn Hữu Bảo Khánh - học sinh lớp 5A5 Trường Tiểu học Khương Đình cho biết: "Khi đến trường, em được cô giáo cho những lời khuyên bổ ích, được tham gia các hoạt động, giáo dục kỹ năng sống, chia sẻ với bạn bè những niềm vui trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó giúp em thoải mái tư tưởng, học tập hiệu quả hơn".

Trường Tiểu học Khương Đình có hơn 2.000 học sinh. Dù học sinh ở lứa tuổi tiểu học nhưng nhà trường luôn nhận thức được tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý học đường và triển khai hiệu quả. Ngoài thuận lợi về đội ngũ giáo viên chủ nhiệm tâm huyết, thương yêu học sinh, các cô cũng rất sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Các hoạt động hỗ trợ công tác tư vấn tâm lý học sinh luôn được tổ chức lồng ghép trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, hoặc trong các tiết học trải nghiệm tại lớp.

Thực tế, công tác tư vấn tâm lý đối với học sinh THCS còn cần thiết hơn, bởi ở lứa tuổi này, các em bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, tính cách có đôi chút nổi loạn, áp lực về việc học cũng nhiều hơn, khiến tâm lý dễ bất ổn. Vì tình yêu thương học trò, các giáo viên chủ nhiệm Trường THCS Kim Giang luôn tranh thủ thời gian quan sát, nắm bắt tâm lý của các học sinh và kịp thời tư vấn, giải quyết nếu trò có biểu hiện bất thường.

Mỗi thầy cô giáo phải trở thành một chuyên gia tâm lý

Tại các trường học không có chuyên gia tư vấn tâm lý học sinh mà giáo viên chủ nhiệm phải kiêm nhiệm là một trong những khó khăn hiện nay. Đội ngũ giáo viên cũng không được đào tạo chuyên sâu về công tác này nên đa phần các cô đều tự tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của nhau khi tư vấn cho học sinh. Nắm bắt được thực tế này, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng về tư vấn tâm lý học sinh cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh, nhằm bảo đảm các em được học tập, sinh sống trong môi trường an toàn, được quan tâm, hỗ trợ tối đa.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân) Phạm Thị Xuân Oanh cho biết, bên cạnh nhiệm vụ dạy học, hoạt động tư vấn tâm lý học đường cho học sinh cũng được nhà trường đặt ở vị trí then chốt, bởi ở lứa tuổi THCS, học sinh có sự thay đổi tâm sinh lý rất mạnh. Nếu không nắm bắt kịp thời tâm lý của học sinh, có thể xảy ra những hệ lụy lớn, bởi các em vừa mới trải qua đợt dịch Covid-19, thời gian học online ở nhà khá dài…

Thế nên, đối với các nhà trường, mỗi thầy cô giáo, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm phải trở thành một chuyên gia tâm lý, nắm bắt được tư tưởng, tình cảm, hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng của học sinh, thậm chí là những mối quan hệ trên các trang mạng xã hội.

“Ngoài các lớp tập huấn của Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, các thầy cô giáo phải trau dồi, tự bồi dưỡng chuyên môn của mình để có thể nắm bắt được tâm sinh lý của học sinh. Từ đó mới có cách thức ứng xử phù hợp với các học sinh trong từng hoàn cảnh. Có những trường hợp, các thầy cô không chỉ là chuyên gia bình thường mà còn phải là bác sĩ tâm lý cho học sinh. Có một chỗ dựa về tinh thần, học sinh sẽ không cảm thấy cô đơn” - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang Phạm Thị Xuân Oanh chia sẻ.

 

Các trường trên địa bàn quận Thanh Xuân luôn tổ chức thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh với nhiều cố gắng và tâm huyết. Hiện nay, trong các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận Thanh Xuân không có tình trạng học sinh bỏ học; không có hiện tượng bạo lực học đường. Các trường luôn theo sát và hỗ trợ học sinh cũng như cha mẹ học sinh trong công tác giáo dục trẻ.
Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu