“Quan trọng nhất là quy hoạch xây dựng Thủ đô”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chia sẻ của PGS.TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bên hành lang phiên khai mạc Đại hội Đại biểu TP Hà Nội lần thứ XVI diễn ra ngày 1/11.

Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai Luật Thủ đô trong hai năm vừa qua?

- Hà Nội là nơi tập trung nhiều cơ quan T.Ư, bộ máy đầu não của cả nước nên có nhiều cơ hội, điều kiện phát triển nhưng cũng có nhiều thách thức vì nơi đông dân sẽ có những vấn đề phức tạp trong quản lý. Để quản lý xã hội tốt, quan trọng là phải có hành lang pháp lý.

Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản luật, riêng Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho Thủ đô phát triển. Ngoài các quy định chung như các địa phương khác, tạo cho Thủ đô một đặc thù riêng, trong đó có vấn đề quản lý hạ tầng và con người cũng như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
PGS.TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội
PGS.TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội
 Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1/7/2013, TP Hà Nội đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ, ngành TƯ xây dựng trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, để Luật Thủ đô thực sự đi vào cuộc sống thì vẫn còn những vấn đề cần lưu tâm nhất định.

Cụ thể là vấn đề gì, thưa ông?

- Vấn đề quan trọng nhất là quy hoạch xây dựng Thủ đô. Với không gian địa lý Thủ đô đã mở rộng theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII, có hiệu lực từ 1/8/2008, TP đã có quy hoạch có dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tuy nhiên vấn đề là làm sao trong khoảng trung hạn cũng phải có giải pháp rõ ràng, chi tiết, khoanh ra các khu trung tâm chính trị, hành chính, trung tâm đào tạo... 

Chủ trương đúng đắn để tránh áp lực quá tải dân cư là di dời trường học, một số cơ quan T.Ư, bộ, ngành từ nội đô ra ngoại thành đã có nhưng việc triển khai chưa thực sự tốt. Một số trường đại học đã có địa điểm mới ở xa trung tâm song cơ sở cũ trong nội đô vẫn còn nhiều, chưa được giải quyết dứt điểm. 

Do đó, trong nhiệm kỳ tới, tôi hy vọng TP cần quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này để giảm áp lực cho khu vực nội đô. Cùng với đó, quan tâm tới chỉnh trang bộ mặt Thủ đô, đây là vấn đề được Thủ đô nhiều nước khá quan tâm. Với bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, là bộ mặt của đất nước, Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn nữa tới vấn đề chỉnh trang đô thị trong thời gian tới.

Để đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống, Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó, người dân sẽ phát huy vai trò, cùng tham gia giám sát, phản biện xã hội, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị.

Theo PGS, những điểm tích cực nào đã đạt được trong nhiệm kỳ qua mà Hà Nội cần phát huy, nhân rộng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020?

-Thời gian qua, vấn đề xây dựng hạ tầng đô thị cũng đã được Hà Nội quan tâm, xu hướng phát triển theo quy hoạch là hướng đúng mà TP đã làm được. Trong nhiệm kỳ vừa rồi, TP đã làm được một số cầu vượt tại các ngã tư, góp phần tích cực giải quyết ách tắc giao thông. Đây là giải pháp tốt cần phát huy. Thêm vào đó, hiện nay hệ thống đường sắt trên cao cũng đang được xây dựng, hoàn thiện, sau khi đi vào vận hành, sử dụng, tin rằng sẽ giảm tắc nghẽn giao thông cho khu vực nội đô.

Thứ hai là vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đây là điều đã được bạn bè quốc tế ca ngợi rất nhiều. Một ví dụ cụ thể, đầu năm nay, Hà nội đã đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) với sự tham gia của hơn 100 quốc gia. Thông qua sự kiện này, bạn bè quốc tế đã đánh giá cao công tác tổ chức của Hà Nội cũng như thái độ thân thiện, mến khách của người dân Thủ đô. Đây là nét đẹp cần duy trì, phát huy. 

Tôi cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, TP cần quan tâm tăng cường công tác giáo dục, tạo niềm tin, tự hào cho thế hệ trẻ Thủ đô, tạo điều kiện cho thanh niên trẻ phấn đấu, trở thành lực lượng kế tiếp xây dựng Thủ đô ngày một giàu đẹp văn minh trong tương lai.

Xin cảm ơn PGS!