70 năm giải phóng Thủ đô

Quan trọng vẫn là ý thức của người dân

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc chiến chống Covid-19 đang nóng lên trong phạm vi toàn cầu với sự xuất hiện biến thể Omicron.

Tại Hà Nội, mấy ngày qua, một số quận như Đống Đa, Hai Bà Trưng... đã nâng cấp độ phòng, chống dịch và siết chặt nhiều hoạt động. Trong bối cảnh số ca F0 ngoài cộng đồng trên địa bàn Hà Nội tăng lên mỗi ngày, việc nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch là rất cần thiết, nhất là dịp lễ Noel, Tết Dương lịch đang đến rất gần.
Với sự xuất hiện biến thể Omicron, dường như châu Âu sẽ đối diện với làn sóng dịch thứ 5 và bắt đầu siết chặt các việc đi lại của công dân. Theo đó, Pháp yêu cầu dừng mọi chuyến tàu xe, máy bay từ Anh, còn Hà Lan đã gia hạn lệnh phong tỏa một phần đến tháng 1/2022. TS Anthony Fauci - Cố vấn y tế của Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ cảnh báo mùa Đông ảm đạm trong bối cảnh biến thể Omicron tạo ra làn sóng lây nhiễm mới trên toàn cầu. Kể từ trường hợp đầu tiên nhiễm Omicron vào ngày 25/11 tại Nam Phi đến nay, biến thể này đã xuất hiện ở 77 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ở trong nước, theo số liệu công bố của Bộ Y tế sáng 20/12, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 29.566 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm, xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN). Dù Việt Nam đã tiêm được khoảng 140 triệu liều vaccine, trong đó mũi 1 khoảng gần 77 triệu liều, mũi 2 trên trên 60 triệu mũi và bắt đầu tiêm mũi 3 nhưng nguy cơ tử vong vẫn có thể xảy ra.

Điều đáng nói, bản đồ cập nhật tình hình dịch Covid-19 cho thấy, Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình) nhưng số lượng các quận và xã, phường nâng lên cấp độ 3 đã tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Thêm 2 quận trung tâm TP là Đống Đa và Hai Bà Trưng, 25 phường nâng cấp độ dịch lên mức 3 (màu cam). Tại hai quận nội thành Đống Đa và Hai Bà Trưng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng tại chỗ và hoạt động thể dục ngoài trời được yêu cầu dừng để phòng dịch; học sinh lớp 12 học trực tuyến tại nhà.

Giờ đây, căn cứ vào quyết định ban hành cấp độ dịch của UBND TP Hà Nội, người đứng đầu chính quyền địa phương phải khẩn trương triển khai các biện pháp tương ứng. Đây là thời điểm quan trọng, các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, người có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát rộng, nhất là khi dịp lễ Noel, Tết Dương lịch đang đến gần và sắp tới là Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Thực tế, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cũng đã chủ động xây dựng, ban hành các kịch bản, phương án ở mức cao hơn để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 từ cấp cơ sở, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân bởi không phải chúng ta chuyển hướng sang sống chung với dịch Covid-19 trong tình hình mới nghĩa là chủ quan, lơ là, bỏ qua các quy định phòng, chống dịch. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều người dân vẫn còn chủ quan như tụ tập đông người nơi công cộng; tổ chức ăn uống tập thể ở nhà hàng, quán ăn; không thực hiện quy định về quét mã QR code khai báo y tế khi đi mua hàng... Thậm chí, một bộ phận người dân vẫn nhất quyết không đi tiêm vaccine phòng Covid-19 dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền và tổ chức nhiều đợt tiêm ngay tại cơ sở.

Không phải ngẫu nhiên, TS Fauci khẳng định: “Không bao giờ là quá muộn để tiêm phòng và nếu bạn đã tiêm phòng, hãy đi tiêm mũi tăng cường”. Bên cạnh đó, Cố vấn y tế của Nhà Trắng cũng nhấn mạnh việc duy trì đeo khẩu trang và xét nghiệm thường xuyên cũng là những yếu tố then chốt có thể chống lại sự lây nhiễm của SARS-CoV-2. Muốn đón một cái Tết và mùa lễ hội an toàn, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch để góp sức cùng hệ thống chính trị ngăn chặn, đẩy lùi thành công dịch Covid-19.