Tour “Theo dấu chân Kong” đắt khách
Ngay sau khi “Kong: Skull Island” lên màn ảnh rộng toàn cầu, nhiều hãng lữ hành lớn trên thế giới đã ra mắt tour “Theo dấu chân Kong”. Chính quyền TP Gold Coast (bang Queensland, Úc) - một trong những nơi được đạo diễn Jordan Vogt-Roberts chọn quay phim, đã tổ chức tour này đầu tiên. Tiếp đến, Công ty lữ hành nổi tiếng thế giới Exotic Voyages đã tung ra sản phẩm có tên gọi “New Kong: Skull Island Tour” với giá hơn 2.000 USD trong 10 ngày 9 đêm với những trải nghiệm mà họ chưa bao giờ có được. Hai hãng Star Light và Impress Travel cũng không bỏ qua “miếng bánh béo bở” này khi mời gọi các khán giả xem phim hãy khám phá những cảnh quan tuyệt vời tại “ngôi nhà của Kong”. Signature Cruise Halong có trụ sở tại Việt Nam thì nhanh chân hơn khi mời gọi du khách khám phá Hạ Long, Tràng An, Quảng Bình từ trước khi Kong ra mắt. Và giờ đây, đối với hầu hết các hãng lữ hành Việt Nam, những địa danh Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình không thể thiếu vắng trong mỗi chiến dịch quảng bá của mình.Đây là thông tin đáng mừng khi thông qua Kong, cảnh đẹp Việt Nam đã trở nên gần gũi hơn với bạn bè quốc tế. Có lẽ vì thế nên không có gì khó hiểu khi phong cảnh Việt Nam là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất sau khi khán giả rời rạp.
Thực tế, ngay sau khi “Kong: Skull Island” công chiếu, tour đến các địa danh xuất hiện trong phim gồm: Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình trở thành một lựa chọn hàng đầu đối với nhiều du khách trong nước và quốc tế. Giám đốc Công ty VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho biết: “Lượng khách trong nước và quốc tế đặt tour đi Hạ Long, Tràng An (Ninh Bình), Phong Nha (Quảng Bình) tại VietSense Travel tăng khoảng 30% sau khi “Kông: Đảo đầu lâu” công chiếu”. Nhiều hãng lữ hành khác như Saigontourist, TransViet, Hanoitourist, Vietrantour, lượng khách đăng ký du lịch 3 địa danh này cũng tăng đáng kể. Khách đến Hạ Long tăng khoảng 30 - 40%, tuyến Ninh Bình, Quảng Bình ước tăng 20 – 30%. Nguyên nhân một phần do đây là các tuyến điểm truyền thống đang vào mùa du lịch và một phần do sức nóng của “Kong: Skull Island”.“Việt Nam – phim trường của thế giới”Cùng ngày “Kong: Đảo đầu lâu” chính thức công chiếu tại Việt Nam, Bộ VHTT&DL đã trao quyết định Đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017 – 2019 cho đạo diễn Jordan Vogt-Roberts. Ngay trong thời gian diễn ra Hội chợ du lịch ITB Berlin (Đức), những hình ảnh du lịch qua bộ phim “Kong: Skull Island” tại Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long (Quảng Ninh) cũng đã được Tổng cục Du lịch giới thiệu, tạo điểm nhấn để thu hút khách. Từ những hiệu ứng “Kong” mang lại, giới chuyên môn cho rằng, ngành du lịch Việt cần sớm có kế hoạch làm những clip quảng bá, mời gọi các nhà làm phim và du khách. “Chúng ta có thể nghĩ đến chuyện biến Việt Nam trở thành phim trường của thế giới để thu hút nhiều hơn các nhà làm phim nổi tiếng quốc tế. Không có gì quảng bá tốt hơn bằng những hình ảnh sống động, rõ nét của các nhà điện ảnh chuyên nghiệp và những kênh truyền hình nổi tiếng thế giới" - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định.Và thực tế, từ sau khi đoàn làm phim “Kong: Skull Island” sang Việt Nam, hiệu ứng về những cảnh quay ở Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình đã làm nhiều nhà sản xuất phim nước ngoài đến Việt Nam để khảo sát cho những dự án tương lai. Hiện đã có 2 đoàn làm phim của Anh và Mỹ dự kiến sẽ thực hiện nhiều cảnh quay tại Thủ đô Hà Nội. Và rõ ràng, trong bối cảnh slogan “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn” trước đây, “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận” hiện nay của ngành du lịch Việt chưa gây được nhiều ấn tượng thì “Việt Nam – phim trường của thế giới” là một thông điệp tường minh, ấn tượng.Quảng bá vẫn… chậm chânKhông thể phủ nhận công lao “Kong: Đảo đầu lâu” mang đến cho du lịch Việt, đặc biệt là 3 tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình và Ninh Bình, nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ta vẫn đang chậm chân trong việc nắm bắt cơ hội để xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước và điểm đến, khi thực hiện thì vội vã, thiếu tính chuyên nghiệp. Suốt hơn một năm đoàn làm phim của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đóng máy, chúng ta gần như… bất động. Cho dù, không phải tới khi phim được chiếu chúng ta mới biết đến sức mạnh quảng bá du lịch của nó.Thật đáng tiếc vì khi phim ra rạp rồi thì các động thái bề nổi về truyền thông mới đồng loạt được thực hiện. Nào là tổ chức sự kiện ra mắt, mời ca sĩ nổi tiếng đồng hành, trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ du lịch Việt Nam cho đạo diễn; các cơ quan quản lý và đơn vị kinh doanh du lịch khẩn trương lên kế hoạch khai thác, sử dụng ảnh hưởng của bộ phim để quảng bá, kinh doanh... Ngay cả trang thông tin chính thức của Tổng cục Du lịch Việt Nam, tới lúc này, những thông tin quảng bá từ bộ phim được đưa lên rất mỏng, dù đây là cửa ngõ để khách nước ngoài tiếp cận du lịch nước ta.Trong khi đó, Bộ VHTT&DL có đề nghị UBND TP Hà Nội cho dựng hình 3D Vua khỉ (King Kong) bên hồ Hoàn Kiếm để giới thiệu quảng bá du lịch. Đề nghị này sau đó đã không được triển khai vì bị giới chuyên môn chỉ trích là không phù hợp. Nhiều ý kiến cho rằng, chưa bàn tới việc hồ Hoàn Kiếm là một khu vực linh thiêng trong tâm thức người Việt, nơi được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, thì cách làm này vẫn còn mang tính bề nổi, ào ào, đối tượng quảng bá bó hẹp chủ yếu cho chính người Việt.Thêm nữa, một số cơ quan, đơn vị ngành du lịch đưa ra sáng kiến làm đạo cụ và hình nộm "Vua khỉ" ở những điểm đoàn phim ghi hình để phục vụ du khách tới thưởng lãm. Đây là cách thức quảng bá "ăn theo" phim rất cũ kỹ, thể hiện tư duy kinh doanh du lịch theo kiểu chụp giật, ngắn hạn và non tay. Đó là chưa kể hình nộm có được làm giống nguyên mẫu hay không, chất liệu có đảm bảo bền, đẹp không. Mặt khác, một đơn vị dự định sản xuất quà lưu niệm dựa trên phim để bán cho du khách mà chưa tính tới vấn đề "bản quyền", bởi vì tiền mua bản quyền có khi còn đắt hơn tất cả các chi phí sản xuất khác. Điều đáng nói nữa là, tất cả các kế hoạch quảng bá du lịch nêu trên tại sao không chuẩn bị từ trước mà chờ tới khi phim ra rạp mới tuôn ra để... ăn theo.Không phải chờ đến “Kong: Đảo đầu lâu”, thế giới mới biết đến Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình. Nhưng, chính sự “non tay” và chậm trễ đã khiến du lịch Việt bỏ lỡ nhiều cơ hội. Và những điểm đến tuyệt vời của thế giới tại Việt Nam vẫn chỉ là nơi tiềm năng du lịch còn có thể được khai thác nhiều hơn. Đó là điều các cơ quan quản lý và người làm du lịch cần suy ngẫm.
Bà Phùng Thị Phương, Brand Strategy Manager Công ty Richard Moore Associates: Quảng bá du lịch vẫn ở thế bị động Ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực nhưng dường như vẫn trong thế bị động nhiều hơn. Những động thái hiện nay có thể sẽ giúp thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và tăng doanh thu về du lịch, tuy nhiên, để nói là có thể tạo được dấu ấn về thương hiệu du lịch của Việt Nam thì có lẽ là không. Hãy thử tưởng tượng xem nếu việc mời đạo diễn của “Kong: Skull Island” làm đại sứ có trong kế hoạch từ trước đó, song song với các hoạt động truyền thông cho phim là các hoạt động tuyên truyền quảng bá cho du lịch Việt Nam thì hiệu quả sẽ như thế nào. Những điều này dường như là minh chứng cho việc chúng ta thiếu chuẩn, thiếu một chiến lược thương hiệu rõ ràng để xác định được chúng ta sẽ làm gì tiếp theo. Đó là lý do lý giải cho những động thái nhất thời nhằm xử lý phần ngọn hơn là đón nhận cơ hội một cách chủ động. Ví dụ như trường hợp của Malaysia, họ định vị rất rõ ràng du lịch của họ điểm nổi trội nhất là “sự đa dạng” và làm xuyên suốt từ 1999 đến nay. Nếu như chúng ta có một chiến lược thương hiệu rõ ràng và bài bản như vậy thì trong trường hợp này sẽ biết hành xử như thế nào phù hợp.Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Việt Nam có thể trở thành phim trường của thế giới "Quảng bá qua một phim tài liệu du lịch không thể hiệu quả bằng phim điện ảnh, nhất là những phim do các nhà sản xuất nổi tiếng đầu tư. Tôi hy vọng việc 70% bối cảnh “Kong: Đảo đầu lâu” được quay tại Việt Nam là một sự kiện quan trọng mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ quảng bá du lịch Việt Nam qua nghệ thuật điện ảnh. Với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, chi phí rẻ, Việt Nam có thể trở thành phim trường của thế giới. Và nếu điều này thành hiện thực thì chúng ta có thể tạo được làn sóng hút khách đến Việt Nam. Riêng Kong đã giúp lượng khách đến Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình tăng đáng kể. Vậy thì, nếu có hàng chục, hàng trăm bộ phim như vậy, lượng khách đến mảnh đất hình chữ S chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn rất nhiều và trải rộng khắp các địa phương trên toàn quốc”. |