Quảng bá du lịch qua tương tác mạng xã hội

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc sở hữu những nền văn hóa truyền thông lâu đời song lại có sự pha trộn của cuộc sống hiện đại chính là lợi thế giúp các TP trong khu vực châu Á thu hút du khách từ châu Âu và châu Mỹ.

Đây là nhận định của Giám đốc Sở Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Kuala Lumpur (Malaysia) Khairul Anuar Bin MHD.Juri bên lề Hội nghị xúc tiến du lịch các TP thành viên Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA) với các DN du lịch Hà Nội sáng 7/9.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải. Ảnh: Hồ Hạ

Đối với du khách từ các nước khu vực châu Âu và châu Mỹ, họ rất coi trọng việc khám phá những điểm đến giàu nét văn hóa truyền thống với những di sản lâu đời. Đây có thể được xem là thế mạnh của các nước châu Á, do vậy các TP thành viên cần nhấn mạnh vào yếu tố này khi muốn thu hút khách từ những khu vực châu Âu và châu Mỹ.

“Tôi cho rằng, các TP thành viên cần tích cực hơn trong các dự án hoạt động chung, bởi nó hoàn toàn miễn phí và có thể hỗ trợ lẫn nhau, bằng việc kết hợp nguồn lực như vậy, chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt hơn trong phát triển du lịch”, ông Khairul Anuar Bin MHD.Juri nhấn mạnh.

Nhấn mạnh về những kế hoạch mà cả 10 TP thành viên của CPTA cần phải thực hiện trong thời gian tới, ông Khairul Anuar Bin MHD.Juri cho rằng, khu vực châu Á là nơi tập trung đa phần những nền văn hóa và di sản truyền thống lâu đời, do vậy nếu muốn thúc đẩy phát triển du lịch, các TP thành viên CPTA cần đưa ra những chương trình hợp tác chung. Điển hình như việc tăng cường quảng bá du lịch tại cả 10 TP thành viên.

Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao đào tạo nguồn nhân lực trẻ, bởi họ là những người am hiểu về công nghệ thông tin. Xây dựng những chương trình xúc tiến du lịch với sự tương tác trên mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram, sử dụng những từ khóa, ví dụ như CPTA2020.

Giám đốc Sở Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Kuala Lumpur (Malaysia) Khairul Anuar Bin MHD.Juri. Ảnh: Hồ Hạ

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng trao đổi về những thông tin mới liên quan tới chương trình quảng bá du lịch tại mỗi TP thành viên. Giám đốc Hanoitourist, Phùng Quang Thắng chia sẻ về những chương trình trải nghiệm nét truyền thống pha lẫn hiện đại của Thủ đô Hà Nội thông qua ống kính máy ảnh phim. “Mỗi du khách khi tham gia chương trình này sẽ được trang bị một máy ảnh kèm phim, ghé thăm các chợ truyền thống, nhà cổ, xưởng tráng phim và thưởng thức một số món ăn đặc trưng”, ông Thắng cho biết.

Chia sẻ về một trong những đặc điểm giúp TP Tokyo thu hút khách du lịch trong những năm vừa qua, Giám đốc cấp cao Cục Công nghiệp và Lao động, Chính quyền đô thị Tokyo, Hiroyasu Onuma cho biết, giống với Thủ đô Hà Nội, TP Tokyo của Nhật Bản cũng đem tới cho du khách những cảm nhận rõ rệt về sự giao thoa giữa cổ điển và hiện đại. Đây chính là lý do, chính quyền TP quyết định chọn biểu ngữ với tên gọi “Tokyo - Tokyo: Old meets New” (Tokyo - Tokyo: Sự giao thoa giữa cổ điển và hiện đại) cho chiến dịch quảng bá du lịch. Có thể khẳng định rằng, với lịch sử hơn 400 năm xây dựng và phát triển, Tokyo sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch. Trong đó, phải kể tới những ngôi đền, chùa cổ, khu vườn truyền thống, hay những khu vui chơi giải trí hiện đại… Chính điều đó đã làm nên nét tương phản giữa cổ điển và hiện đại của TP Tokyo.

Bên cạnh đó, để tiếp tục thu hút thêm khách du lịch đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, chính quyền TP Tokyo đã quyết định xây dựng Trung tâm tư vấn đa ngôn ngữ trực 24/24. Trung tâm hoạt động với mục tiêu khách quốc tế tới Tokyo không gặp rào cản về ngôn ngữ. Đồng thời, thiết lập những bảng tra cứu thông tin du lịch ngoài trời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần