Quảng bá ngành du lịch qua đặc sản, quà tặng: Cung cao, cầu vẫn hạn chế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sản phẩm lưu niệm, quà tặng là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả. Tuy vậy, thị trường quà lưu niệm Việt Nam hiện nay vẫn bị bỏ ngỏ chưa được quan tâm đầu tư đúng mức

Chưa chú trọng sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch

Giám đốc Công ty Du lịch Sunsmiletravel (doanh nghiệp chuyên đón du khách Nga) Dương Thanh Hằng phản ánh, đa phần du khách đến từ thị trường Nga khi sang Việt Nam đều có nhu cầu mua đồ lưu niệm mang tính độc đáo vùng miền. Tuy nhiên, họ không biết địa chỉ mua ở đâu.

Khách du lịch tham quan làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm)
Khách du lịch tham quan làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm)

Thực tế cho thấy, mặc dù nhu cầu mua đồ lưu niệm khi đến Hà Nội của du khách rất lớn, nhưng các làng nghề chủ yếu sản xuất phục vụ xuất khẩu chưa chú trọng khai thác thị trường ngách trong việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ nêu rõ, mặc dù cả nước có đến 1.300 làng nghề truyền thống nhưng thị trường quà lưu niệm hiện nay đang bị các sản phẩm Trung Quốc lấn át. “Kết quả khảo sát của Hiệp hội làng nghề thì có hơn 80% sản phẩm được bày bán ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là hàng do Trung Quốc sản xuất. Ngay cả làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) nhiều gia đình có truyền thống nhiều đời làm dệt lụa cũng phải bỏ nghề vì không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc bày bán tại khu vực phố cổ” - bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ dẫn chứng.

Đồng tình với phản ánh này, Chi hội trưởng Chi hội Làng nghề - Làng cổ - Làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) Nguyễn Văn Sử thừa nhận, mặc dù các làng nghề đã có sự liên kết với những điểm đến du lịch trên địa bàn Hà Nội để giới thiệu và bán sản phẩm cho khách du lịch nhưng sức tiêu thụ rất thấp.

Trong khi đó, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng, mặc dù doanh nghiệp du lịch đã xây dựng, tổ chức tour đưa khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm tại các làng nghề nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn do thiếu sự liên kết, chia sẻ thông tin giữa làng nghề và đơn vị lữ hành. 

Hỗ trợ phát triển bền vững

Lý giải lý do khiến sức tiêu thụ sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm của làng nghề không được như mong muốn, các chuyên gia du lịch có chung ý kiến, mẫu mã những sản phẩm quà lưu niệm chủ yếu sản xuất theo kiểu đại trà, không mang đặc trưng của điểm đến nên khó thu hút khách.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nêu rõ, nguyên nhân khiến sản phẩm quà lưu niệm của các làng nghề chưa được nhiều du khách biết tới là do chưa chú trọng sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch; Chưa coi trọng sở hữu trí tuệ, không giữ được bản quyền dẫn đến tình trạng nhiều mẫu sản phẩm quà tặng bị nhái mẫu mã.

Bên cạnh đó, sự liên kết với các nhà sáng tạo mẫu thiết kế chưa được chú trọng bởi thực tế để làm ra sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm, nhà sản xuất phải hiểu về nhu cầu thị trường từ đó sản xuất ra sản phẩm phù hợp. “Đơn cử như thị trường khách Nhật thích dùng hàng bằng giấy nhiều hơn các nguyên liệu khác”, ông Vũ Thế Bình nêu ví dụ.

Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm quà tặng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn  hiến kế, mặc dù người thợ các làng nghề có kỹ năng, hiểu rõ về nguyên vật liệu nhưng để có mẫu mã thì cần chuyên gia thiết kế để kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

“Nghệ nhân giới hạn về ý tưởng nên cần có chuyên gia và đơn vị hiểu về thị trường khách để có thể ra mẫu thiết kế phù hợp. Nếu không sẽ phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới có được sản phẩm mẫu mã phù hợp với thị trường khách” - ông Nguyễn Anh Tuấn gợi ý.

 

Thời gian tới các làng nghề cần đẩy mạnh liên kết, kết nối với những điểm du lịch qua đó tạo ra những mẫu thiết kế sản phẩm quà tặng độc đáo, phù hợp với đặc trưng điểm đến và tâm lý du khách. Đồng thời hình thành một khu giới thiệu, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, quà tặng của các làng nghề Hà Nội, qua đó quảng bá tinh hoa làng nghề và tăng tính trải nghiệm cho du khách.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng

Nhận thấy sản phẩm quà tặng là một trong những yếu tố có thể tăng khả năng chi tiêu, giữ chân du khách lâu dài, nhiều đơn vị đã có hướng đầu tư cho sản phẩm quà tặng, lưu niệm. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đơn vị vừa tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng, và tới đây sẽ phối hợp với các làng nghề để làm những sản phẩm mới. “Bên cạnh sản phẩm truyền thống của làng nghề, sẽ có thêm sản phẩm quà tặng đặc trưng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, như những vật phẩm dành cho sĩ tử, thể hiện tinh thần hiếu học của người Việt Nam”, ông Lê Xuân Kiêu cho hay.

Nhằm giúp làng nghề khắc phục những yếu điểm, đồng thời quảng bá sản phẩm lưu niệm tới du khách trong và ngoài nước, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các làng nghề, doanh nghiệp lữ hành tổ chức Lễ hội quà tặng Hà Nội năm 2022.

Trong thời gian diễn ra sự kiện, Sở Du lịch phối hợp với các làng nghề giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng Hà Nội như nón làng Chuông (huyện Thanh Oai); chuồn chuồn tre Thạch Xá, quạt giấy Chàng Sơn (huyện Thạch Thất); tò he (huyện Phú Xuyên);; gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), tò he (huyện Phú Xuyên)…

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đặc biệt tại lễ hội này, đơn vị sẽ tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu quà tặng, mẫu bao bì để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm. Các sản phẩm quà tặng sẽ thiên về nhỏ gọn, tinh tế, mẫu mã đẹp và gắn với biểu tượng các điểm đến của Hà Nội, như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm… 

Những gợi ý, hiến kế của các chuyên gia, cơ quan quản lý du lịch cho thấy, sản phẩm lưu niệm không chỉ giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao đời sống cho người dân làng nghề mà còn đóng vai trò quảng bá văn hóa, du lịch góp vào việc phát triển kinh tế, thu hút du khách.