Định hình thương hiệu
Cuối tháng 10/2024, bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh dựa theo truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ra mắt khán giả ngay lập tức đã gây sốt với những thước phim đẹp như tranh vẽ, được lấy bối cảnh tại tỉnh Phú Yên.
Những cảnh quay ba nhân vật Phúc, Miền, Vinh trong buổi chiều tại cánh đồng lúa chín đẹp mơ màng ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên; hay cả ba ăn chuối chiên trước cổng trường xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa mang đến cảm giác bình yên mà nên thơ đến lạ. Đặc biệt, thắng cảnh gành đá Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) cũng được khéo léo giới thiệu trong các phân cảnh nhóm thanh niên đá bóng, vui đùa như một liệu pháp chữa lành tâm hồn cho khán giả.
Tham gia cùng đoàn làm phim khảo sát, chọn bối cảnh quay cho “Ngày xưa có một chuyện tình”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Minh cho biết, bối cảnh phim được quay tại Phú Yên do thiên nhiên, kiến trúc nhà ở thập niên 1960 - 1970 còn gần như nguyên vẹn, nhiều vùng quê còn giữ nét thơ xưa tạo cảm xúc hoài niệm.
Trước “Ngày xưa có một chuyện tình”, Phú Yên từng nổi lên như một địa danh hút khách du lịch sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được quay tại đây ra mắt công chúng. Thống kê của tỉnh Phú Yên cho thấy, năm 2019, lượng du khách đến với Phú Yên tăng mạnh lên 1,8 triệu lượt người, doanh thu 2.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 năm lần so với năm 2014, thời điểm trước khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ ra mắt. Điều đó cho thấy sự tác động mạnh mẽ của điện ảnh đối với du lịch như thế nào. Năm 2024, du lịch tỉnh Phú Yên đón hơn 4 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 8.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần năm 2023.
Cùng với Phú Yên, tỉnh Ninh Bình nổi lên như một hiện tượng thu hút các nhà làm phim. Những năm qua, Ninh Bình đã được nhiều nhà làm phim trong nước và quốc tế lựa chọn làm bối cảnh cho các bộ phim bom tấn như: “Người Mỹ trầm lặng”, “Kong: Skull Island (Đảo Đầu lâu)”, “Khát vọng Thăng Long”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Về nhà đi con”, “Trạng Tí”, “Hương vị tình thân”, “Vui lên nào anh em ơi”…
Nhờ phim ảnh, Ninh Bình trở thành một trong những địa điểm hút khách du lịch bậc nhất các tỉnh phía Bắc hiện nay. Năm 2024, Ninh Bình đặt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa đón 6,6 triệu lượt, khách quốc tế đón 900.000 lượt. Tuy nhiên, đến tháng 11, ngành du lịch Ninh Bình đã về đích sớm với lượng khách quốc tế đạt 1,08 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay; chiếm gần 7% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Tiềm năng lớn cần khai phá
Một trong những bộ phim Tết đang được mong đợi là “Yêu nhầm bạn thân”, dự kiến khởi chiếu vào ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ 2025, hứa hẹn đưa khán giả khám phá vẻ đẹp Việt Nam qua những thước phim tại các địa danh nổi tiếng của 11 tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Huế, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh...
Theo đạo diễn Diệp Thế Vinh, điện ảnh có lợi thế về tính đại chúng và khả năng truyền tải hình ảnh, thông điệp một cách sâu rộng. Vì thế, ê kíp sản xuất phim "Yêu nhầm bạn thân" kỳ vọng, bộ phim sẽ góp phần thúc đẩy du lịch, văn hóa của các địa phương đến khán giả trong nước lẫn quốc tế. "Chúng tôi mong muốn mang đến một hơi thở mới, tươi trẻ, đậm nét văn hóa và phong cách của người Việt Nam trong bộ phim này" - đạo diễn Diệp Thế Vinh chia sẻ.
Quảng bá du lịch qua điện ảnh thực tế là cách làm mà nhiều quốc gia đã làm rất thành công như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Anh, Nhật Bản… khi tác động vào trí tò mò của công chúng muốn trải nghiệm các điểm đến như cảnh quan thiên nhiên, di tích và nhân vật trên màn ảnh. Tiêu biểu có thể kể đến như tour “Phép thuật của Harry Potter” năm 2010 đã giúp Universal Studios ở Orlando tăng gần 6 triệu du khách hay tour “King Kong 3-D” giúp Hollywood tăng 26% lượng khách với hơn 5 triệu du khách...
Còn nhớ ở thời điểm năm 2023, bộ phim “Đi đến nơi có gió” với sự tham gia diễn xuất của Lý Hiện và Lưu Diệc Phi đã tạo nên “cơn địa chấn” thu hút một lượng khách khổng lồ đến với Đại Lý, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Theo thống kê, trước khi phim được phát sóng, số lượng khách du lịch đến Đại Lý khoảng 50 - 100 người/ngày, nhưng sau khi phim công chiếu, con số này đã tăng vọt lên gần 3.000 người mỗi ngày.
Và năm nay, nhờ hiệu ứng từ bộ phim "Sắc Xuân gửi người tình" do Lý Hiện và Châu Vũ Đồng đóng chính mà mảnh đất Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc bỗng trở thành địa điểm du lịch ai cũng muốn đặt chân tới. Chỉ sau 2 ngày lên sóng, lượt thảo luận của topic “Theo chân Lý Hiện check-in Tuyền Châu” đã thu hút gần 300 triệu lượt xem, đóng góp đáng kể vào việc quảng bá du lịch địa phương với bối cảnh trong phim bình yên, tươi đẹp.
Việt Nam được đánh giá là đất nước có cảnh quan thiên nhiên đẹp, con người hiền hòa, thân thiện, văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú… Đây là những điều kiện quan trọng để thu hút khách du lịch quốc tế. Những năm qua, nhiều chương trình xúc tiến du lịch được tổ chức, cả cấp quốc gia lẫn địa phương, song thực tế kênh điện ảnh chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương chưa chưa có giải pháp “trải thảm” để thu hút các đoàn làm phim.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn, Ninh Bình sở hữu kho tàng di sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo, là bối cảnh đặc sắc cho các nhà làm phim. Tuy nhiên, việc quảng bá di sản và văn hóa của Ninh Bình thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Để khai thác hiệu quả hơn nữa trong tương lai, Ninh Bình sẽ triển khai những định hướng cụ thể và các chính sách hỗ trợ nhằm thu hút các đoàn làm phim trong nước và quốc tế, từ đó xây dựng hệ sinh thái điện ảnh dựa trên tiềm năng dồi dào của tỉnh.
Từ năm 2023, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã triển khai bộ chỉ số PAI (Production Attraction Index) để đánh giá mức độ hấp dẫn, thu hút đoàn làm phim, dựa trên 5 thành phần chính: tài chính, thông tin, thực địa, pháp lý và hạ tầng. Bước sang năm thứ hai triển khai, có 37/63 tỉnh, TP tham gia áp dụng bộ chỉ số này, cho thấy vẫn cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của các địa phương.
Theo TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư, thông qua PAI, mong muốn khai thác tiềm năng của ngành điện ảnh Việt Nam, giới thiệu với thế giới vẻ đẹp và những câu chuyện sâu sắc nằm ẩn mình trong mỗi góc đất nước.
Và để làm được điều đó, không thể thiếu vai trò chủ động vào cuộc của mỗi địa phương, gắn kết du lịch và điện ảnh trở thành định hướng mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa.