Quảng Bình: Cùng chim trời “xây tổ” trên phá Hạc Hải

Bùi Biền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suốt nhiều năm qua, đàn chim trời kéo về phá Hạc Hải ngày càng đông, sinh sôi, nảy nở cùng vợ chồng nông dân ở xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy). Người và chim đã cùng nhau xây tổ ấm trên vùng đất mới này.

Trả nợ thiên nhiên

Tìm về xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), người dân nơi đây ai cũng biết về vợ chồng ông Nguyễn Công Xuân (SN 1972) và bà Đỗ Thị Hoa (SN 1974), đang “cưu mang” đàn chim trời trên phá Hạc Hải. Đã nhiều năm gắn bó với vùng đầm phá này để mưu sinh, cơ duyên giúp vợ chồng ông trở thành người chăm sóc, bảo vệ, khiến nơi đây dần trở thành “tổ ấm” cho đủ loại chim trời khắp nơi đổ về.

Quảng Bình: Cùng chim trời “xây tổ” trên phá Hạc Hải - Ảnh 1Chim làm tổ ở phá Hạc Hải

Thoạt nhìn, tuy mới chỉ bước qua tuổi 50 nhưng trông ông Xuân có vẻ già hơn tuổi, với nước da ngăm đen, gương mặt đen sạm, hằn những nếp nhăn do dãi dầm mưa nắng. Bên ấm trà xanh, ông Nguyễn Công Xuân cho biết, sinh ra trong một gia đình thuần nông, ông học hết lớp 12 rồi ở nhà làm đủ mọi nghề để kiếm sống.

Đến tuổi trưởng thành, ông kết hôn cùng bà Đỗ Thị Hoa. Sau khi lập gia đình, năm 1997, hai vợ chồng ông ra ở riêng. Do không có vốn liếng, cuộc sống khó khăn ông đã bàn bạc với vợ ra khu vực Cửa Rào trên phá Hạc Hải rào lại chừng 10 ha để làm lúa, nuôi trồng thủy hải sản mưu sinh.

Thời điểm ấy, chim trời thường xuyên bay về làm tổ, trú ngụ ở vùng phá Hạc Hải này rất nhiều. Ngoài công việc làm nông, vợ chồng ông còn săn bắt chim trời để kiếm sống. Công việc săn bắt chim trời mang lại thu nhập rất cao, chim bắt được bao nhiêu thương lái cũng đến mua hết.

Ngày ngày, vợ chồng ông Xuân thường chèo xuồng trên phá Hạc Hải để bảo vệ và chăm sóc đàn chim
Ngày ngày, vợ chồng ông Xuân thường chèo xuồng trên phá Hạc Hải để bảo vệ và chăm sóc đàn chim

“Săn bắt chim trời được một thời gian, thấy đàn chim ngày một ít đi, trong thâm tâm tôi thấy có lỗi với đầm phá. Hằng đêm không thể nào chợp mắt, tiếng cò, tiếng vạc luôn văng vẳng bên tai như lời oán trách. Cách đây nhiều năm, tôi đã nói với vợ rằng, từ đây không săn bắt nữa mà phải bảo vệ đàn chim để bù đắp những việc làm đã gây ra cho chúng, và được vợ đồng ý” - ông Xuân kể lại.

Từ đó, suốt nhiều năm qua, người ta vẫn thường thấy vợ chồng ông ngày ngày đi trên phá Hạc Hải để bảo vệ và chăm sóc chim trời. Dù công việc không mang lại thu nhập, lợi ích, và chịu nhiều đàm tiếu của người đời nhưng trong thâm tâm vợ chồng ông lúc nào cũng cảm thấy thanh thản, thoải mái khi được “trả nợ” cho thiên nhiên.

Nỗ lực chăm sóc đàn chim

Qua nhiều năm làm công tác bảo tồn, chăm sóc, ông Nguyễn Công Xuân nhận thấy môi trường sống, lưu trú của đàn chim trời ở phá Hạc Hải vẫn còn khá hạn hẹp.

Vợ chồng ông đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng rồi vào tận các tỉnh miền Nam để mua cây dừa nước đem về phá Hạc Hải trồng. Thời gian đầu, cây hợp đất phát triển xanh tốt, chim trời đã rủ nhau bay về làm tổ trên vùng đất này ngày một nhiều. Thế nhưng, sau đợt mưa lũ năm 2020, hàng dựa nước đã bị nước cuốn đi gần hết, đàn chim lại phải phải tìm nơi trú ngụ mới.

Quảng Bình: Cùng chim trời “xây tổ” trên phá Hạc Hải - Ảnh 2Nhiều chú chim non đã trưởng thành nhờ những nỗ lực của vợ chồng ông Xuân

Để tiếp tục tâm nguyện của mình, hiện vợ chồng ông Xuân đang ấp ủ, chuẩn bị đầu tư tiếp khoảng 200 triệu đồng để đưa cây sung giống và lộc vừng ra trồng, nhằm tạo được vành đai cây xanh cho nhiều thế hệ chim. Ngoài việc bỏ chi phí trồng thêm cây xanh để làm nơi trú ngụ cho chim, vợ chồng ông còn bảo vệ hệ sinh thái thực vật để chim có môi trường sinh trưởng và phát triển tốt. Đồng thời, vào mỗi vụ mùa thu hoạch lúa, vợ chồng ông thường để lại khoảng chừng 1 - 2m dọc bờ ruộng để làm thức ăn cho chim…

Nhờ nỗ lực bảo vệ và chăm sóc của vợ chồng ông, chim trời bay về làm tổ ngày càng nhiều. Khắp cánh đồng phá Hạc Hải là tiếng hót líu lo, ríu rít của những loài chim trời.

"Hai năm gần đây, chim kéo về làm tổ rất nhiều, ban ngày chúng bay đi kiếm mồi rồi tối lại về trú ngụ, sinh sản trên những cánh đồng này. Nhìn đàn chim ngày một nhiều lên, vợ chồng tôi phấn khởi lắm, cảm thấy an lòng cho những việc mình làm trước đây và tự nhủ sẽ bảo vệ chim trời đến khi nào hết sức làm việc" - ông Xuân nói.

Khi được hỏi về tâm nguyện của mình với đàn chim, ông Nguyễn Công Xuân cho biết: ''Tôi mong rằng mọi người hãy cùng chung tay, chung sức bảo tồn chim trời để cho phá Hạc Hải ngày càng có nhiều loài chim tìm đến, và trở thành nơi trú ngụ của chúng trong tương lai''.

Phá Hạc Hải không chỉ là nơi sinh sống của vợ chồng ông Xuân mà còn là nơi trú ngụ của chim trời
Phá Hạc Hải không chỉ là nơi sinh sống của vợ chồng ông Xuân mà còn là nơi trú ngụ của chim trời

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy Võ Xuân Hòa cho biết, những năm qua, chính quyền địa phương luôn tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người không săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã nhằm bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.

“Vợ chồng ông Xuân, bà Hoa là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Cùng với đó, hai ông bà đã có công rất lớn trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đó là những nông dân có nghĩa tình, nhân hậu, là tấm gương sáng để mọi người học tập làm theo” - Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần