Toàn tỉnh Quảng Bình có 3 vựa hoa lớn tại huyện Bố Trạch, Lệ Thủy và thị xã Ba Đồn với diện tích trên 130ha. Năm nay, người dân chủ yếu trồng các loại hoa cúc, hoa ly, lay ơn và một số loại hoa màu khác để phục vụ thị trường Tết. Với người trồng hoa, Tết Nguyên đán được xem là vụ mùa quan trọng và đáng mong chờ nhất trong năm, quyết định sự ấm no, sung túc dịp “Tết đến xuân về”.
Tại làng hoa phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn) những ngày này, người dân đang tất bật “chạy đua” với thời gian để kịp phục vụ hoa Tết. Khác với mọi năm, năm nay, tình hình thời tiết thất thường, se lạnh, nắng ít, mưa nhiều nên dù chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhưng phần lớn diện tích hoa người dân gieo trồng đang bung nụ rất chậm và có dấu hiệu “ngủ đông”.
Điển hình, gia đình chị Ngô Thị Tiện (SN 1975, ở TDP Trường Sơn, phường Quảng Long) gieo trồng hơn 30.000 cây hoa các loại trên diện tích 3 sào ruộng để phục vụ Tết Nguyên đán, tuy nhiên đến thời điểm này, tỷ lệ hoa nở đúng dịp chỉ mới đạt trên 40%. Dù đã có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng, “ăn, ngủ” cùng hoa, nhưng thời tiết không ủng hộ khiến chị rất lo lắng.
“Những năm trước, phần lớn diện tích hoa đã bung nụ khoe sắc và được nhiều thương lái đến hỏi mua, nhưng năm nay, dù Tết đã cận kề nhưng hoa nở muộn nên chúng tôi vẫn phải tích cực ra đồng chăm sóc, kích thích hoa với hy vọng hoa nở đúng dịp để kịp phục vụ Tết” - chị Tiện nói.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Dũng (SN 1960, ở TDP Trường Sơn, phường Quảng Long) chia sẻ, thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi của vụ mùa hoa Tết. Do thời tiết năm nay thất thường, hầu hết các loại hoa nở muộn nên đòi hỏi người trồng phải tốn rất nhiều công sức, kỹ thuật để chăm sóc hoa.
“Vụ mùa Tết Nguyên đán là vụ mùa quan trọng nhất trong năm, kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào vụ này. Vì thế, chúng tôi phải miệt mài trên những ruộng hoa để chăm bón, cắt tỉa, ngắt nụ hoa, vất vả cả năm chỉ trông chờ vụ Tết, nếu hoa không nở đúng dịp thì hoa sẽ mất giá trị và dẫn đến thua lỗ” - ông Dũng giãi bày.
Qua tìm hiểu, bên cạnh yếu tố thời tiết thì việc giá vật tư nông nghiệp, nguồn giống leo thang, trong khi hoa chưa có giá thành ổn định cũng khiến người dân lo lắng hoa vụ này sẽ bấp bênh, thu lỗ.
Anh Hoàn Nam Doan (SN 1975, TDP Trường Sơn, phường Quảng Long) chia sẻ, giá hoa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao rất nhiều so với những năm trước. Đơn cử như giá hoa giống năm ngoái chỉ 300 đồng/cây nhưng năm nay đã lên đến 500 đồng/cây, chênh lệch gần gấp đôi năm ngoái. Anh Doan kỳ vọng năm nay hoa được giá cao để lấy lại vốn và có lãi để trang trải trong gia đình, sắm sửa Tết.
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Mai Văn Minh cho biết, năm nay ảnh hưởng không khí lạnh kéo dài, hoa không nở đúng vào trong dịp Tết, nguy cơ gây thiệt hại cho nông dân.
“Nhằm đảm bảo hoa nở đúng vụ, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, ngành nông nghiệp địa phương đã và đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật thúc đẩy quá trình phát triển của hoa, để hoa nở đúng thời điểm” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình thông tin.
Tết Nguyên đán cận kề, trên những cánh đồng hoa, người nông dân vẫn đang tất bật để chuẩn bị cho vụ Tết. Dù tỏ ra khá lo lắng về vụ mùa năm nay, nhưng trên khuôn mặt rám nắng của họ vẫn rạng rỡ nở nụ cười, lạc quan đùa rằng “Hoa đến thì, thì hoa phải nở!”.