Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Bình: lão nông thuần hoá thành công giống gà rừng

Bùi Biền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những con gà rừng hoang dã, sau 3 năm thuần dưỡng và nhân giống, lão nông Phạm Văn Trực ở tỉnh Quảng Bình đã gây dựng nên được một trại gà rừng thuần chủng hàng trăm con.

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi đã có dịp ghé thăm trại gà rừng của gia đình ông Phạm Văn Trực (63 tuổi, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), toạ lạc trên một ngọn đồi lớn với diện tích hàng nghìn m2, đây cũng chính là nơi mà vợ chồng ông đang sinh sống.

Gà rừng có vóc dáng đẹp, thân dài, lông sặc sỡ, có giá thành cao
Gà rừng có vóc dáng đẹp, thân dài, lông sặc sỡ, có giá thành cao

Vừa trò chuyện, vừa ném thức ăn ra sân cho gà, ông Trực cất vài tiếng gọi thì hàng chục con gà rừng trưởng thành đủ màu sắc xám, đỏ, trắng… từ trong vườn chạy đến mà không hề một chút sợ hãi người xung quanh. Nhìn đàn gà rừng đang ăn, ông Trực cười nói: “Giống gà rừng vốn có tập tính hoang dã, rất nhút nhát và sợ người nhưng nếu thuần hoá được thì nuôi cũng dễ giống như gà nhà”.

Được biết, ông Phạm Văn Trực từng làm Công an tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) hơn 10 năm, sau giải ngũ về quê và làm đủ mọi nghề để kiếm sống, nuôi các con ăn học.

Để có đàn gà rừng quý giá như hôm nay là một cơ duyên, vào tuổi xế chiều ông mới bắt đầu tìm hiểu và phát triển mô hình chăn nuôi nhằm tận dụng lợi thế đất vườn đồi rộng rãi, cũng như kiếm thêm thu nhập trang trải lúc về già.

Ông Phạm Văn Trực chăm sóc đàn cẩn thận mỗi ngày
Ông Phạm Văn Trực chăm sóc đàn cẩn thận mỗi ngày

Chia sẻ về cơ duyên đến với việc thuần hoá gà rừng, ông Phạm Văn Trực cho biết, trước đây vùng rừng núi Hoành Sơn có nhiều loài gà rừng đẹp, sinh trưởng tốt, gáy rất hay thường được dân chơi trả giá rất cao. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, bà con săn, bẫy nhiều nên tiếng gáy của gà rừng thưa dần và vắng bóng hẳn trên dãy Hoành Sơn.

Nhận thấy nuôi gà rừng thả vườn rất phù hợp với địa hình, khí hậu tại địa phương và chính ngay trên vườn nhà có đồi núi thấp và nhiều cỏ dại, là điều kiện thích hợp cho gà sinh sống. Thế là, sau nhiều lần bàn bạc với vợ, năm 2021 ông quyết định mua giống gà tự nhiên từ những thợ săn trên địa bàn về thuần hoá, nhân giống.

Gà non sau khi nở được chăm sóc riêng
Gà non sau khi nở được chăm sóc riêng

Ông Trực kể, những ngày đầu nuôi gà rừng khá vất vả bởi gà rừng vốn có tập tính hoang dã, biết bay như chim nên khi đưa về nuôi không quen dễ bị bay mất hoặc chết chỉ sau ít ngày. Không bỏ cuộc, ông vay mượn thêm vốn, tiếp tục mua gà giống về nuôi. Sau khi đúc rút được kinh nghiệm từ những lần thất bại và học hỏi kỹ thuật ở nhiều nơi, ông đã quây lưới xung quanh, trồng thêm rau xanh trong vườn để gà chủ động nguồn thức ăn, trồng cây cối để chúng đậu và ngủ trên cành như trong môi trường tự nhiên. Nhất là lúc cho ăn thường xuyên tiếp xúc, vuốt ve để gà quen dần với người.

Giống gà rừng trưởng thành chỉ nặng từ 1 - 1,2 kg, dáng cao, thân dài, chân màu chì nhỏ và có bộ lông dài sặc sỡ, thức ăn chủ yếu là các loại ngũ cốc như ngô, lúa, gạo… và các loại rau màu, côn trùng. Giống gà này có sức đề kháng cao, không cần nhiều thức ăn, khỏe, ít dịch bệnh, thịt chắc, thơm ngon. Ngoài giá trị thương phẩm, gà rừng còn làm cảnh.

Gà rừng trưởng thành, đẹp có giá từ 1 – 2 triệu đồng/con
Gà rừng trưởng thành, đẹp có giá từ 1 – 2 triệu đồng/con

“Gà rừng khi đã thuần chủng đẻ trứng rất nhiều, khả năng ấp trứng tốt, nhân giống nhanh, mỗi lứa một gà mái đẻ từ 8 - 10 trứng. Sau khi trứng nở, tôi tách gà con ra đưa đến khu vực nuôi nhốt gà con để tiện theo dõi, chăm sóc đến khi mọc đuôi tôm, cứng cáp mới đưa trở lại vườn. Mỗi lứa, nuôi từ 10 - 12 tháng, gà có thể xuất bán”, ông Phạm Văn Trực nói.

Sau hơn 3 năm thuần hoá, đàn gà rừng của gia đình ông đã lên đến 250 con. Hiện, trại gà ông chỉ bán gà trưởng thành để nhân giống hoặc làm cảnh, với giá thành dao động từ 1 – 2 triệu đồng/con. Ngoài nuôi gà, ông còn mạnh dạn vay mượn thêm tiền đầu tư nuôi 4 con hươu sao, 10 con dê và 30 con lợn. Ước tính thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

Ngoài nuôi gà rừng, ông Phạm Văn Trực còn nuôi thêm hươu sao
Ngoài nuôi gà rừng, ông Phạm Văn Trực còn nuôi thêm hươu sao

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp Bùi Hải Lưu cho biết, mô hình chăn nuôi gà, heo, hươu của hộ gia đình ông Phạm Văn Trực là điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế tại địa phương. Đến thời điểm này, có thể đánh giá mô hình đã bước đầu thành công và mang lại hiệu quả cao. Chính quyền địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện để bà con học tập, nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.