Làng Phú Lộc, xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nổi tiếng với nghề làm muối thủ công tryền thống. Trải qua bao thăng trầm, Phú Lộc là địa phương duy nhất của tỉnh Quảng Bình hiện vẫn còn mặn mà với nghề muối.
Điểm khác biệt của diêm dân Phú Lộc với các vùng khác là thay vì dùng nước biển làm muối thì người dân nơi đây lại dùng nước từ cửa sông Loan (con sông bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn đổ ra biển), muối Phú Lộc chứa nhiều khoáng chất, độ mặn vừa phải, không có vị chát.
Cánh đồng muối Phú Lộc có diện tích khoảng 72ha, với trên 260 hộ dân đang sản xuất, sản lượng mỗi năm ước tính đạt khoảng 5.000 - 7.000 tấn cung ứng ra thị trường.
Vụ muối thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm, công việc này chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, nắng càng gắt thì hạt muối làm ra đẹp, mặn và trắng. Với diêm dân, họ thích nhất là trời nắng gắt và sợ những trận mưa rào bất chợt...
Trên cánh đồng muối giữa những ngày tháng 6, dưới cái nắng như thiêu da đốt thịt của miền Trung, hàng trăm diêm dân Phú Lộc vẫn cần mẫn, phơi mình làm việc.
Từ sáng sớm, diêm dân dẫn nước trực tiếp từ sông Loan, sau đó tháo xuống 5 - 6 ô ruộng ban đầu, dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời lượng nước trong nước biển bốc hơi. Diêm dân tưới nước mặn đã được lọc từ bể vào sân phơi để kết tinh muối.
Khi muối kết tủa, diêm dân sẽ dùng dụng cụ “cào bằng” để tập trung muối lại trên mỗi ô ruộng rồi dùng xe thu gom, đóng gói, bán ra thị trường.
Sau khi thu hoạch muối xong, diêm dân sẽ dùng cào vệ sinh những tạp chất còn dính lại trên ruộng, rồi đổ nước mới vào và chờ đến khi nắng gắt, muối kết tinh lại thu hoạch mẻ mới. Quy trình cứ thế lặp đi lặp lại để tạo ra những hạt muối tinh khiết.
Để làm ra được hạt muối tưởng chừng đơn giản, song đó là cả một quá trình kỳ công, thấm đẫm mồ hôi lẫn nước mắt của diêm dân, nếu gặp những cơn mưa trái mùa xem như bao công sức đều bị cuốn trôi hết.
Vất vả là vậy, nhưng nghề làm muối lại có thu nhập khá bấp bênh, phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết và giá cả thị trường. Sự xuất hiện của nhiều loại gia vị phụ gia khác trên thị trường khiến nghề làm muối và sản phẩm muối cứ thế lao đao.
Ngày nay, cảnh thường gặp trên cánh đồng muối Phú Lộc là những người lớn tuổi, cặm cụi với từng công đoạn để làm ra hạt muối. Hầu hết người trẻ đều lựa chọn công việc nhẹ nhàng, ổn định và thu nhập cao ở thành thị.
Diêm dân Phạm Ngọc Chính (thôn Phú Lộc, xã Quảng Phú) cho biết, gia đình ông sống nhờ vào ruộng muối hơn 1000m2, những ngày nắng gắt thu được hơn 1 tấn muối khô, cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng. “Đặc thù nghề muối là trời nắng làm, trời mát nghỉ vì nắng càng to sản lượng muối thu về càng nhiều. Nghề làm muối tuy vất vả, mệt nhọc nhưng đã gắn bó và nuôi sống gia đình qua bao thế hệ nên không bỏ được”, ông Chính nói.
Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Nguyễn Ngọc Minh cho biết: “Nghề làm muối là nghề truyền thống của địa phương có từ lâu đời, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính quyền địa phương đã và đang nổ lực để kiến thiết lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là nghề muối, góp phần xây dựng thương hiệu, chất lượng muối Phú Lộc và tạo thu nhập ổn định cho người dân.”