Ghi nhận của phóng viên, tại huyện Quảng Trạch hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ đã được bà con ngư dân nhanh chóng đưa về nơi neo đậu, kéo lên vị trí cao để tránh trường hợp sóng lớn do bão số 4 gây thiệt hại.
Sau khi đưa tàu thuyền về đúng vị trí neo đậu, ngư dân gia cố lại các đệm chống va (bằng lốp xe) treo ở mạn tàu và tiến hành nối nhiều tàu thuyền với nhau góp phần hạn chế thiệt hại do phương tiện va đập, sóng đánh chìm tại bến.
Với những chiếc tàu công suất nhỏ, thuyền thúng, ngư dân đang tập trung phủ bạt, che chắn lốc máy và tháo toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng, thu dọn ngư cụ để giảm thiểu thiệt hại.
Chiều muộn ngày 18/9, tại vị trí neo đậu tránh trú bão, các ngư dân vẫn đang hối hả chằng buộc, gia cố lại tàu thuyền và di chuyển ngư cụ, thiết bị điện tử lên bờ.
Ngư dân Nguyễn Văn Hùng, chủ tàu cá QB33640 TS cho biết: “Sau khi nhận thông báo, tôi cùng các anh em trên tàu di chuyển về cửa sông Loan tránh trú, hiện tại đang hỗ trợ nhau chằng, buộc, kiểm tra tàu”.
Còn ngư dân Võ Công Nguyên, chủ tàu cá QB83017 TS cũng cho biết: “chiếc thuyền là tài sản lớn nhất của ngư dân nên khi có mưa bão phải che chắn, chằng buộc cẩn thận để tránh thiệt hại không đáng có”.
Ngoài việc neo giữ, nhiều ngư dân cũng tranh thủ thời gian nghỉ ngơi tránh trú bão để tu sửa tàu thuyền, ngư lưới cụ để vươn khơi khi thời tiết thuận lợi.
Các tàu thuyền được neo đậu tại bến an toàn.
Để chủ động ứng phó với bão số 4, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cấm biển bắt đầu từ 0giờ ngày 19/9 cho đến khi biển an toàn, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn toàn tỉnh có 7.313 phương tiện/18.979 lao động. Neo đậu tại bến là 7.309 phương tiện. Đến 15 giờ 00 ngày 18/9 còn 04 phương tiện/24 lao động hoạt động trên vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ đang di chuyển vào bờ.