Kinhtedothi - Sáng 30/4, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ năm 2022, đây là hoạt động chính trong Tuần Văn hóa du lịch Đồng Hới. Dịp này, Lễ hội cũng đã đón bằng công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, được tổ chức nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, rèn luyện bản thân. Với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; thi thố sức trai, sức gái để chuẩn bị vật lộn với mùa mưa bão, chế ngự thiên nhiên.Ngày nay, lễ hội được tổ chức hàng năm vào dịp 30/4, ngày Giải phóng miền Nam Thống nhất đất nước, kỷ niệm dấu mốc vàng son của dân tộc. Lễ hội là nét văn hóa đặc sắc của ngư dân các địa phương ở ven sông và biển Nhật Lệ, bắt nguồn từ hội bơi trải “Lục niên cạnh độ” (6 năm tổ chức 1 lần).Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thông qua lễ hội, nhằm quảng bá, giới thiệu đến người dân và du khách những nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của ngư dân miền biển Quảng Bình. Đây cũng là năm sự kiện này được tổ chức lại, sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.Tham dự giải đua thuyền năm nay có 8 đội thi đấu gồm: Xã Bảo Ninh 4 thuyền, xã Quang Phú 1 thuyền, phường Hải Thành 1 thuyền, phường Phú Hải 1 thuyền, phường Đồng Hải 1 thuyền. Mỗi thuyền có 23 vận động viên, tương đương với gần 200 người thi đua chèo lái sôi nổi trên sông Nhật Lệ.Cuộc đua diễn ra một lần với cự ly đường đua dài 12,5km. Các thuyền thi đấu 2 vòng đua, điểm xuất phát gióng ngang từ cảng cá Nhật Lệ sang thôn Hà Dương (xã Bảo Ninh), cách 500m về phía thượng nguồn. Khi có hiệu lệnh xuất phát, 8 thuyền đua di chuyển về phía hạ nguồn và quay vòng tại điểm gióng ngang ở công viên Đồng Hải. Rồi tiếp tục quay về tiêu thượng nguồn lặp lại vòng thứ 2 như vòng thứ nhất và về đích trước tượng đài Mẹ Suốt…Từ sáng sớm, hàng nghìn người dân và du khách đã tụ tập dọc hai bên bờ Nhật Lệ xem đua thuyền. Tiếng reo hò, cỗ vũ các đội đua khiến cho không khí trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Ban Tổ chức đã bố trí lực lượng y tế, công an, quân sự… phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cuộc đua, chăm sóc sức khỏe cho các vận động viên, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.Lần đầu tham dự vào lực lượng cứu hộ, anh Phạm Thế Lợi, Đội Quy tắc và Trật tự TP Đồng Hới cho biết, đây là lần đầu anh tham gia vào công tác cứu hộ cứu nạn tại giải đua, nhiệm vụ của anh là thường xuyên quan sát các đội đua để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. “Được tham gia vào lực lượng này, tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi đóng góp một phần nào đó cho giải đấu thành công tốt đẹp” - anh Phạm Thế Lợi cười nói.Dịp này, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ lần đầu được phát sóng trực tiếp tại địa phương. Giúp cho người dân và du khách có thể theo dõi những màn đua đầy kịch tích trên truyền hình.Sau hơn 1 giờ tranh đua quyết liệt, đội đua thôn Đồng Dương đã vinh dự đoạt giải nhất; đứng sau là đội đua phường Hải Thành; giải Ba thuộc về đội đến từ thôn Trung Bính (xã Bảo Ninh). Háo hức khi là đội đạt giải nhất, anh Phạm Văn Lý, Đội trưởng đội đua thôn Đồng Dương chia sẻ: Chúng tôi rất đỗi vui sướng và tự hào, đây là lần đầu tiên trong lịch sử tham gia giải đấu, thôn chúng tôi về nhất cuộc đua. Mặc dù thời gian luyện tập khoảng được 1 tuần, nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức mình, cống hiến những màn tranh tài đặc sắc đến khản giả.Kết thúc cuộc thi, đội chiến thắng thì hân hoan ca hát, hò reo, đội thua thì xuýt xoa tiếc nuối và quyết tâm sẽ chiến thắng vào lễ hội năm sau. Ban tổ chức tiến hành trao giải thưởng cho các đội, khép lại Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ năm 2022.Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND TP Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan cho biết: "Lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ là một nét văn hóa đặc sắc mang tính xu hướng của ngư dân miền biển. Chúng tôi vinh dự khi lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy nhằm đưa lễ hội này vào sự phát triển kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy du lịch địa phương".
Kinhtedothi- Lễ đua thuyền là một trong những nội dung quan trọng của Lễ cầu mùa với mong muốn mưa thuận gió hòa, trời êm biển lặng, tôm cá đầy khoang.
Kinhtedothi - Dịp nghỉ lễ ngày 30/4-1/5, tại Quảng Bình sẽ diện ra nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc vùng miền, hứa hẹn mang lại trải nghiệm mới lạ, đặc biệt đến du khách trong nước, quốc tế.
Kinhtedothi - Sau hơn 30 năm hoạt động, không gian chợ Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) dần trở nên chật chội, xuống cấp. TP Hà Nội đã lên kế hoạch cải tạo toàn diện chợ Long Biên, nhằm tạo ra không gian thương mại hiện đại nhưng vẫn giữ gìn giá trị truyền thống.
Kinhtedothi - Dự án xây dựng đập dâng tại các vị trí trên sông Tô Lịch đang được triển khai với mục tiêu cải thiện dòng chảy, giữ nước và giảm ô nhiễm.
Kinhtedothi - Dự án đường Lê Quang Đạo kéo dài nối quận Nam Từ Liêm với Hà Đông (Hà Nội) đang thi công hoàn thiện những hạng mục cuối cùng, sẵn sàng thông xe toàn tuyến vào tháng 5.
Kinhtedothi - Hơn 1.000 học sinh, sinh viên cùng các đại biểu tham gia sự kiện đi bộ vì môi trường tại Trường Đại học Lâm nghiệp (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tạo nên hành trình 3km đầy cảm hứng, kết nối cá nhân với những mục tiêu lớn của xã hội và nhân loại.
Kinhtedothi - Những góc phố Hà Nội thân quen với nhiều cung đường, những hàng cây xanh bắt đầu chuyển sang sắc đỏ, vàng đặc trưng. Thủ đô Hà Nội mùa thay lá đẹp đến nao lòng.