Quảng Bình: Thiệt hại lớn quá, khó khắc phục

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hai trận lũ liên tiếp khiến Quảng Bình thiệt hại tới 2.400 tỉ đồng, 53 người chết và hàng loạt tuyến đường, công trình, cơ sở hạ tầng hư hại, nhưng công tác khắc phục chậm chạp vì đợt lũ mới và nguy cơ đối đầu với siêu bão Megi vẫn còn treo lơ lửng.

KTĐT - Hai trận lũ liên tiếp khiến Quảng Bình thiệt hại tới 2.400 tỉ đồng, 53 người chết và hàng loạt tuyến đường, công trình, cơ sở hạ tầng hư hại, nhưng công tác khắc phục chậm chạp vì đợt lũ mới và nguy cơ đối đầu với siêu bão Megi vẫn còn treo lơ lửng.

Đường sá tan hoang

Đến chiều 19.10, mặc dù đã nỗ lực thông tuyến hai tuyến huyết mạch là QL1A và đường Hồ Chí Minh, song hậu quả của hai trận lũ liên tiếp vẫn còn quá nặng nề với hệ thống đường sá Quảng Bình. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông, có tới gần 20 điểm sạt lở lớn nhỏ. Có nơi, một góc quả núi bị sụt xuống, chắn ngang đường khiến các phương tiện xúc, ủi phải mất cả ngày trời mới thông tuyến. Theo quan sát của PV, do thời gian và vật lực hạn hẹp nên hầu hết các điểm sạt lở đều chỉ được giải phóng đủ một làn xe đi, nguy cơ tắc trở lại là rất cao trong điều kiện mưa lớn kéo dài suốt từ đêm 18 đến chiều 19.10. Đường Hồ Chí Minh nhánh tây cũng bị sạt lở, xói mòn trầm trọng, khiến giao thông lên với các xã miền ngược với hàng vạn người dân Arem, Sách, Mày... gặp khó khăn.

QL12A, tuyến đường huyết mạch nối từ QL1A lên các huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa và Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bị hư hỏng nặng. Trên đoạn từ ngã ba Khe Ve lên Cha Lo, có 4-5 điểm xói mòn do nước ăn vào lòng đường, có đoạn một nửa đường đã bị xói. Chưa hết, trận lũ mới ngày 17.10 khiến đoạn nối giữa thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) với Quy Đạt (Minh Hóa) xuất hiện một vết lún, nứt dài hàng chục mét ngay giữa tim đường. Ngành giao thông đã đặt cảnh báo tạm ở đoạn đường này, song e rằng nếu mưa lớn tiếp tục làm nền đất yếu đi, cả khúc đường có thể tiếp tục bị lún sâu, giao thông bị chia cắt. Đường Hồ Chí Minh hễ mưa là ngập sâu đoạn qua thôn Phú Nhiêu, nên nếu QL12A gặp sự cố, coi như hai huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa cô lập hoàn toàn trong lũ.

Hàng trăm tuyến đường xương cá liên huyện, xã, thôn khác cũng bị hư hại nặng, đến nay vẫn còn nhiều nơi bị cô lập vì ngập, trôi đường. Suốt 15 ngày nay, tuyến đường vào các bản của người Rục ở Minh Hóa là Yên Hợp, Ón và Mò Ô Ồ Ồ vẫn chưa thông, mọi thông tin về người Rục trong lũ vẫn chưa hề được báo ra, chỉ có điều duy nhất khiến Quảng Bình có thể yên tâm là trước mưa lũ, Đồn biên phòng ở Rục đã tích trữ 30 tấn gạo để sẵn sàng cứu dân. Tại xã Cao Quảng (Tuyên Hóa), tuyến đường vào xã sau hơn 10 ngày bị hỏng vừa được khắc phục sơ để tăngbo hàng cứu trợ, nay đã bị chia cắt trở lại sau trận lũ vừa qua. Đường sát hư hại không chỉ gây thiệt hại cho ngành giao thông, mà còn khiến giao thông đình trệ, công tác cứu trợ, cứu nạn và khắc phục hậu quả lũ lụt khó khăn gấp bội.

Lũ chồng, siêu bão “vờn” ngoài khơi

Chiều 19.10, ông Nguyễn Xuân Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban PCLB tỉnh Quảng Bình - cho biết: “Hai trận lũ đến cấp tập thực sự khiến người dân Quảng Bình khốn đốn. Trận sau, do đã có kinh nghiệm hơn nên chúng tôi đã cử hơn 500 cán bộ, chiến sĩ bộ đội về cắm chốt ở các vùng xung yếu cùng với hàng chục canô sẵn sàng di dân lúc cần, đồng thời đưa hàng cứu trợ đến sớm cho dân phòng khi lũ kép ập đến. Công tác kêu gọi tàu thuyền cũng được tiến hành liên tục nên hiện nay, tất cả tàu thuyền đều vào bờ”.

Từ đêm 18.10, mưa lớn trở lại khiến hơn 40 xã lại ngập trong nước, với khoảng 50.000 hộ dân bị ngập. Nước ứ sẵn trong lòng đất, rút chậm nên hế mưa to trở lại là nước lại dâng lên khiến nỗ lực khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống của người dân bị thách thức. Đến nay, trận lũ mới đã khiến 7 người ở Quảng Bình bị chết, thiệt hại lên tới gần 500 tỉ đồng. Qua hai trận lũ liên tiếp, Quảng Bình đã chết 53 người, mất tích 16 người, thiệt hại kinh tế tổng cộng gần 2.400 tỉ đồng - một con số vượt quá khả năng tiên lượng của những người bi quan nhất trước khi mưa lũ ập tới.

 “Hiện tỉnh đã cố gắng hết sức, huy động mọi lực lượng - đặc biệt là quân đội, vào ăn ở với dân ở các vùng xung yếu như Tân Hóa, Minh Hóa... để giúp dân dựng lại nhà cửa và di dân nếu lũ, bão đến. Hàng nghìn tấn gạo, mỳ tôm được chúng tôi khẩn trương phát về dân, không để họ đói rét khi nước lũ vẫn lên xuống thất thường. Hiện tình hình đang trong khả năng kiểm soát trước mắt. Nhưng để vượt qua cơn lũ này, tỉnh Quảng Bình cần sự giúp đỡ của trung ương và toàn thể xã hội” - ông Quang cho biết.

Hơn 1 triệu USD giúp đồng bào miền Trung

Chiều 19.10, Hội Chữ thập Đỏ VN và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế ra lời kêu gọi quốc tế khẩn cấp giúp đỡ đồng bào miền Trung, nhằm huy động 1,08 triệu USD giúp đỡ 28.500 hộ dân bị ảnh hưởng của lũ lụt. Tập trung vào các nhu yếu phẩm: Lương thực; thùng hàng gia đình; nước sạch; phân bón, lúa giống; hỗ trợ tâm lý. Ngay chiều 19.10, Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc đã ủng hộ 50.000 USD. Tính đến 2h chiều ngày 19.10, đã có hơn 100.000 tin nhắn ủng hộ đồng bào miền Trung thông qua Cổng thông tin nhân đạo 1405. Nhiều đơn vị, cá nhân ủng hộ thông qua TƯ Hội Chữ thập Đỏ VN với số tiền hơn 6 tỉ đồng. Hội Chữ thập Đỏ VN đã hỗ trợ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An 250 triệu đồng và hàng nghìn thùng hàng gia đình...    Q.D

Hàng trăm ngàn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn

Theo tổng hợp của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tại 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh đã có hơn 1.200 trâu bò, 22.000 con lợn và 600.000 gia cầm bị chết, thiệt hại khoảng hơn 130 tỉ đồng. Đáng lo ngại là tình trạng nước ngập trắng đồng khiến thiếu trầm trọng thức ăn cho đàn trâu bò và hiện chưa có biện pháp khắc phục. Trong khi đó, Hà Tĩnh cũng mới báo đã xuất hiện dịch tai xanh và nguy cơ bùng phát dịch tại các tỉnh sau lũ là rất lớn.   D.Hà

Quảng Bình: Hơn 99% phụ tải đã được khôi phục cấp điện

Cho đến 15h chiều ngày 19.10, hơn 99% phụ tải của tỉnh Quảng Bình đã được khôi phục cấp điện. Một số khu vực vẫn còn ngập trong nước, không đảm bảo an toàn cho người và thiết bị nên chưa cấp điện trở lại, như: Đường dây (ĐD) 971/TTG Quảng Lộc và 2 trạm biến áp (TBA) phụ tải do ngập nước phần hạ thế, mất điện một phần xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch; ĐD 971/TTG Đồng Lê sau vị trí M351 do tại vị trí M423 của ĐD không đảm bảo an toàn nhưng người dân không cho chặt cây, hiện còn mất điện 9 TBA phụ tải thuộc xã Thanh Hóa, Thanh Thạch - huyện Tuyên Hóa; ĐD 472/TTG Quy Đạt sau vị trí M520 do vị trí M521 bị sạt lở, mất điện 2 TBA Cửa khẩu Cha Lo và Khu kinh tế cửa khẩu huyện Minh Hóa. Ước tính, thiệt hại về tài sản khoảng 0,8 tỉ đồng và sản lượng điện không cung cấp được khoảng 1,2 triệu kWh.    H.Q

Vietnam Airlines huỷ các chuyến bay đến miền Trung

Ngày  19.10, Vietnam Airlines đã hủy 4 chuyến bay nội địa đến/đi từ sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và bố trí chuyển các hành khách bị ảnh hưởng qua Huế. Cũng trong ngày 19.10, do thời tiết tại Vinh tốt lên và đảm bảo điều kiện khai thác, tính đến 16h, ngoài các chuyến bay thường lệ đến/ đi từ Vinh, Vietnam Airlines đã thực hiện được 2 chuyến bay bù bằng tàu bay A321 từ Vinh đi TPHCM. Vietnam Airlines khuyến nghị hành khách chủ động theo dõi thông tin trên website www.vietnamairlines.com, các phương tiện thông tin đại chúng hoặc liên hệ các phòng vé của Vietnam Airlines để biết thêm thông tin chi tiết. Số điện thoại liên hệ: Hà Nội: 04. 38 320 320; TPHCM: 08.38 320 320; Đà Nẵng: 0511.3832320.    Bích Liên

Thừa Thiên – Huế: Thành lập lực lượng cứu hộ, cứu nạn dân quân xung kích PCLB

Để chuẩn bị đối phó với cơn bão Megi và PCLB, Ban Chỉ huy quân sự TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã ra mắt Lực lượng dân quân xung kích cứu hộ khẩn cấp trong phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCBL và TKCN). Theo đó, lực lượng dân quân xung kích PCBL và TKCN được thành lập với 137 thành viên, được lựa chọn từ lực lượng dân quân cơ động của thành phố và các phường thuộc TP.Huế có sức khoẻ tốt, có kỹ năng bơi lội giỏi và hiểu biết về cứu hộ, cứu nạn.     H.V.M

Quảng Nam: 1 người chết do lũ cuốn

Mưa lớn trên diện rộng liên tục những ngày qua khiến nhiều vùng miền núi xảy ra lũ quét, sạt lở, nhiều tuyến đường giao thông vùng núi đến ngày 19.10 vẫn bị ách tắc. Tại dốc Kiền trên tuyến ĐT604 nối từ TP.Đà Nẵng lên huyện núi Đông Giang, hơn 200m đường bị sạt lở, ách tắc giao thông và tiếp tục có nguy cơ sạt lở đất đá núi. Tại huyện núi Tây Giang, nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã biên giới Axan, Tr’hy, Gary và Ch’Ơm bị sạt lở nặng, nhiều đoạn bị cô lập, hiện chính quyền địa phương đang khẩn trương khắc phục. Ông Hiên Bíp (45 tuổi, người dân tộc Ve, ở xã Đắc P’ree, huyện núi Nam Giang) lúc 18h chiều 18.10 khi đang lội qua sông Chà Cóp thì bị lũ bất ngờ dâng cao cuốn trôi.     T.T.Thư