Kéo điện từ nhà điều hành làng
Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của cư dân tại làng TNLN Quảng Châu về tình trạng sau nhiều năm định cư, họ vẫn chưa được sử dụng mạng lưới đấu nối theo quy chuẩn cũng như giá điện sinh hoạt mà phải “bất đắc dĩ” dùng điện theo giá của đơn vị hành chính, sự nghiệp. Hằng tháng, các hộ dân phải chi trả tiền mà không có bất cứ một hóa đơn, chứng từ nào...
Qua tìm hiểu, làng TNLN Quảng Châu được thành lập từ năm 2015, trên diện tích 181ha, tai xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch). Theo quy hoạch ban đầu, làng sẽ thu hút khoảng 100 hộ thanh niên của huyện Quảng Trạch và các vùng lân cận vào định cư, lập nghiệp. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh còn lại 80 hộ thanh niên được tuyển chọn vào làng. Hiện, làng có 60 hộ dân đã sinh sống ổn định, 20 hộ đang tiến hành xây dựng nhà cửa, chuồng trại.
Khi vào làng sinh sống, lập nghiệp, mỗi gia đình đội viên sẽ được cấp 200m2 đất ở, 1500 - 3000m2 đất vườn và 1,5ha đất sản xuất để phát triển kinh tế. Ngoài ra, các hộ này còn được hỗ trợ 20 - 22 triệu đồng làm nhà ở, một giếng khoan để lấy nước sinh hoạt và phục vụ tưới cây.
Anh Phạm Trượng (SN 1986, trú xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch) cho biết, gia đình anh là một trong những hộ tiên phong chuyển lên sinh sống tại làng.
“Từ khi lập làng đến nay, tất cả những hộ dân đều sử dụng nguồn điện được kéo từ nhà điều hành. Với cương vị xóm trưởng, tôi thường xuyên nhận được phản ánh về tình trạng giá điện hiện đang tính cho các hộ dân là cao quá, đồng thời khi thu tiền lại không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh họ đã nộp”, anh Trượng cho hay.
Ông Nguyễn Cảnh (SN 1970, trú xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch) cho rằng: “Chúng tôi dùng điện thì trả tiền nhưng giá phải phù hợp, khi thu có hóa đơn, chứng từ để sau này nếu có sai sót còn có mà đối chiếu ...”.
Trao đổi về vấn đề này, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP tỉnh Quảng Bình Hồ Đức Phong thừa nhận, do ngành điện chưa nhận bàn giao hệ thống lưới điện của dự án để vận hành nên đến thời điểm hiện tại đơn vị đang phải tạo điều kiện để người dân sử dụng nguồn điện tại nhà điều hành.
“Điện mà người dân trong làng đang sử dụng là nguồn điện được tính giá dựa theo công tơ của nhà điều hành (đơn vị sử dụng điện theo khối hành chính, sự nghiệp). Hằng tháng, Công ty Điện lực sẽ gửi hóa đơn thu tiền về, đơn vị sẽ trực tiếp chi trả. Sau đó sẽ cử người đến kiểm tra số điện hiện trên Công tơ tại mỗi hộ dân rồi nhân lên với giá quy định để thu. Do đơn vị không có chức năng mua bán điện nên không thể xuất hóa đơn, chứng từ cho người dân được. Còn trong quá trình sử dụng, nếu xẩy ra hao phí thì đơn vị sẽ đứng ra chi trả” ông Hồ Đức Phong cho biết.
Được biết, hiện người dân làng TNLN Quảng Châu đang sử dụng điện được tính theo mức giá của đơn vị hành chính, sự nghiệp (mục đích sử dụng điện chiếu sáng) với đơn giá đồng mức 1.902 đồng/kWh. So với việc sử dụng điện sinh hoạt được tính theo bậc, nhiều hộ gia đình trong làng mặc dù ít sử dụng nhưng vẫn phải chi trả đồng mức gây ảnh hưởng đến kinh tế của người dân. Ngoài ra, do không phải là khách hàng trực tiếp của Điện lực nên một vài quyền lợi của người dân cũng không được đảm bảo.
Hành trình hoà lưới điện
Dự án làng TNLN Quảng Châu do Tỉnh đoàn Quảng Bình làm chủ đầu tư, được Ban Bí thư Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh phê duyệt tại Quyết định số 651/QĐ – TWĐTN, ngày 20/10/2014, với tổng mức đầu tư trên 53 tỷ đồng, trong đó có hạng mục xây dựng đường dây trung thế 22KV và hạ thế 0,4KV.
Ông Hồ Đức Phong, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2020, BCH tỉnh đoàn Quảng Bình đã có văn bản gửi Công ty Điện lực Quảng Bình, Điện lực Quảng Trạch đề nghị thực hiện việc mua bán điện tại dự án làng TNLN Quảng Châu dựa trên cơ sở lưới điện của dự án đã thi công hoàn thành trong khi chờ phê duyệt quyết toán. Tuy nhiên, vì một vài lý do nên đến thời điểm hiện tại hệ thống lưới điện vẫn chưa được bàn giao.
Cũng theo ông Hồ Đức Phong, trong thời gian chưa bàn giao, hệ thống lưới điện tại dự án vẫn là tài sản thuộc đơn vị quản lý dù không có trình độ chuyên môn, hư hỏng đơn vị phải thuê Điện lực sửa chữa, hao phí, tổn phí đơn vị hoàn toàn chi trả. Ngoài ra, nhân sự làm việc tại Tổng đội còn đảm đương thêm nhiệm vụ phát quang để đảm bảo an toàn hệ thống điện theo sự chỉ đạo, phối hợp của bên Điện lực.
“Mới đây, dự án đã quyết toán xong, Tỉnh đoàn Quảng Bình đã có văn bản bàn giao cho Tổng đội quản lý. Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục làm văn bản đề nghị Điện lực tiếp nhận bàn giao hoặc nếu không, chúng tôi sẽ cho họ dùng lưới điện để bán lẻ cho người dân. Chúng tôi mong sớm bàn giao ngày nào, tốt ngày ấy.” ông Phong nói.
Qua trao đổi, Giám đốc Điện lực Quảng Trạch Nguyễn Đức Thuận cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm bàn giao dự án do vướng mắc trong quá trình thực hiện theo Quyết định 41/2017/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý.
“Trong thời gian hoàn thiện thủ tục bàn giao theo quy định, chúng tôi sẽ lên phương án mượn tạm hệ thống lưới điện của dự án để bán lẻ cho người dân khi Tổng đội TNXP có yêu cầu.” ông Nguyễn Đức Thuận nói.
Người dân làng TNLN Quảng Châu đang hằng ngày mong được sử dụng hệ thống điện an toàn, đúng quy định, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống trên vùng đất mới. Thiết nghĩ, các đơn vị, ngành chức năng cần có giải pháp giúp các hộ dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống để phát triển kinh tế.