Quảng Bình: Vườn thực vật, nơi “ươm rừng” giữa lòng “miền di sản”

Bùi Biền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm lọt giữa lòng Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), vườn thực vật như một khu rừng thu nhỏ với cảnh sắc hoang sơ, hùng vĩ, là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển nhiều loài cây quý hiếm.

Từ Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng di chuyển theo tuyến đường 20 Quyết Thắng, qua những tán cây rừng rợp bóng mát khoảng chừng 10km, khu vườn thực vật hiện hữu như một bức tranh thu nhỏ của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Du khách quốc tế đến tham quan vườn thực vật.
Du khách quốc tế đến tham quan vườn thực vật.

Nói là vườn, nhưng cảm nhận đây như một “khu rừng nguyên sinh” hoang sơ và hùng vĩ, gần gũi và thân thiện. Với diện tích trên 41ha, vườn thực vật có các hệ sinh thái rừng tự nhiên, bán tự nhiên và hệ thống sông suối đa dạng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp...

Nơi đây hiện đang lưu giữ và bảo tồn hàng trăm loài thực vật, nhiều cây bản địa quý mang đặc trưng của rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, như: huê, lim xanh, bách xanh đá, dổi… hay nhiều loại cây có giá trị dược liệu cao như: lá khôi, bò khai, chè dây, dạ cổ lam.. đã tạo nên một khu rừng thu nhỏ với đầy đủ chủng loại, góp phần vào đa dạng sinh học đang ngày càng hao hụt.

Để có một khu vườn với hệ sinh thái đa dạng và phong phú, ngoài công tác bảo tồn và lưu giữ, vườn thực vật Phong Nha - Kẻ Bàng còn có nhiệm vụ chính là nơi nghiên cứu, thu gom và nhân giống nhiều giống loài cây bản địa, cây dược liệu quý, hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Đó là công việc hằng ngày của các cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Công việc nhân giống bảo tồn các loài cây bản địa quý hiếm ở vùng di sản tưởng chừng như đơn giản nhưng vất vả, khó khăn và đầy rẫy nguy hiểm. Để lấy được các giống cây về, các thành viên của vườn thực vật phải bám rừng suốt nhiều năm ròng rã.

Là người lăn lộn trong những cánh rừng để tìm kiếm các giống cây bản địa quý hiếm đã hơn 10 năm nay, anh Lê Thuận Kiên - Trưởng bộ phận nghiên cứu Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng luôn cảm thấy tự hào khi là một trong những thành viên gạo cội của “biệt đội” cứu hộ, bảo tồn hàng trăm giống cây quý.

Anh Lê Thuận Kiên cho biết, công việc tìm kiếm, bảo tồn và cứu hộ các loài thực vật quý hiếm đòi hỏi phải có tính kiên trì, miệt mài và chịu khó. Ví như loại cây bách xanh đá - là thực vật quý, có giá trị đặc hữu và nguy cơ tuyệt chủng cao luôn “mọc rễ” cheo leo trên những dãy núi đá vôi, ẩn hiện giữa mây trời. Để đến được đây, các thành viên phải trèo lên những mỏm đá tai mèo sắc lẹm, những thân cây mục trơn trượt cả ngày trời, chực chờ đối diện với hiểm nguy.

Cũng theo anh Lê Thuận Kiên, hiện vườn thực vật đang bảo tồn các loài giống cây bằng 2 phương pháp chính là giâm hom và vật hậu học. Khó khăn lớn nhất là nhiều loài cây có chu kỳ sinh trưởng không ổn định, có khi năm này ra hoa kết quả, năm sau lại không. Vì vậy mất nhiều thời gian để theo dõi, lấy mẫu, hạt giống, cá biệt có nhiều loại mất tới vài năm mới cho ra thành quả.

Anh Lê Thuận Kiên bê các loài thực vật quý, hiếm đang được vườn lưu giữ và bảo tồn.
Anh Lê Thuận Kiên bê các loài thực vật quý, hiếm đang được vườn lưu giữ và bảo tồn.

Ông Trần Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, trong 10 năm qua, vườn thực vật đã nhân giống và sản xuất được 60.000 cây giống bản địa thuộc 124 loài để phục vụ công tác bảo tồn thực vật, công tác trồng rừng tạo cảnh quan cho rừng di sản.

“Việc nhân giống thành công các loài cây bản địa kể trên đã mở ra triển vọng mới trong công tác bảo tồn nguồn gen các giống cây quý hiếm ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và là động lực để động viên, thúc đẩy các cán bộ tiếp tục nghiên cứu để nhân giống thành công các loài cây quý hiếm khác”, ông Trần Ngọc Anh cho biết.