70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng cáo nhà đất ồ ạt xuống phố

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời buổi "người khôn của khó", hình thức treo banner quảng cáo vẫn được xem là cách tiếp cận khách hàng dễ dàng nhất của dân môi giới bất động sản (BĐS).

Bắt sóng được thị trường có dấu hiệu “vào guồng”, áp phích quảng cáo lại ồ ạt xuống phố, nhắm vào những vị trí dễ lọt vào tầm mắt người đi đường.

Banner quảng cáo bất động sản treo trên cây phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy,

ảnh chụp ngày 12/4.      Ảnh: Phạm Hùng

Bất chấp thông tin từ ngày 5/5 tới, hành vi treo quảng cáo trên cột điện, cây xanh sẽ bị phạt hành chính lên đến 10 triệu đồng, nhiều “cò” vẫn thể hiện thái độ “không nao núng”. “Năm nào cũng “dọa” phạt mức nọ, mức kia nhưng đâu lại vào đấy. Còn làm BĐS thì còn phải dùng tới chiêu tiếp thị “rẻ, tiện, hiệu quả” này” - “cò” T. thuộc sàn Phú Tài Land khẳng định.
Treo, dán khắp nơi
Khảo sát một số sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội ngày 11/4, phóng viên nhận thấy hầu hết các nhân viên môi giới ít quan tâm tới mức phạt hành chính tăng lên gấp 5 lần nếu treo băng rôn quảng cáo sai quy định. Một nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm bán BĐS tại sàn giao dịch Phú Tài Land chia sẻ, trưởng nhóm vẫn yêu cầu anh em đi cập nhật thông tin dự án bằng hình thức treo, dán băng rôn. Thậm chí, nhiều công ty BĐS khác còn lên nội dung quảng cáo đồng bộ, in màu số lượng lớn rồi phân công hàng trăm nhân viên tản đi treo khắp ngõ, ngách.
Bắt đầu vào cuộc chạy đua tăng tốc quý II, số lượng banner quảng cáo địa ốc với nhiều kích cỡ, mang tính tự phát, chưa chấp hành các quy định của pháp luật đang "tấn công" mọi nẻo đường Hà Nội. Tại các phố như Trần Thái Tông, Duy Tân, Lê Đức Thọ, Lê Trọng Tấn kéo dài, những khu dân cư như Trung Hòa, Mỹ Đình, hàng loạt tờ rơi rao vặt mua bán nhà đất, chung cư, đất dự án được dán chi chít trên tường, cột điện, gốc cây, cả nắp cống... Nhiều ông chủ lớn còn thuê băng rôn, áp phích dự án treo cột điện với nhiều nội dung: "Sở hữu ngay căn hộ cao cấp với giá chỉ 1 tỷ đồng", "Hỗ trợ lãi suất mua nhà 0%"...
Anh T., trưởng phòng truyền thông của một dự án ở khu vực Đại lộ Thăng Long cho hay, chủ đầu tư dù đang sử dụng các kênh truyền thông trên báo đài, vẫn khuyến khích nhân viên lựa chọn việc treo băng rôn quảng cáo. Nguyên nhân bởi cách tiếp cận này tiết kiệm kinh phí, phù hợp với các sản phẩm bình dân có đối tượng khách hàng thu nhập thấp. Tuy nhiên, khi được hỏi việc treo, dán băng rôn quảng cáo gây mất mỹ quan đô thị sẽ bị phạt tiền lên đến 10 triệu đồng có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của dự án không thì anh T. nhấn mạnh là chưa đáng lo: “Việc treo các băng rôn quảng cáo này được thực hiện chủ yếu vào ban đêm hoặc gần sáng khi mà lực lượng an ninh khu phố vắng mặt. Thậm chí, hiện tại còn có các dịch vụ treo băng rôn quảng cáo BĐS chuyên nghiệp đến từ các công ty truyền thông lo từ A - Z nên… có gì phải sợ?!”.
Mập mờ thông tin
Hầu hết các băng rôn quảng cáo BĐS đang “nương” cây, “tựa” tường dọc các tuyến phố không chỉ sai phạm về quy định treo, đặt, dán mà còn mập mờ nội dung thông tin. Để cạnh tranh sự chú ý của khách hàng, nhiều “cò” đã cố tình tung “chiêu” quảng cáo dễ gây nhầm lẫn về giá cả sản phẩm. Tấm banner “100 triệu đồng sở hữu ngay căn hộ The Golden An Khánh” đầy rẫy trục đường Lê Trọng Tấn kéo dài đã khiến nhiều người giật mình vì độ rẻ. Khi phóng viên liên hệ tới số điện thoại 0936448XXX in trên banner hỏi về "mức giá" 100 triệu đồng thì nhân viên môi giới tên H. trả lời vòng vo: “100 triệu đồng này mới chỉ là số tiền thanh toán cho đợt một, chiếm 10% tổng giá trị hợp đồng với căn hộ 69,9m2, có mức giá gần 1,2 tỷ đồng. Hoàn thành xong đợt 1, chị sẽ có trong tay hợp đồng mua bán thì xem như đã sở hữu căn nhà nhưng phải tuân theo điều khoản hợp đồng đã quy định là đóng tiền đúng kỳ hạn 7 đợt sau”.
Tìm hiểu qua nhiều “cò” đất, phóng viên ghi nhận những sản phẩm chung cư giá rẻ hơn giá thị trường được quảng cáo trên các tấm băng rôn đều mang tính chất lấp liếm nhằm đánh vào tâm lý ham rẻ của khách hàng. Muốn sở hữu căn hộ thuộc dự án đó, khách hàng phải trả gấp 5, thậm chí gấp 10 lần giá quảng cáo. Khi thấy giá rẻ, ai cũng nghĩ nếu không mua thì người khác sẽ mua mất, nên vội vàng liên lạc để tìm hiểu và thế là rơi vào “bẫy” của “cò”. Một khi lạc vào mê hồn trận, không chỉ mất thời gian, công sức, mà đôi khi khách hàng còn có thể đưa ra những quyết định sai lầm.
 “Chưa bao giờ việc treo, dán quảng cáo để thu hút khách của môi giới BĐS khủng khiếp như hiện nay. Họ treo bất chấp mọi khu vực, địa thế với nội dung "câu view". Thị trường hiện rất đói thông tin chính xác, trong khi lại “bội thực” những dữ liệu sai, không có kiểm chứng. Về lâu dài, những quảng cáo che đậy thông tin quan trọng, khiến khách hàng cảm giác như bị lừa sẽ khiến DN BĐS phải gánh hậu quả về độ uy tín. Người mua nhà nên tìm hiểu chi tiết về điều kiện để hưởng lợi ích, ưu đãi của các chương trình rồi mới ra quyết định sử dụng hay không, chứ không chỉ “võ đoán” nghe quảng cáo là đủ” - ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, xu hướng bán rong bất động sản là hoàn toàn dễ hiểu. Nguồn cung lớn hơn cầu, lãi suất ngân hàng, sức ép về tài chính khiến chủ đầu tư phải tìm mọi cách để bán được hàng bằng hình thức có chi phí rẻ nhất. Tuy nhiên, hành vi này đang trực tiếp gây mất mỹ quan đô thị bởi sự nhếch nhác , “ăn xổi ở thì”.

Chuyên gia nhận định:
Nắm người “có tóc”
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản (BĐS) Hà Nội cho rằng, tình trạng “loạn” quảng cáo BĐS là một thực tế cố hữu. Về mặt mỹ quan, các banner quảng cáo địa ốc đặt tùy tiện đang làm cho diện mạo Hà Nội trở nên nhếch nhác, lộn xộn, mất mỹ quan. Đồng thời, cản trở giao thông, thậm chí có nguy cơ dẫn đến tai nạn. Về nội dung, khách hàng đang “ngộp thở” với  đủ kiểu dữ liệu “đá” nhau, gây “nhiễu” khi xác thực thông tin mua nhà. Điều đáng nói ở đây là việc treo, gắn thiếu ý thức của những người làm môi giới BĐS; cái sau chồng lên cái trước và có những băng rôn được treo hết ngày này qua tháng nọ, rách tả tơi cũng không ai tháo gỡ. Đó là chưa kể nhiều băng rôn quảng cáo còn có nội dung và hình thức thể hiện “mập mờ”. Do đó, cần tăng mức xử phạt để lập lại trật tự bình ổn cho thị trường địa ốc. Song song, cơ quan quản lý cần yêu cầu các công ty, sàn giao dịch BĐS ký biên bản cam kết quản lý nhân viên khi hành nghề, không treo, dán các băng rôn, áp phích quảng cáo tùy tiện. Nếu vi phạm, chủ các đơn vị này phải chịu trách nhiệm nộp phạt hành chính. Chúng ta phải phạt “người có tóc”, chứ đừng nắm “kẻ trọc đầu”.
Gia Tuấn  ghi