Quảng cáo phản cảm tái diễn: Xử lý nghiêm khắc để không nhờn luật

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, với mong muốn thu hút khách hàng, tăng lợi nhuận, một số DN cơ sở kinh doanh đã sử dụng các “chiêu trò” quảng cáo với nhiều nội dung phản cảm. Các luật sư và chuyên gia truyền thông cho rằng, cơ quan chức năng cần có quy định, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn với những hành vi quảng cáo vi phạm thuận phong mỹ tục.

Quảng cáo bằng cách cởi đồ, khoe thân lặp lại

Những ngày gần đây, thông tin và hình ảnh về nhóm thanh niên cởi trần, khoe thân, chặn lối đi trên tàu điện Cát Linh – Hà Đông để quảng cáo cho một nhãn hàng tràn ngập nhiều diễn đàn mạng xã hội. Ngay sau khi hình ảnh được đăng tải, nhiều người đã bày tỏ ra bức xúc vì hành vi phản cảm, "quảng cáo bẩn” diễn ra ở nơi công cộng.
 Nhóm người cởi trần quảng cáo sản phẩm trên tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Internet.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, dư luận xôn xao về việc các nhãn hàng, thương hiệu sử dụng các chiêu quảng cáo "sốc", phản cảm. Trước đó, tại Hà Nội nhiều nhà hàng đã sử dụng dàn người mẫu cởi trần, khoe body cơ bắp phục vụ thực khách. Đơn cử, năm 2019, nhân viên quán “Chim quay móc mật” ở ngõ 66B, Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội đã không mặc áo, phô diễn thân hình khi phục vụ khách. Hay trường hợp, năm 2016, Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội đã phối hợp với phòng VHTT quận Cầu Giấy xử phạt 40 triệu đồng vụ việc cho dàn PG (gương mặt đại diện cho nhãn hàng) mặc bikini tiếp khách.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về việc nhóm thanh niên cở trần để thực hiện chiến dịch truyền thông, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ: “Tôi tin rằng, ở góc độ thu hút của khách hàng tiềm năng, dư luận, truyền thông, chiến dịch của DN đã thành công. Nhưng, DN chủ nhãn hàng quảng cáo trên không phải có quy mô nhỏ. Vì vậy, DN lớn hoặc muốn phát triển cần có nhiều trách nhiệm xã hội. Bởi, nếu DN không tuân thủ luật pháp, thiếu trách nhiệm xã hội, nếu muốn làm chương trình, hợp tác với đơn vị lớn sẽ rất khó”.

Mặt khác, ông Nguyễn Ngọc Long cũng chia sẻ, sau sự việc trên, trên nhiều nhóm marketing, truyền thông trên mạng xã hội, nhiều người đã bình luận “rẻ quá”, “tha hồ quảng cáo”. Điều này cho thấy, nhiều DN rất có thể sẽ cố tình làm theo.

Mọi sự tự do đều cần có giới hạn

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về sự việc nhóm thanh niên ăn mặc phản cảm trên tàu điện Cát Linh – Hà Đông, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật, luật sư Diệp Năng Bình nhận xét: “Những hiện tượng phản cảm như cởi trần tại nơi công cộng (không phải hồ bơi, bãi tắm) dẫu chỉ là đơn lẻ, song thật đáng suy nghĩ và lưu tâm khi những hành vi đáng phê phán đó lại được giới trẻ nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Họ mong muốn thể hiện và thỏa mãn cái tôi một cách bản năng và thái quá, bất chấp sự lố bịch, thiếu văn hóa. Bên cạnh đó là ý đồ vụ lợi, thu hút sự chú ý để quảng cáo. Dường như họ quên rằng nơi công cộng, di tích, địa điểm tôn giáo là nơi mỗi cá nhân cần tuân theo những quy định chung hoặc tôn trọng những nguyên tắc, đạo đức, ứng xử, thể hiện văn hóa và nếp sống văn minh của cộng đồng. Họ cần hiểu mọi sự tự do cũng cần có giới hạn và không thể có những hành vi, việc làm cá nhân tùy tiện, ảnh hưởng đến mọi người, tác động xấu đến xã hội”.

Ở góc độ pháp luật, Giám đốc công ty Luật My Way - luật sư Lê Văn Hồi chia sẻ: Đơn vị thực hiện hoạt động quảng cáo phản cảm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về việc “quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Điều này được quy định tại Điểm 4, Khoản 4 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, mức hình phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng.

“Ở góc độ người tiêu dùng, tôi cho rằng những người tiêu dùng thông minh cũng không ủng hộ những nhãn hàng sử dụng phương thức quảng cáo như thế này. Các DN cần cân nhắc và thận trọng khi lựa chọn các phương thức quảng cáo, truyền thông phù hợp với sản phẩm, dịch vụ của mình” - luật sư Lê Văn Hồi Hồi nhấn mạnh.

Liên quan đến sự việc nhóm than niên cởi trần để quảng cáo phản cảm, luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm: “Hiện nay, một số tỉnh đã ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tại TP Hà Nội việc sử dụng trang phục nơi công cộng, các địa điểm di tích lịch sử mặc dù đã được ghi nhận trong bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tuy nhiên, các quy tắc chỉ mang tính chất khuyến cáo, khuyến nghị thực hiện mà không mang tính bắt buộc như không nên mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; tại khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch nên mặc trang phục phù hợp.

Để giải quyết dứt diểm việc các DN, đơn vị kinh doanh quảng cáo phảm cảm, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng: “Đây là câu chuyện thuộc về cơ quan chức năng. Họ không có hành lang pháp lý, chế tài, công cụ về chính sách để quản lý. Vì dụ, nếu muốn quản lý hiệu quả, dứt điểm thì phải có biện pháp thuyết phục. Ví dụ, chúng ta có thể đưa ra quy định cụ thể không được cởi trần lên tàu điện, mặc quần áo ngắn ra sao. Khi đó, nếu DN nào làm sai, chúng ta mới dễ xử lý, kêu gọi được dư luận”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần