Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Nam: đẩy mạnh giải ngân, không để lãng phí nguồn vốn đầu tư công

Tấn Việt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công để tránh lãng phí nguồn vốn đã được bố trí.

Giải ngân vẫn còn rất thấp

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, tính đến ngày 16/10, vốn đầu tư công năm 2024 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân được 3.939.171/9.045.929 triệu đồng, đạt 43,5%.

Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân 3.008.144/7.218.514 triệu đồng, đạt 41,7%; kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài giải ngân 931.027/1.827.415 triệu đồng, đạt 50,9%.

Như vậy, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, mới đạt 41,7% so với kế hoạch vốn sau điều chỉnh, đạt 43,6% so với kế hoạch vốn UBND tỉnh giao từ đầu năm, đạt 46,1% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân 825.731 triệu đồng, đạt 37,6%; nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân 2.182.413 triệu đồng, đạt 43,5%.

Quảng Nam đang đẩy nhanh giải ngân đầu tư công nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Quảng Nam đang đẩy nhanh giải ngân đầu tư công nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài giải ngân 931.027 triệu đồng, đạt 50,9%. Trong đó, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giải ngân 386.649 triệu đồng, đạt 40,7%; kế hoạch vốn ngân sách địa phương, bao gồm cấp tỉnh, huyện, xã giải ngân 544.378 triệu đồng, đạt 62%.

Nguyên nhân được xác định liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, do việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn; đơn giá bồi thường tại một số khu vực chưa sát với thực tế; người dân thường kiến nghị chủ đầu tư bồi thường quá cao so với mặt bằng chung… Hiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục hoàn thiện và dự kiến trình HĐND tỉnh trong kỳ họp cuối tháng 10.

Song song với đó là tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp. Nhiều địa phương có mỏ nhưng do thủ tục kéo dài đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Giá nguyên vật liệu theo công bố của Sở Xây dựng và giá ngoài thực tế có sự chênh lệch lớn ở một số địa phương...

Một số nhà thầu tham dự thầu qua hệ thống đấu thầu quốc gia nhưng chưa tìm hiểu rõ và đánh giá đúng hiện trạng đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, thời tiết, điều kiện vận chuyển… Vì vậy khi trúng thầu và triển khai thi công thì gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện, dẫn đến thi công cầm chừng không đảm bảo kế hoạch đã cam kết với chủ đầu tư.

Kiểm điểm các cá nhân, tập thể giải ngân chậm

Tại cuộc họp sáng nay 18/10, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo về phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt phải sử dụng hiệu quả.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận tỷ lệ giải ngân của địa phương rất khiêm tốn. “Quyết tâm chính trị phải đặt lên hàng đầu. Lãnh đạo các đơn vị phải đôn đốc thường xuyên, không được chủ quan. Kịch bản giai đoạn đầu năm chưa quyết tâm, cuối năm lại chạy nước rút đang lặp lại. Đây là bài học được nhắc rất nhiều lần nhưng vẫn mắc phải” – ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, công tác giải ngân vốn đầu tư công không của riêng ai, phải thực hiện xuyên suốt từ cấp tỉnh đến xã. Tinh thần chỉ đạo là khó đến đâu gỡ đến đó, vừa gỡ cái khó vừa hoàn thành cái dễ. Tránh tình trạng ra nhiều văn bản nhưng ngâm rất lâu, có khi cả tháng không được giải quyết. Một số dự án do cấp xã làm chủ đầu tư hiện gặp khó khăn về thủ tục, vì vậy huyện cần phối hợp, hỗ trợ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng khẳng định các sở, ban, ngành và địa phương phải ưu tiên nguồn lực để giải ngân đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng khẳng định các sở, ban, ngành và địa phương phải ưu tiên nguồn lực để giải ngân đầu tư công.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng khẳng định ưu tiên mọi nguồn lực để đẩy nhanh công tác giải ngân đầu tư công. Để làm được điều đó, các địa phương phải họp định kỳ hai tuần một lần, còn tỉnh mỗi tháng một lần. “Áp dụng công thức 7 ngày để giải quyết mọi thủ tục theo đúng thẩm quyền. Lãnh đạo khi giao nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc” – ông Dũng nói.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhắc lại phương châm của Thủ tướng Chính phủ khi chỉ đạo các nhà thầu là làm “3 ca 4 kíp, vượt nắng thắng mưa, chỉ bàn làm không bàn lùi”. Chủ đầu tư nào thấy nhà thầu thi công cầm chừng hoặc không thực hiện thì rà soát gửi báo cáo lên Sở Kế hoạch và Đầu tư, không cho đấu thầu các dự án tiếp theo. Tránh tình trạng dự án dễ, lợi nhuận nhiều thì làm, thấy khó khăn lại đùn đẩy trách nhiệm.

Sở Nội vụ tiến hành tham mưu, gợi ý để xem xét trách nhiệm, kiểm điểm những tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ. Việc này phải thực hiện một cách công tâm, đúng người, đúng việc để làm gương. Ví dụ như đơn vị, địa phương muốn trả vốn thì phải tiến hành kiểm điểm. Riêng năm 2025 sẽ không có hiện tượng trả vốn lại, bởi đã nhận nhiệm vụ là phải hoàn thành.

Một vấn đề quan trọng được Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chính là tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng. Hiện hóa đơn thuế và giá bán thực tế ngoài thị trường đang chênh nhau rất nhiều, gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Tỉnh sẽ vào cuộc mạnh mẽ để kiểm tra, kiểm soát. Phải khắc phục cho được tình trạng thiếu mỏ đất, cát và giá tăng cao. Cần lập lại trật tự, kỷ cương chỗ này.” - ông Dũng chia sẻ.