UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Công điện số 10/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó bão Trà Mi.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam điện Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam; các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện.
Các đơn vị rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Đáng chú ý, Quảng Nam tổ chức việc cấm biển đối với tàu cá, tàu khách, tàu du lịch ra, vào các cửa biển, các bãi ngang trên địa bàn tỉnh từ 10 giờ ngày 25/10 cho đến khi bão tan và tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.
Theo báo cáo nhanh, hiện Quảng Nam có 52 tàu/2.202 lao động đang hoạt động trên biển; 41 tàu đang neo đậu ở các cảng với 209 thành viên và 2 hành khách.
Lãnh đạo địa phương tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Sở Giao thông vận tải đã tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian diễn ra bão lụt để kịp thời theo dõi, chỉ đạo; thường xuyên báo cáo tình hình giao thông, thiệt hại, công tác khắc phục thiệt hại đảm bảo giao thông gửi về Sở để theo dõi, chỉ đạo và báo cáo cấp trên theo quy định.
Theo ông Trần Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, các phương án phòng, chống thiên tai trên từng cung đường theo kế hoạch đã được lập, đặc biệt các vị trí trọng yếu thường xuyên bị sạt lở, ngập lụt trên các tuyến đường được giao quản lý, như tuyến QL 14B, QL 14D, QL 40B, ĐT 606, ĐT 609, ĐT 611... Các đơn vị bố trí lực lượng, thiết bị, biển báo, dự phòng vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để triển khai khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất khi có tình huống xảy ra.
Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ công trình, bảo vệ tài sản công trình, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho người và thiết bị, máy móc. Di chuyển người đến nơi an toàn, tập kết máy móc, thiết bị ở những nơi thuận lợi, không cản trở giao thông để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống tắc đường; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nguyên nhiên vật liệu để đề phòng giao thông bị ách tắc, cô lập nhiều ngày.
Liên quan đến các hồ thủy lợi, đối với 17 hồ do Công ty Thủy lợi Quảng Nam quản lý, hiện có 7 hồ đầy là Hương Mao, Đá Vách, An Long, Phú Lộc, Thạch Bàn; Nước Rôn và Khe Tân; 2 hồ tích đạt dưới 40%; 8 hồ tích đạt từ 40-80%. Đối với 56 hồ do địa phương quản lý có 18 hồ đầy nước; 11 hồ mực nước dưới tràn từ 0 - 1m; 7 hồ mực nước dưới tràn từ 1 - 2m; 4 hồ mực nước dưới tràn từ 2 - 3m; 4 hồ mực nước dưới tràn từ 3 - 4m; 3 hồ mực nước dưới tràn từ 4 - 5m; 2 hồ mực nước thấp hơn tràn trên 5m; 7 hồ không tưới (Đồng Minh, Mười Tấn, Khe Bò, Khu Ủy, Vủng Nổ, Mùa Thu, Hố Trầu).
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết 4 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.
Dự báo trong 48 giờ tới, 4 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5N-112,0E; trên khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa; di chuyển theo hướng Tây, 15-20km/h, cường độ cấp 10, giật cấp 12.
Dự báo trong 72 giờ tới, 4 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5N-109,7E; trên vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía Tây; bão di chuyển theo hướng Tây. Bão di chuyển theo hướng Tây Nam, khoảng 10-15km/h, cường độ cấp 10, giật cấp 12.