Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Nam khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng hai con số

Tấn Việt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt tối thiểu 10%.

Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, khẩn trương tham mưu về nội dung kịch bản tăng trưởng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lưu ý các báo cáo phải cụ thể, rõ ràng. Các ngành liên quan cần rà soát xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý, đề xuất giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực, sản phẩm trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt tối thiểu 10%; trình UBND tỉnh trước 10 giờ ngày 18/2.

Quảng Nam đang khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ đột phá nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Quảng Nam đang khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ đột phá nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các sở, ngành phải chịu trách nhiệm báo cáo thực trạng, đề xuất các giải pháp cụ thể gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước 10 giờ ngày 17/2; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung, số liệu báo cáo.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, vì vậy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030. Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 tăng 9,5-10%.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư; kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, dự án liên vùng, liên tỉnh. Tăng cường các giải pháp kích thích cầu tiêu dùng; thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu; phát triển thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới hiệu quả; gắn kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm lên kế hoạch xúc tiến đầu tư; xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao; kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI, nhất là thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án tại tỉnh. Tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như: đầu tư sân bay, cảng biển, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Ngay từ đầu năm, Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo nhiều vấn đề trọng tâm liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.
Ngay từ đầu năm, Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo nhiều vấn đề trọng tâm liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.

Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tăng cường quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết; mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu…

Để làm được điều đó, Quảng Nam sẽ tập trung đẩy mạnh rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong giải quyết thủ tục hành chính để giảm tầng nấc trung gian, chấm dứt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết qua nhiều cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch, đầy đủ thủ tục hành chính, số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.