Điều chỉnh các dự án BĐS chậm tiến độ
Thị trường BĐS tại Quảng Nam từng có khoảng thời gian “làm mưa làm gió” khi hàng trăm dự án được giới thiệu ra thị trường theo hình thức góp vốn hoặc hợp tác đầu tư. Chính những bất cập trong việc giao dịch đã dẫn đến những xung đột về mặt quyền lợi giữa các bên.
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát tiến độ thực hiện dự án, khối lượng, quy mô, diện tích còn lại, đánh giá khả năng bồi thường, giải phóng mặt bằng... Trên cơ sở kết quả đánh giá, UBND tỉnh xem xét, giải quyết việc điều chỉnh tiến độ, gia hạn tiến độ và chỉ đạo giải quyết các nội dung liên quan của từng dự án để sớm hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Từ đầu năm đến nay đã có hàng loạt dự án được giãn tiến độ, điều chỉnh tiến độ thực hiện hoặc điều chỉnh quy hoạch 1/500. Phần lớn các dự án phải hoàn thành và nghiệm thu bàn giao đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2025.
Theo đó, Chủ đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục về xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS và pháp lý liên quan. Doanh nghiệp và chính quyền phối hợp để hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để được giao đất, hoàn thành hồ sơ, thủ tục liên quan để triển khai thi công hoàn thành toàn bộ dự án, đảm bảo tiến độ.
Bước vào giai đoạn thanh lọc
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn, hiện có 79 dự án nằm tại khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc; 10 dự án dọc ven sông Cổ Cò; 22 dự án nằm các khu vực khác của thị xã. Phần lớn các dự án đều gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, giao đất một phần hoặc mới thi công phần được giao đất.
Điều đáng nói là mới có khoảng 8 dự án được hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng; 31 dự án vẫn chưa được giao đất; 12 dự án chuyển giao và thu hồi.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương tập trung hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện các thủ tục như xét nguồn gốc đất, xác định loại đất, công nhận diện tích đất, đăng ký kế hoạch sử dụng đất… Địa phương tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành được dự án theo đúng tiến độ đã gia hạn.
Cũng theo ông Hà, các dự án BĐS đang gặp nhiều trở ngại khác nhau. Đầu tiên phải kể đến nhóm dự án đang được chính quyền tập trung tháo gỡ vướng về mặt bằng; tiếp theo các chủ đầu tư tỏ ra đuối sức về tài chính, khó duy trì hoạt động kinh doanh bình thường; chưa kể một số dự án đã triển khai huy động vốn và có dấu hiệu xảy ra tranh chấp giữa các bên.
“Công tác giải phóng mặt bằng sẽ được địa phương ưu tiên hàng đầu. Song song tổ chức họp định kỳ với các doanh nghiệp để lắng nghe nguyện vọng và đưa ra hướng tháo gỡ kịp thời. Đối với việc gia hạn tiến độ dự án được xem như tối hậu tư để các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình” - ông Hà chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng khẳng định BĐS nằm trong nhóm vấn đề được ưu tiên để tháo gỡ, tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai. Thời gian qua UBND tỉnh đã giao cho các ban ngành để rà soát và phân loại các nhóm vấn đề khác nhau để tập trung giải quyết dứt điểm như công tác giải phòng mặt bằng, xác định giá đất, thủ tục hành chính hay nguồn vốn.
Cũng theo ông Dũng, tỉnh sẽ chỉ đạo đặc biệt đến một số dự án đang xảy ra tranh chấp, kiện tụng giữa chủ đầu tư và khách hàng. Thậm chí đích thân lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sẽ điều hành các cuộc họp với sự góp mặt của các bên liên quan để tháo gỡ dứt điểm, tạo môi trường đầu tư tích cực.