70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Nam: Người dân ngăn cản thi công dự án khu công nghiệp Tam Thăng 2 để đòi đền bù

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, hàng chục người dân tại thôn Nghĩa Hòa (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) tập trung phản đối, ngăn cản thi công dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tam Thăng 2 để đòi đền bù. Người dân cho rằng đất canh tác lâu năm của họ chưa được đền bù nhưng bị doanh nghiệp san ủi để thi công dự án.

Dân tố đất chưa đền bù đã thi công
Trong 2 ngày (5 - 6/11), hàng chục người dân thôn Nghĩa Hòa đã tập trung tại công trường để phản đối, ngăn cản không cho chủ đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng 2 là Công ty CP Capella Quảng Nam tổ chức san ủi đất, giải phóng mặt bằng thi công dự án. Người dân cho rằng, diện tích đất mà công ty đang thi công dự án là do ông bà họ khai phá để lại cho con cháu sản xuất, nhưng nay Nhà nước thu hồi và bàn giao cho doanh nghiệp thì không được nhận tiền đền bù, hay hỗ trợ.
Người dân tập trung phản đối, ngăn cản thi công  khi cho rằng đất canh tác lâu năm của họ chưa được đền bù đã bị san ủi để thi công dự án. 
Bà Phan Thị Ánh (59 tuổi, trú thôn Nghĩa Hòa) bức xúc: “Đất này nguyên thủy là do ông bà, người dân chúng tôi khai phá, canh tác hoa màu từ trước đến nay và đã được kê khai trước đó. Nhưng đùng một cái, UBND huyện Thăng Bình nói của nhà nước nên thu hồi lại và hiện nay tỉnh đã bàn giao diện tích đất trên cho Công ty CP Capella Quảng Nam san ủi, giải phóng mặt bằng để làm dự án nhưng không đền bù, không hỗ trợ cho người dân một đồng nào”.
Theo bà Ánh, vào tháng 1/2017, UBND xã Bình Nam gọi từng hộ dân có đất đến kê khai, phân loại, tách thửa và đo đạc xác định ranh giới, mốc giới sử dụng, lập biên bản mô tả ranh giới. Sau khi xác định nguồn đất và không hề có sự tranh chấp giữa các hộ sử dụng đất liền kề, xã cũng đã quy ra chủ đất. Thời điểm này, ông Trần Văn Tốt – Chủ tịch UBND xã Bình đã ký xác nhận và có đóng dấu đỏ.
“Cách khu đất này mấy trăm mét là khu đất của một số hộ thuộc xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ thì được chính quyền địa phương nhiệt tình hỗ trợ người dân, còn tại sao chúng tôi lại không?” - bà Ánh thắc mắc.
Còn ông Phan Thanh Khiết (40 tuổi, thôn Nghĩa Hòa) cho biết, số cây hoa màu của dân trồng đã bị đơn vị thi công tự ý san ủi mà không hề thông báo. Chuyện này đã xảy ra từ năm ngoái và đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chiều 5/11, người dân đến phòng tiếp công dân của tỉnh thì mới biết là diện tích đất này đã được UBND tỉnh phê duyệt, giao cho Công ty CP Capella Quảng Nam thi công dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng 2.
Doanh nghiệp san ủi đất, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. 
“Đất dân chúng tôi canh tác bao đời nay chưa được đền bù đã bị thu hồi để thi công dự án. Khi tỉnh có chủ trương thì chúng tôi tạm dừng không sản xuất nữa, giờ xã lại bảo đất người dân bỏ hoang nhiều năm nay nên không được nhận đền bù” - ông Khiết nói.
Theo ông Khiết, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi một công văn cho UBND xã Bình Nam yêu cầu địa phương này phải giải quyết cho các hộ dân chưa được hỗ trợ. Trong khi xã Bình Nam chưa giải quyết thì doanh nghiệp đã cho phương tiện, máy móc vào thi công.
Doanh nghiệp nói đất đã được UBND tỉnh bàn giao 
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Công Quốc - Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết, liên quan đến dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng 2 được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt trước đó, thì địa phương có 16,5/103,5 ha bị ảnh hưởng. Trong đó có 6,5 ha đất ảnh hưởng với 19 hộ dân. Tuy nhiên, sau khi xã làm việc thì đã có 3 hộ đã tự nguyện rút đơn, số còn lại thì xã tiếp tục giải quyết kiến nghị bằng văn bản.
“Thực chất phần diện tích đất mà người dân kiến nghị vốn là đất sa mạc, không bờ thửa, từ năm 1993 đã không có ai canh tác rồi. Sau khi xem xét thì cơ quan chức năng và hội đồng tư vấn của xã xác định diện tích đất này không đủ điều kiện để đền bù vì đã bị bỏ hoang, không sản xuất từ bấy lâu nay. Hiện phần diện tích này đã được UBND tỉnh cấp phép cho doanh nghiệp để xây dựng dự án”, ông Quốc nói.
Cũng theo ông Quốc, UBND huyện Thăng Bình và địa phương đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân để giải thích và tìm cách tháo gỡ cho người dân hiểu về việc này.

Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng 2 do UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt với quy mô hơn 100ha. 

“Quan điểm của địa phương là không có chuyện giành đất của bà con, nhưng phải đúng quy định của pháp luật thì xã mới giải quyết được. Riêng về phần diện tích đất mà các hộ dân kiến nghị thì tôi khẳng định là của nhà nước và do UBND xã Bình Nam quản lý, chứ không có đất của một cá nhân nào cả nên không có cơ sở để bồi thường, đền bù”, ông Quốc khẳng định.
“Còn về việc người dân tố cáo doanh nghiệp thuê người ra công trường ngăn cản người dân, thì đó chỉ là do phía doanh nghiệp có thuê công ty bảo vệ đến bảo vệ công trường để thi công dự án đúng tiến độ, chứ không có chuyện xô xát gì với dân cả”, ông Quốc lý giải.
Trong khi đó, ông Phạm Đình Chức - đại diện bộ phận giải phóng mặt bằng Công ty Cổ phần Capella Quảng Nam cho biết, đơn vị được nhà nước chấp thuận cho thuê 103,5 ha đất với thời gian là 50 năm (từ 2017 - 2067) để xây dựng dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng 2, và được UBND tỉnh Quảng Nam bàn giao đất vào tháng 5/2020. Trong tổng số diện tích đất thuê này, có một phần diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Hiện phần diện tích đất mà người dân ngăn cản, không cho công ty chúng tôi thi công là đã được UBND tỉnh Quảng Nam bàn giao, cấp phép. Hiện tại chúng tôi đã báo cáo lên các cơ quan chức năng địa phương để kiến nghị cho lực lượng hỗ trợ công ty đảm bảo tiến độ thi công”, ông Chức nói.