Quảng Nam: Những dòng sông bị “bức tử” bởi hóa chất ở huyện Tiên Phước

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hóa chất độc hại dùng để khai thác vàng trái phép xả thẳng ra sông Quế Phương, sông Tiên (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) khiến nước ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, có màu vàng đục đậm đặc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.

Dòng sông “biến hình”

Những năm gần đây, từ khi Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) phá sản, hết hạn khai thác thì khu vực các mỏ do đơn vị này để lại trở thành thiên đường của “vàng tặc”. 

Hệ lụy dễ nhìn thấy nhất từ vấn nạn này là các dòng sông ở phía hạ lưu mỏ vàng như sông Tiên, Quế Phương bị “đầu độc”, nước đục ngầu, bốc mùi hóa chất dùng để lọc vàng. Cuộc sống của người dân địa phương bị ảnh hưởng, họ không dám lấy nước ở những con sông này phục vụ sinh hoạt.

Nước sông Tiên “biến hình” từ màu xanh sang màu vàng đục ngầu do nạn khai thác vàng trái phép.
Nước sông Tiên “biến hình” từ màu xanh sang màu vàng đục ngầu do nạn khai thác vàng trái phép.

Theo người dân địa phương, trước đây, nước sông Tiên xanh, trong vắt. Người dân gieo trồng các loại nông sản ngắn ngày tại khu vực bãi bồi để tiện tưới tiêu, cây phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, nhiều hộ cũng trồng nhưng cây không phát triển hoặc lên còi cọc do nguồn nước bị ô nhiễm.

Ông Nguyễn Trật (55 tuổi, trú thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) cho hay: “Nước sông Tiên từ màu xanh chuyển sang màu vàng đục như vậy là do nạn làm vàng trái phép ở thượng nguồn. Họ lấy hóa chất tách vàng xong rồi xả thẳng ra suối. Nước theo dòng chảy về hạ lưu gây ô nhiễm. Nước sông bốc mùi, tưới lên cây thì cây chết hoặc suy dinh dưỡng”.

Nỗi lo lắng của ông Trật cũng tương tự như nhiều người dân khác ở xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước khi con sông Quế Phương chảy qua địa bàn cũng đang bị “bức tử” bởi ô nhiễm do nạn khai thác vàng.

Càng về thượng nguồn, nước sông Quế Phương càng đậm đặc màu vàng đục và bốc mùi hôi thối.
Càng về thượng nguồn, nước sông Quế Phương càng đậm đặc màu vàng đục và bốc mùi hôi thối.

Dẫn chúng tôi đến đến thượng nguồn sông Quế Phương, nơi giáp ranh với bãi vàng Bồng Miêu, anh Đào Văn Dũng (33 tuổi, trú thôn 4, xã Tiên Lập) chỉ xuống dòng nước đục ngầu nói: “Sông Quế Phương rồi cả sông Tiên dưới thị trấn bị ô nhiễm, bốc mùi nồng nặc như vậy tất cả đều bắt đầu từ đây. Cả hai con sông này hợp dòng với nhau và bắt nguồn từ sông Bồng Miêu ở huyện Phú Ninh, nơi đó là lãnh địa vàng, họ làm nhiều lắm”.

Theo anh Dũng, vài năm lại đây, nước sông Quế Phương, sông Tiên bị ô nhiễm nặng nên cá, tôm đều chết hết. Có đợt năm ngoái cá chết nổi trắng sông.

“Quanh năm nước bị ô nhiễm, đục ngầu như vậy thì cá tôm nào sống nổi. Dân ở đây chủ yếu dựa vào nước sông để sinh hoạt, sản xuất mà bây giờ ô nhiễm như vậy thì ai dám dùng. Đến nỗi, uống nước giếng đào cũng lo sợ nữa” - anh Dũng phản ánh.

Được biết, nước từ lưu vực 2 con sông này chảy qua 8/15 xã, thị trấn của huyện Tiên Phước và ảnh hưởng đến ngàn hộ dân trên địa bàn, trong đó có một nhà máy cung cấp nước sạch. 

Dân hoang mang

Thực trạng nước sông Tiên, Quế Phương bị ô nhiễm đã diễn ra nhiều năm khiến người dân rất hoang mang, lo lắng và liên tục phản ánh đến các cơ quan chức năng đề nghị kiểm tra, giải quyết triệt để, chấm dứt tình trạng ô nhiễm trên.

Hóa chất tách vàng hòa vào suối xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm những dòng sông.
Hóa chất tách vàng hòa vào suối xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm những dòng sông.

Trước những bức xúc của người dân, UBND huyện Tiên Phước đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra nguyên nhân gây ô nhiễm dòng sông.

Sau khi kiểm tra, tổ chuyên môn xác định nguyên nhân nước sông bị ô nhiễm là do hoạt động khai thác vàng quy mô lớn tại mỏ vàng Bồng Miêu. Hoạt động khai thác bằng phương pháp thủ công, hóa chất sau đó xả trực tiếp ra sông Bồng Miêu và chảy về sông Quế Phương, sông Tiên gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nguồn nước cung cấp cho nhà máy nước Tiên Kỳ bị ô nhiễm nên người dân hoang mang, không sử dụng nước từ nhà máy.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, UBND huyện Tiên Phước đã chỉ đạo lực lượng chuyên trách thường xuyên kiểm tra truy quét, xử lý các hoạt động khai thác vàng trái phép tại khu vực giáp ranh, thuộc địa bàn huyện quản lý.

Chất thải độc hại như thủy ngân, cyanua đóng thành cục bên con suối trong bãi vàng Bồng Miêu.
Chất thải độc hại như thủy ngân, cyanua đóng thành cục bên con suối trong bãi vàng Bồng Miêu.

Báo cáo UBND tỉnh, Sở TN&MT và UBND huyện Phú Ninh đề nghị xử lý và khắc phục tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, hợp đồng với Trung tâm tư vấn Khoa học Công nghệ và Môi trường Miền Trung để thực hiện quan trắc đánh giá chất lượng nguồn nước sông Quế Phương và sông Tiên.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Trầm Quế Hương cho biết, địa phương rất quan tâm những gì người dân phản ánh liên quan đến tình trạng ô nhiễm của sông Quế Phương và Sông Tiên. Huyện đã làm hết cách có thể, kiến nghị thông qua nhiều kênh để tìm phương án xử lý, chấm dứt tình trạng trên.

“Tôi đã làm việc với xã Tiên Lập và quán triệt phải thường xuyên kiểm tra, không để tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra trên khu vực thuộc quản lý của xã, nhất là người dân địa phương làm. Nếu có thì phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ cho ai hết” - ông Hương nói.

Còn việc người dân không dám dùng nước của nhà máy nước Tiên Kỳ, ông Hương lý giải, do nhà máy vẫn lấy nước sông Tiên lên để xử lý, nên người dân nghi ngại về chất lượng của nguồn nước. Huyện đã lấy mẫu nước tại khu vực này đi kiểm định thì cho kết quả đảm bảo quy định cho phép và đã công bố cho người dân an tâm.