Tài sản trôi theo dòng nước
Ký ức trận lũ quét kinh hoàng vừa rồi, chẳng có người dân nào thôn 2, xã Phước Thành muốn nhắc tới. Nhưng có lẽ với họ, phải mất rất nhiều thời gian mới có thể thoát được nỗi ám ảnh ấy.
Chưa hết bàng hoàng, anh Huỳnh Đức Thắng (43 tuổi, trú thôn 2, xã Phước Thành) kể lại: Trong đợt cơn bão số 9 vừa qua, trên địa bàn xảy ra mưa to, gió rất mạnh. Lúc đó, anh đang nằm trong nhà thì nghe một tiếng động lớn trên đỉnh núi.
Nghe có tiếng người hô to: “Có lũ quét!”, anh vội gọi vợ mình là chị Dương Thị Thủy. Vừa dắt được chiếc xe máy chảy ra khỏi nhà thì nước suối bắt đầu dâng cao, đầu tiên cuốn trôi sập một phần nhà rồi nhanh chóng cuốn trôi hoàn toàn ngôi nhà và mọi tài sản.
“Gia đình buôn bán tạp hóa nên có rất nhiều đồ đạt bị cuốn trôi, thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Bây giờ ở trong tình cảnh trắng tay. Mấy hôm nay vợ chồng tôi được bố trí ở tạm Trung tâm y tế xã”, anh Thắng ủ dột.
Theo anh Thắng, con suối này chỉ rộng khoảng 2m, cả mấy chục năm qua dòng chảy chẳng có gì thay đổi. Hằng ngày người dân địa phương thường ra suối giặt quần áo. Vậy mà giờ nó biến thành một con sông, nhiều tảng đá to nằm ngổn ngang dưới mặt nước.
Còn anh Lê Văn Hòa (trú thôn 2, xã Phước Thành) nhớ lại: “Vào chiều 28/10, khi cơn bão số 9 (Molave) độ bổ vào đất liền gây ra mưa to trên địa bàn xã Phước Thành, đến chiều cùng ngày nước lũ trên suối bắt đầu dân cao và kèm theo cây cối trôi xuống. Sau đó mọi người dân thôn 2, xã Phước Thành bắt đầu tháo chạy lên trụ sở UBND xã. Rồi chỉ một trong thời gian ngắn, nước lũ cuốn trôi hư hỏng nhà cửa, tài sản và hoa màu của bà con. Riêng gia đình tôi bị nước lũ gây sạt lở vào sâu hơn 15m, hư hỏng một phần phía sau nhà, ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng nào khủng khiếp như đợt mưa lũ vừa rồi”.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, khiến 22 ngôi nhà của người dân thôn 2, xã Phước Thành bị lũ quét cuốn trôi mất nhà cửa, tài sản. Hiện nay bà con địa phương được các cấp lãnh đạo chính quyền và tỉnh Quảng Nam cùng các đoàn hỗ trợ tự thiện đã đến giúp đỡ, hỗ trợ về lương thực, nhu yếu phẩm và bố trí nơi ở tạm thời ở Trạm Y tế xã Phước Thành cho bà con bị mất nhà cửa.
“Tôi mong sao trong thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương và các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam bố trí khu tái định cư mới để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân sinh sống lâu dài”, anh Hòa tâm sự.
Ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều ngôi nhà dân ở thôn 2, xã Phước Thành bị nước lũ cuốn trôi theo dòng nước hoặc bị ngã đổ sập chỉ còn sót lại nền móng hoặc vài tấm tole. Còn dòng suối để lộ thiên nhiều tảng đá lớn, nhỏ nằm ngổn ngang dưới dòng sông.
Ngoài ra, con đường dẫn vào trung tâm UBND xã Phước Thành đang bị chia cắt bởi sạt lở nặng. Để đảm bảo lưu thông và cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con địa phương, lực lượng chức năng đã làm con đường tạm để giúp mọi người lưu thông qua lại tạm thời. Hiện nay đoạn đường từ xã Phước Kim (huyện Phước Sơn) vào thôn 2, xã Phước Thành vẫn có nhiều điểm sạt lở đất đá trên tuyến đường ĐH 1, khiến việc lưu thông phương tiện đi lại rất khó khăn.
Sớm ổn định cuộc sống cho người dân
Theo báo cáo của UBND xã Phước Thành, trong tháng 10 và đầu tháng 11/2020, trên địa bàn xã liên tiếp bị ảnh hưởng của 6 cơn bão. Đặc biệt trong cơn bão số 9 đổ bộ vừa qua gây thiệt hại hết sức nặng nề. Trong đó, có 2 người bị thương; 49 ngôi nhà bị trôi, hư hỏng hoàn toàn; 55 ngôi nhà bị hư hỏng từ 30- 70%. Hệ thống đường giao thông cũng bị hư hỏng nặng. Ngoài ra, mưa bão còn cuốn trôi hơn 48 ha lúa; hư hại 141ha cây lâu năm (chủ yếu cây quế)….
Sau bão lũ, chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai khắc phục hậu quả. Ông Hồ Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết: “Chính quyền đã bố trí chỗ ở cho các hộ bị trôi, hư hỏng nhà cửa sau thiện tai. Hiện nay cũng đã làm được 27 nhà tạm cho người dân; huy động lực lượng tại chỗ và người dân tiếp nhận lương thực, nhu yếu phẩm đảm bảo cho nhân dân không bị đói, rét do mưa bão”.
Cũng theo ông Phúc, xã đã tiếp nhận cứu trợ từ các các nhâ, tổ chức và phân bổ hơn 52 tấn gạo; 1,8 tỷ đồng tiền mặt, trên 7.600 suất quà, có thể đảm bảo lương thực trong vòng 3 tháng. Ngoài ra, lực lượng dân quân, xung kích giúp nhân dân tháo, dọn nhà cửa, đường sá, dọn vệ sinh khu dân cư sau thiên tai, đảm bảo thuốc men, khám chữa bệnh cho nhân dân.
Để sớm ổn định cuộc sống cho người dân ở vùng lũ, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chính quyền địa phương nắm bắt tư tưởng, động viên bà con. Bên cạnh đó, tất cả lương thực, nhu yếu phẩm, vật liệu có phương án cung cấp cho bà con kịp thời nhất, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đói rét, thiếu đói thời gian tới.
“Trong điều kiện bà con không còn đất sản xuất phải có cách hướng dẫn đổi chuyển cây trồng, chuyển đổi sang chăn nuôi, tổng hợp các loại giống cây. Ngoài ra, phải sơ tán bà con vùng nguy hiểm đến địa điểm khác an toàn hơn, đồng thời chính quyền địa phương phối hợp với các sở ban, ngành tỉnh khẩn trương khắc phục lại tuyến đường giao thông, điện và hệ thống thông tin liên lạc để phục vụ nhân dân”, ông Thanh chỉ đạo.