Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Nam tạo “lực hấp dẫn” mới cho doanh nghiệp FDI

Tấn Việt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng khẳng định tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư cho doanh nghiệp FDI nhưng phải gắn liền với đời sống người lao động, người dân trong vùng dự án.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 246 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 201 dự án FDI còn hiệu lực, khoảng 61.000 người lao động đang làm việc, có 92 công đoàn cơ sở với 52.001 đoàn viên. Tính đến nay, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp ngân sách hơn 1.100 tỷ đồng, dự kiến cả năm hơn 1.300 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. 
Các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. 

Các đối tác đầu tư nước ngoài đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Singapore là đối tác có vốn đầu tư FDI lớn nhất với 8 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD. Hàn Quốc là đối tác FDI có số lượng dự án lớn nhất với 59 dự án, tổng vốn đăng ký gần 950 triệu USD, đứng thứ hai là Trung Quốc (gồm cả Đài Loan và Hồng Kông) với 45 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 413 triệu USD. Đứng thứ ba là Nhật Bản với 19 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 140 triệu USD. Các dự án đầu tư tập trung phần lớn tại Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu du lịch ven biển, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Nhưng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, chưa thể hồi phục hoàn toàn. Số doanh nghiệp thành lập mới hiện giảm về số lượng và số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hồ sơ, thủ tục, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam mong muốn các doanh nghiệp FDI tiếp tục đồng hành cùng địa phương trên tinh thần “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam mong muốn các doanh nghiệp FDI tiếp tục đồng hành cùng địa phương trên tinh thần “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”.

Trước những khó khăn, thách thức, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2024 và những năm tiếp theo; kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bảo đảm hoạt động của các doanh nghiệp được thuận lợi.

UBND tỉnh cũng xác định một số nội dung trọng tâm như khẩn trương tham mưu sửa đổi, bổ sung quy định về giá đất và bảng giá đất thời kỳ 2020-2024 trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn cụ thể trình tự, cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết đối với từng thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; các đơn vị liên quan có trách nhiệm khẩn trương triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 279/TB-UBND.

Quảng Nam sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến xử lý nước thải tập trung, đánh giá tác động môi trường, phê duyệt giá đất cụ thể, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông…

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất doanh nghiệp FDI cần thực hiện đúng quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Việc đầu tư phát triển kinh tế phải đảm bảo môi trường sinh thái cho người lao động và người dân trong vùng dự án.

Mục tiêu cuối cùng là làm sao phát triển kinh tế của doanh nghiệp FDI phải gắn với việc chăm lo cho đời sống người lao động, người dân trong vùng dự án để tạo môi trường làm việc hài hòa, thân thiện giữa doanh nghiệp, người lao động và địa phương. Các bên phấn đấu thực hiện theo phương châm “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”.