70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Nam tiếp tục công bố tình trạng khẩn cấp đối với huyện miền núi

Tấn Việt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp liên quan đến vết nứt xảy ra tại khu dân cư thôn H'juh, xã Ch'ơm, huyện Tây Giang.

Thời gian qua, huyện Tây Giang liên tục có mưa vừa, mưa to, mưa rất to khiến thôn H'juh xảy ra các vết nứt và sụt lún đất, có nguy cơ sạt lở cao.

Trong đó, số hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp là 10 hộ với 44 khẩu đang ở chân đỉnh đồi, được xác định nằm trong vùng bị uy hiếp bởi hiện tượng sạt lở đất đá.

Bên cạnh đó, 23 hộ với 91 nhân khẩu gần khu vực trên cũng có nguy cơ cao bị uy hiếp bởi sạt lở từ taluy đỉnh đồi trên và taluy âm phía sau nhà.

Với địa hình đồi núi, huyện Tây Giang đứng trước nguy cơ cao bị sạt lở sau diễn biến thời tiết liên tục có mưa. Nhiều hộ dân đã phải di dời đến nơi an toàn.
Với địa hình đồi núi, huyện Tây Giang đứng trước nguy cơ cao bị sạt lở sau diễn biến thời tiết liên tục có mưa. Nhiều hộ dân đã phải di dời đến nơi an toàn.

Trước tình trạng trên, ngày 26/10, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tây Giang triển khai các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để nhanh chóng sơ tán, di dời Nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí đảm bảo hậu cần cho Nhân dân tại nơi sơ tán; cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, rà soát, chủ động phương án bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại đảm bảo an toàn trên tuyến; tăng cường thông tin, truyền thông để người dân biết về nguy cơ diễn biến vết nứt, sụt lún để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu cấp miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp người dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, ổn định đời sống Nhân dân trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Địa phương cần thường xuyên tổ chức theo dõi, chủ động thực hiện các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cho người dân. Thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến của vết nứt, sụt lún và mức độ ảnh hưởng, báo cáo về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam liên tục xuất hiện các vết nứt tại các địa phương vùng cao. Điển hình là vết nứt tại huyện Nam Giang với 11 hộ dân bị ảnh hưởng.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam liên tục xuất hiện các vết nứt tại các địa phương vùng cao. Điển hình là vết nứt tại huyện Nam Giang với 11 hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo, khu vực có nguy cơ cao xuất hiện 7 vết nứt trên đồi, taluy dương của khu dân cư, vết nứt có chiều dài khoảng 100m đến 150m; chiều rộng khoảng 0,5m đến 0,7m; độ sâu khoảng 1,7m. Mương thoát nước đã bị vùi lấp hoàn toàn, hiện tượng nứt tường một số công trình phụ và nứt nẻ nền nhà.

Liên quan đến hiện tượng sạt lở đất, lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My cho biết, địa phương đã lên phương án sẵn sàng di dời 1.341 hộ dân với 5.832 nhân khẩu trước nguy cơ sạt lở do mưa bão số 6 gây ra.

Địa phương sẽ bố trí 780 hộ/3.539 khẩu sơ tán tập trung và 561 hộ/2293 khẩu sơ tán xen ghép tại 59 điểm dân cư và 2 điểm trường học có nguy cơ sạt lở cao nếu tình hình mưa lũ diễn biến xấu. Một số xã có số lượng bị ảnh hưởng lớn như xã Trà Cang có 5 điểm dân cư với 180 người, xã Trà Dơn có 5 điểm dân cư với 908 người, xã Trà Leng 3 điểm dân cư với 414 người, xã Trà Linh 5 điểm dân cư và 2 trường học 772 người, xã Trà Mai 9 điểm dân cư với 828 người, xã Trà Tập 8 điểm dân cư với 1.232 người.

Hiện huyện Nam Trà My đã bố trí lực lượng tại chỗ với gần 1.300 người sẵn sàng triển khai phục vụ công tác sơ tán người dân đến nơi an toàn và có thể huy động thêm hơn 500 người trong tình huống khẩn cấp.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão. Chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Từ tỉnh đến cơ sở tuyệt đối không chủ quan, lơ là, nhanh chóng triển khai phương án ứng phó với các kịch bản rủi ro thiên tai tùy theo cấp độ nhằm giảm nhẹ rủi ro thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền.